Công nghệ nâng cao quản trị hoạt động ngân hàng

Công nghệ nâng cao quản trị hoạt động ngân hàng

Công nghệ nâng cao quản trị hoạt động ngân hàng

Không chỉ riêng với lĩnh vực thanh toán, nhìn rộng ra thì việc tận dụng công nghệ của CMCN 4.0 sẽ giúp cơ quan quản lý có thể nâng cao chức năng giám sát, đồng thời phía ngân hàng cũng gia tăng được mức độ an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động quản trị của mình. 

Công nghệ giúp gia tăng mức độ an ninh, an toàn trong hoạt động ngân hàng

Công nghệ giúp gia tăng mức độ an ninh, an toàn trong hoạt động ngân hàng


Đảm bảo an toàn, thông suốt

“Hoàn thiện chức năng giám sát của NHNN đối với các hệ thống thanh toán quan trọng trong nền kinh tế, phù hợp các chuẩn mực giám sát theo các nguyên tắc do Ngân hàng Thanh toán quốc tế BIS và Tổ chức quốc tế Các Ủy ban chứng khoán (IOSCO) xây dựng, bảo đảm các hệ thống thanh toán quốc gia hoạt động an toàn, hiệu quả và thông suốt…” là một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đặt ra tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm phát triển, quản lý và giám sát các hệ thống thanh toán quan trọng trong nền kinh tế.

Thực hiện chức năng giám sát các hệ thống thanh toán theo quy định tại Luật NHNN, Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về TTKDTM và Thông tư số 20/2018/TT-NHNN về giám sát các hệ thống thanh toán, NHNN Việt Nam đã ban hành và triển khai Chiến lược giám sát các hệ thống thanh toán tại Việt Nam giai đoạn 2014 – 2020.

Đối với hoạt động trung gian thanh toán, NHNN đã có nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (TGTT) thực hiện các biện pháp tăng cường an ninh, bảo mật trong hoạt động TGTT; bảo đảm đáp ứng điều kiện hoạt động, rà soát bổ sung, hoàn thiện quy trình nhận diện khách hàng.

Hiện NHNN đang thực hiện giám sát bằng phương thức trực tuyến và các báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất của các tổ chức vận hành hệ thống thanh toán, giám sát các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT nhằm nắm bắt thông tin và có biện pháp quản lý phù hợp để đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả và thông suốt của các hệ thống thanh toán trong nền kinh tế.

Theo ông Nghiêm Thanh Sơn – Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), qua thống kê, đánh giá và so sánh với các nước trên thế giới, có thể thấy thanh toán điện tử của Việt Nam hiện nay vẫn được đảm bảo an toàn với số lượng, tỷ lệ sự cố và vụ việc gian lận xảy ra ở mức thấp. “Tỷ lệ rủi ro qua thanh toán thẻ tại Việt Nam hiện chỉ bằng 1/3 so với tỷ lệ trung bình trên thế giới”, ông Sơn cho biết.

Công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống TTKDTM thời gian qua luôn được coi trọng và tăng cường. Các dịch vụ, phương tiện thanh toán điện tử phát triển mạnh và đa dạng hơn với nhiều sản phẩm, phương tiện mới, đáp ứng nhu cầu thanh toán trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, một thực tế cũng được chuyên gia thẳng thắn chỉ ra:  khuôn khổ pháp lý để có thể kiểm soát, quản lý các hoạt động cung cấp dịch vụ tài chính, ngân hàng trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số chưa đầy đủ và đồng bộ, đặc biệt là hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô, các tổ chức công nghệ tài chính. Cơ quan quản lý cũng chưa có đầy đủ thông tin về thị trường nên có thể dẫn đến ban hành các chính sách quản lý chưa phù hợp.

Ứng dụng công nghệ 4.0 trong bảo mật

Không chỉ riêng với lĩnh vực thanh toán, nhìn rộng ra thì việc tận dụng công nghệ của CMCN 4.0 sẽ giúp cơ quan quản lý có thể nâng cao chức năng giám sát, đồng thời phía ngân hàng cũng gia tăng được mức độ an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động quản trị của mình.

Ông Đoàn Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (NHNN) nhận thấy, việc ứng dụng công nghệ Big Data trong các dịch vụ thông tin tín dụng sẽ nâng cao khả năng quản lý, giám sát và quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ các mô hình phân tích, dự báo về hành vi, sở thích khách hàng để thiết kế, giới thiệu, cung ứng sản phẩm phù hợp với từng đối tượng khách hàng.

Lãnh đạo Cục Công nghệ thông tin cũng nêu ra một vài giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng. Như việc áp dụng công nghệ tuân thủ Regtech – là công nghệ giúp các tổ chức dịch vụ tài chính đáp ứng các quy tắc tuân thủ về tài chính, đặc biệt là các quy định về phòng chống rửa tiền và chống gian lận thông qua những quy định về xác minh thông tin khách hàng của các tổ chức tài chính.

Hay công nghệ giám sát Suptech là công nghệ hỗ trợ giám sát tuân thủ, được sử dụng trong các ứng dụng thu thập và phân tích dữ liệu. Việc sử dụng công nghệ Suptech giúp tăng cường năng lực của tổ chức, hiệu quả của dịch vụ cung cấp, đồng thời giảm thiểu chi phí. Áp dụng các công nghệ an ninh, an toàn bảo mật trong phát triển, xây dựng các dịch vụ tài chính, ngân hàng trên nền tảng kỹ thuật số (Chữ ký số, OTP, Sinh trắc học, 2-Factor Authentication, Tokenization…), triển khai áp dụng các tiêu chuẩn thẻ chip, QR Code… tăng khả năng chống gian lận, giảm rủi ro.

Ứng dụng công nghệ giao tiếp lập trình ứng dụng mở (Open API) nhằm tạo ra môi trường trao đổi, xử lý thông tin thuận lợi, nâng cao ứng dụng riêng, tăng doanh thu, tăng tính sáng tạo của tổ chức cũng là giải pháp được nhiều chuyên gia nhắc tới. Song theo ThS. Phạm Anh Tuấn – Trưởng Ban Hiện đại hoá công nghệ ngân hàng Vietcombank, để việc áp dụng Open API cần tính đến nhiều khía cạnh như pháp lý, khả năng kỹ thuật, nhu cầu thị trường, tính khả thi về mặt tài chính. Về mặt pháp lý, hiện tại NHNN chưa đưa ra các văn bản hướng dẫn, các hướng dẫn về chuẩn trao đổi thông tin, các hàm API bắt buộc, các chuẩn mã hoá dữ liệu, hay tiêu chuẩn thiết kế các API…

“NHNN nên xem xét thành lập một trung tâm trung gian làm nhiệm vụ thẩm định, chứng nhận, cấp phép và kiểm tra các bên thứ ba được phép sử dụng Open API của các ngân hàng”, ông Tuấn nêu ý kiến.

Từ vướng mắc thực tế, các NHTM cũng kiến nghị cơ quan quản lý cần thiết ban hành các quy định kiểm soát chặt chẽ các hoạt động cung cấp dịch vụ tài chính, ngân hàng ứng dụng công nghệ kỹ thuật số có tiềm ẩn rủi ro cao, ví dụ như: Quy định về kiểm soát chặt chẽ các tài khoản viễn thông, các dịch vụ thanh toán điện tử, trung gian thanh toán điện tử có tiềm ẩn rủi ro. Quy định về quy chế hoạt động cho các Hệ thống thông tin định danh khách hàng phục vụ công tác đối chiếu, kiểm tra chéo; hệ thống thông tin về bên cung, bên cầu dịch vụ giúp đo lường, đánh giá chính xác nhu cầu về sử dụng và khả năng cung cấp các dịch vụ tài chính; hệ thống thông tin giám sát, phân tích và đánh giá rủi ro… cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước để phục vụ mục đính quản lý, giám sát, đánh giá rủi ro cho các bên liên quan…

Để tạo thuận lợi cho người dân khi sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử, một chuyên gia cho rằng NHNN cần nghiên cứu ban hành chính sách về dự phòng rủi ro trong hoạt động thanh toán tương tự như quỹ dự phòng rủi ro tín dụng, có chính sách ưu đãi thuế cho các đơn vị sử dụng thanh toán điện tử…

Share this post