Dòng tiền đang chảy đi đâu?

Dòng tiền đang chảy đi đâu?

Dòng tiền đang chảy đi đâu?

Lãi suất tăng không còn là chuyện nhỏ, bởi giờ đây lãi suất không chỉ được nâng lên ở một vài tổ chức tín dụng lẻ tẻ, mà tăng đồng loạt ở các ngân hàng, ở các kỳ hạn.

Tiền đang ở ngân hàng và đang tiếp tục chảy về ngân hàng trong trường hợp lãi suất huy động chưa dừng lại

Tiền đang ở ngân hàng và đang tiếp tục chảy về ngân hàng trong trường hợp lãi suất huy động chưa dừng lại

Cuộc khảo sát của chúng tôi vào đầu tuần này cho thấy có ngân hàng đã trả lãi suất 6%/năm kỳ hạn một tháng cho những khoản tiền gửi từ 500 triệu đồng trở lên. Mức phổ biến cho kỳ hạn một tháng ở nhiều ngân hàng là 5,3-5,4%/năm; kỳ hạn ba tháng 5,5%-5,6% và sáu tháng khoảng 6,5%/năm.

Các ngân hàng quốc doanh và nửa quốc doanh cũng đã nâng lãi suất huy động lên ngang bằng các ngân hàng cổ phần. So với cách đây 12-18 tháng, lãi suất tiết kiệm một tháng của Agribank hay BIDV khi ấy ở mức 4%/năm, mới thấy tốc độ đi lên của lãi suất đầu vào mạnh mẽ như thế nào, “nhảy” hơn 30% so với chính nó.

Lãi suất huy động tăng, đương nhiên lãi suất cho vay phải tăng theo. Không có chuyện ngân hàng giữ nguyên lãi suất đầu ra, chịu thiệt về phần mình. Chi phí lãi vay, chi phí tài chính leo thang, doanh nghiệp làm sao hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa, chưa nói xuất khẩu? Trong khi các nước khu vực và cả thế giới giảm lãi suất, phá giá đồng tiền, lãi suất đồng Việt Nam tăng là điểm trừ cho nền kinh tế.

Vì sao lãi suất tăng? Có phải vì tín dụng “nóng”, sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp cũng đang tăng? Thưa không! Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 20-2-2016 tín dụng toàn hệ thống chỉ nhích có 0,39% so với cuối năm ngoái và thấp hơn hẳn cùng kỳ (cùng kỳ là 0,65%). Không thể nói ngân hàng thúc đẩy huy động do tín dụng bứt phá được.

Điều kỳ lạ là mặc dù mặt bằng lãi suất tăng, nhưng lãi suất trúng thầu trái phiếu chính phủ lại giảm hoặc giữ ổn định. Trong phiên đấu thầu gần nhất ngày 18-3-2016, lãi suất trái phiếu kỳ hạn năm năm còn 6,33%/năm so với 6,5%/năm của những phiên tháng 2-2016. Tuần trước, khối ngoại đã mua ròng 1.426 tỉ đồng trái phiếu, theo Hnx. Nước ngoài đang bán đô la Mỹ và đầu tư trái phiếu. Không những thế, các ngân hàng nước ngoài không tăng lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay. Họ đang tranh thủ thu hút những khách hàng doanh nghiệp lớn và tốt. Lãi suất chỉ tăng ở các ngân hàng nội địa.

Tuy nhiên, phía sau lãi suất là một sự thật khác!Thêm một điểm nữa. Theo một số ngân hàng, sự dịch chuyển tiết kiệm từ ngoại tệ sang tiền đồng đang diễn ra do lãi suất tiền gửi đô la Mỹ của cả cá nhân và tổ chức đều 0%/năm. Tiền, dưới hình thức này hình thức khác, vẫn ở trong ngân hàng. Từ đầu năm đến nay NHNN đã mua vào 3-3,5 tỉ đô la Mỹ, bơm ra thị trường đâu đó ước 70.000 tỉ đồng. Thanh khoản toàn thị trường nhìn chung tương đối dồi dào. Các ngân hàng không có lý do gì xác đáng để nâng lãi suất cả.

Với dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 36 về tỷ lệ an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, các ngân hàng phải chuẩn bị giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 60% về 40%. NHNN cho biết tỷ lệ này không giảm mà đang tăng lên. Đến ngày 16-1-2016, tỷ lệ này là 31,39% so với 31% của tháng 12-2015. Cho đến cuối quí 1-2016, rất có thể tỷ lệ trên không dừng lại ở đó.

Đấy là một yếu tố phụ. Yếu tố quan trọng nhất thuộc về việc lãi suất huy động tăng để vốn đầu vào tăng, có nguồn làm tấm đệm cho các khoản phải thu, cả lãi lẫn phí, đang phình ra ở một số ngân hàng.

Theo báo cáo tài chính công khai, chỉ một ngân hàng cổ phần niêm yết trên sàn chứng khoán, có trụ sở ở TPHCM, tổng các khoản phải thu + các khoản lãi, phí phải thu đã lên tới hơn 40.000 tỉ đồng. Công cuộc tái cơ cấu ngân hàng tới đây sẽ vào giai đoạn quyết liệt. Việc xử lý các ngân hàng âm vốn chủ sở hữu, NHNN mua lại với giá 0 đồng, sẽ được tiến hành công khai, minh bạch.

Ngày 18-3-2016 cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Quyết Thắng, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GPBank), cùng đồng phạm gây thiệt hại cho GPBank 5.500 tỉ đồng. Còn nhớ ngày 4-12 năm ngoái, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã chính thức công bố kết quả điều tra vụ án Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng và đồng phạm, theo đó riêng cá nhân ông Danh làm thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng hơn 9.000 tỉ đồng.

Và cũng đừng quên các khoản nợ xấu bán cho VAMC về bản chất vẫn là nợ xấu và các ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro 20%/năm cho những khoản đã bán cho VAMC. Một ngân hàng nếu không có nợ xấu, huy động được 100 đồng, có thể cho vay 80 đồng (phần còn lại dự trữ bắt buộc, dự trữ thanh khoản, khả năng chi trả…). Khi đã thu hồi được 80 đồng cho vay cả gốc và lãi, lại cho vay tiếp, huy động được nhiều cho vay nhiều, huy động được ít cho vay ít. Nhưng với ngân hàng có nợ xấu thì không đơn giản thế. Chỉ cần mất 10 đồng (nợ xấu) trong số 80 đồng gốc cho vay kia, ngân hàng bắt buộc phải huy động thêm vốn để có tiền trả cho người gửi. Một khi tổng các khoản thiệt hại của các ngân hàng càng lớn, số vốn phải huy động thêm càng lớn theo, cầu tăng, việc lãi suất tiền gửi tăng là chuyện phải đến, như nó đang diễn ra trên thị trường hiện nay.

Tiền đang chảy đi đâu? Rõ ràng, tiền đang ở ngân hàng và đang tiếp tục chảy về ngân hàng trong trường hợp lãi suất huy động chưa dừng lại. Nếu tiền ấy qua ngân hàng như một định chế trung gian, đến với doanh nghiệp, người làm ăn, tạo nên tăng trưởng kinh tế, thì quả lý tưởng cho đất nước. Còn một khi tiền vào ngân hàng để nằm bất động ở đấy như tiền “chết” nhằm kéo dài sự sống cho những khoản vay đã xấu đến mức có khả năng mất vốn (nhóm 5), thì thiệt hại này cả quốc gia gánh chịu. Như vậy liệu có công bằng cho người gửi tiền và cho nền kinh tế?

(theo thesaigontimes)

Share this post