Cho vay tiêu dùng, cẩn thận “dính vết” lý lịch tín dụng xấu

Cho vay tiêu dùng, cẩn thận “dính vết” lý lịch tín dụng xấu

Cho vay tiêu dùng, cẩn thận “dính vết” lý lịch tín dụng xấu

Lý lịch tín dụng xấu ảnh hưởng tới quá trình vay vốn ngân hàng của khách hàng

                      Lý lịch tín dụng xấu ảnh hưởng tới quá trình vay vốn ngân hàng của khách hàng

Dù tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng đã được cải thiện đáng kể trong 10 tháng đầu năm nay, với dư nợ tín dụng tăng trưởng gần 13% và dự báo cả năm sẽ đạt mục tiêu kỳ vọng 17%, song các tổ chức cho vay vẫn phải cạnh tranh khốc liệt trong giành thị phần.

Bên cạnh việc ưu đãi lãi suất trong thời gian đầu, thậm chí đưa về mức 0%/năm, điều kiện cho vay cũng được nhiều TCTD nới lỏng. Đáng chú ý là ở những công ty tài chính đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, với khoản vay nhỏ lẻ có giá trị vài triệu đến vài chục triệu đồng…, khách hàng không cần chứng minh thu nhập, thủ tục giải ngân nhanh chóng. Nhưng chính điều này cũng đem lại sự phiền toái cho các đơn vị cung ứng vốn.

Trưởng phòng tín dụng của một ngân hàng có vốn nhà nước dẫn ra câu chuyện của khách hàng Trần Thanh Hải. Lâu nay, anh Hải vẫn vay vốn của ngân hàng ông để đáp ứng nhu cầu đầu tư tàu cá và thu mua hải sản, với lãi suất được ưu đãi ở mức 7%/năm.

Thời gian gần đây, khi các công ty tài chính vươn ra các tỉnh, thành ven biển, chào mời người dân vay vốn tiêu dùng với thủ tục nhanh gọn và giải ngân chỉ trong vòng vài chục phút mà không cần tài sản thế chấp, không ít người tiêu dùng vay vốn mà không nghĩ đến hậu quả nợ xấu.

Anh Hải cũng là một trong số đó, tiếp cận vay tiêu dùng gần 10 triệu đồng của một công ty tài chính. Đến kỳ trả gốc và lãi, anh không thanh toán đúng hạn nên khoản vay đã được cập nhật trong Hệ thống Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam – Ngân hàng nhà nước (CIC), xếp loại vào nợ nhóm 3. Khi chưa hoàn thành nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, khi có nhu cầu khoản vốn lớn hơn để bổ sung cho công việc kinh doanh, anh Hải không dễ vay vốn trở lại ở ngân hàng nói trên.

Lý giải nguyên nhân dù đã tham gia thị trường tài chính tiêu dùng rất lâu, nhưng đến nay, Prudential Finace vẫn chưa có ý định cho vay mua hàng trả góp như một số công ty tài chính khác, ông Sanjay Chakrabarty, Tổng giám đốc Công ty cho rằng, trong quá trình thẩm định cho vay, Công ty phải lấy được thông tin của khách hàng từ CIC mới có thể kiểm soát được tối đa rủi ro nợ xấu. Tuy nhiên, hiện nay, thông tin của khách hàng được đưa lên trung tâm này chưa nhanh chóng, trong khi, với khoản vay tiêu dùng trả góp nhỏ lẻ vài triệu đồng, đòi hỏi giải ngân chỉ trong vòng vài chục phút.

Cũng theo ông Sanjay Chakrabarty, phân khúc khách hàng của Prudential Finance là những người làm công ăn lương (từ 35 – 40 tuổi) làm việc tại các khu chế xuất, công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai. Khách hàng phải chứng minh thu nhập từ 3,5 triệu đồng/tháng trở lên và có khả năng trả nợ thì Công ty mới đáp ứng khoản vay từ 10 triệu đồng đến vài chục triệu đồng. Do đó, nợ xấu của Prudential Finance trong cho vay không đáng lo ngại.

“Nhu cầu vay tiêu dùng của khách hàng tăng, đòi hỏi ngày càng có nhiều công ty tài chính tham gia cung cấp khoản vay tiêu dùng. Song nếu cạnh tranh giành thị phần mà không kiểm soát được rủi ro sẽ nguy hiểm hơn”, ông Sanjay Chakrabarty nói.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần có vốn điều lệ trên 10.000 tỷ đồng ở TP. HCM cho biết, kể từ khi áp dụng các quy định về phân loại nợ của Thông tư 02/2014/TT-NHNN, nợ xấu của các ngân hàng tăng lên, nhất là với nợ nhóm 5. Nếu khách hàng vướng nợ xấu ở ngân hàng này thì ngân hàng khác không thể cho vay hoặc sẽ phải chuyển đổi nhóm nợ. Đó cũng là lý do vì sao tín dụng của nhà băng này tăng trưởng âm trong 9 tháng đầu năm 2015.

Theo ông Đỗ Hoàng Phong, Tổng giám đốc CIC, thực hiện chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng nhà nước, từ khi Thông tư 02 có hiệu lực, các ngân hàng phải căn cứ vào nhóm nợ của khách hàng cao nhất được CIC thông báo để làm cơ sở phân loại nợ đối với khách hàng của mình. Ví dụ, ngân hàng A xếp khách hàng B thuộc nhóm nợ 3, trong khi 3 ngân hàng khác xếp thuộc nhóm nợ 2 thì CIC sẽ thông báo nhóm nợ cao nhất (nhóm nợ 3 của ngân hàng A) cho 3 ngân hàng còn lại để các ngân hàng này chủ động xem xét đưa khách hàng của mình từ nhóm nợ 2 lên nhóm nợ 3, nhằm kiểm soát tốt hơn về mức độ rủi ro.

“Vì thế, đây cũng có thể là lý do khiến cho nợ xấu của các Ngân hàng Thương mại tăng lên trong thời gian qua”, ông Phong nói.

( trích dautuchungkhoan)

Share this post