Cửa hẹp vào tín dụng BĐS

Cửa hẹp vào tín dụng BĐS

Cửa hẹp vào tín dụng BĐS

NHNN cảnh báo các NHTM trong việc tập trung cho vay BĐS năm 2016 là không thừa vì lĩnh vực này đang có xu hướng tăng trưởng nóng trở lại.

Cho vay bất động sản (BĐS) được dự báo sẽ bùng nổ trong năm 2016, nhưng một lãnh đạo NHNN cho rằng, không nên tập trung vào lĩnh vực này do các NHTM sẽ kiểm soát chặt chẽ dòng vốn chảy vào BĐS.

Lãnh đạo Sacombank cho biết, tín dụng NH này trong năm 2015 tăng chủ yếu vào lĩnh vực mua nhà để ở, chiếm trên 50% tổng dư nợ của NH. Tại OCB, VietCapital Bank, dư nợ cho vay mua nhà cũng tăng trưởng đáng kể trong năm qua, trong đó khối khách hàng cá nhân chiếm 20-30% tổng dư nợ.

Không chỉ thúc đẩy cho vay cá nhân, các NH còn đẩy mạnh vốn cho chủ đầu tư vay triển khai, hoàn thiện các dự án dở dang để có cơ hội thu hồi được khoản nợ cũ trước đó.

Bên cạnh đó, Sacombank, Techcombank, VIB, Vietcombank và các NH khác như VietBank, VietA Bank… đều tìm kiếm dự án có đầu ra tốt để cho vay. Các NH chạy đua cho vay BĐS, bởi đây là khoản vốn vay trung, dài hạn lãi suất cao, lãi biên thu về trong cho vay cao hơn so với các loại hình tín dụng khác.

NHNN đã có biện pháp kiểm soát dòng vốn vào BĐS năm 2016

                 NHNN đã có biện pháp kiểm soát dòng vốn vào BĐS năm 2016

Có lẽ chính vì các NHTM tập trung phát triển mảng tín dụng BĐS nên con số này tăng trưởng vượt bậc trong năm 2015. Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế của NHNN, tín dụng BĐS trong năm 2015 liên tục tăng, đến cuối năm dư nợ cho vay kinh doanh BĐS vào khoảng 360.000 tỷ đồng. Như vậy, so với con số cách đây ba năm (2012) khoảng 197.000 tỷ đồng thì các NH đã “bơm” vào lĩnh vực địa ốc khoảng 163.000 tỷ đồng, tức đã tăng khoảng 80%.

Tuy nhiên, mới đây, khi biết được NHNN sẽ kiểm soát chặt tín dụng BĐS trong năm 2016, các NHTM buộc phải lên dây cót và cân nhắc lại chiến lược kinh doanh của mình trong năm mới.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, năm 2016 cùng với chiến lược đẩy mạnh vốn cho cá nhân vay mua nhà, OCB vẫn hỗ trợ vốn cho chủ đầu tư, nhưng tất cả các khoản vay đều phải sàng lọc lại. Theo đó, chỉ có những dự án tốt mới được OCB cung ứng vốn. Đồng thời, OCB cũng phải tính đến chuyện phát triển NH bán lẻ trong năm tới.

Xuất phát từ việc kiểm soát chặt tín dụng BĐS, ông Nguyễn Phước Thanh, Phó thống đốc NHNN cho rằng đây là điều cần thiết. Bởi đây là lĩnh vực không bền vững. Năm 2015, NHNN nới cho NHTM đẩy mạnh tín dụng mảng này nhằm mục đích kích thị trường. Nhưng khi thị trường đã được châm ngòi thì NHNN kỳ vọng các NHTM phát triển mảng bán lẻ thay vì tập trung vào mảng tín dụng BĐS.

Một nguyên nhân nữa cũng khá quan trọng là NHNN xem xét lại tín dụng tăng trưởng tích cực trong năm qua không loại trừ việc các NH đẩy mạnh vốn vào BĐS nên cần thiết phải kiểm soát rủi ro để hạn chế nợ xấu tái tăng.

Thực tế, NHNN cảnh báo các NHTM trong việc tập trung cho vay BĐS năm 2016 là không thừa vì lĩnh vực này đang có xu hướng tăng trưởng nóng trở lại.

Và chuyện kiểm soát tín dụng BĐS không phải là quan điểm riêng của NHNN mà Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016.

Trong đó, Chính phủ đặc biệt lưu ý NHNN cần chú trọng kiểm soát chặt chẽ các khoản cấp tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như: BĐS, dự án thu hồi vốn thời gian dài…

Còn nhớ giai đoạn từ năm 2010 trở về trước, tín dụng ngành NH tăng trưởng mạnh lên đến 37-40%/năm theo sự thăng hoa của thị trường BĐS, chứng khoán. Trong đó, dư nợ lĩnh vực BĐS, chứng khoán tăng gần 42% và chiếm gần 20% cơ cấu dư nợ của hệ thống. Năm 2010, tín dụng tăng trưởng 27,6%, dư nợ cho vay riêng BĐS tăng trưởng đến 23,5%.

Vì thế, tháng 2/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó có chỉ định giảm tốc độ, tỷ trọng vay vốn tín dụng khu vực kinh doanh BĐS, chứng khoán.

Tín dụng cho lĩnh vực BĐS đang có xu hướng tăng cao, các giao dịch không chỉ tập trung chủ yếu ở phân khúc cao cấp và mặt bằng giá có xu hướng tăng gây lo ngại về sự phát triển bền vững của thị trường này. Vì vậy, theo các chuyên gia tài chính, khi thị trường đã phục hồi, cần điều chỉnh lại chủ trương khuyến khích cho vay BĐS.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, NH “bong bóng” tín dụng BĐS có thể xảy ra ở phân khúc tín dụng cho vay mua nhà, nếu NH lại ồ ạt cho vay như tình trạng đã xảy ra ở Mỹ vào những năm đầu tiên của thập niên 90 và ở Việt Nam vào thời kỳ 2007-2010. Vì thế, NH đẩy vốn vào BĐS phải có sự kiểm soát chặt, do tín dụng tại lĩnh vực này luôn tiềm ẩn rủi ro lớn.

Vấn đề là các NHTM sẽ làm gì khi NHNN đã có biện pháp kiểm soát dòng vốn vào BĐS năm mới, các NHTM cho biết họ sẽ chuyển hướng tập trung nhiều hơn vào mảng bán lẻ dịch vụ sản phẩm tài chính.

Ngoài ra, các NHTM tiếp tục quan tâm và hướng tín dụng vào 5 lĩnh vực ưu tiên: nông nghiệp, nông thôn; DNNVV; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; DN ứng dụng công nghệ cao. Rõ ràng, 2016 tiếp tục là một năm đầy thách thức cho ngành NH, làm thế nào để tìm được hướng đi phù hợp nhất là điều mà NH cần phải sớm xác định…

( trích thoibaonganhang)

Share this post