Kinh tế Vốn vay Quỹ tín dụng nhân dân: “Trợ lực” cho phát triển sản xuất, kinh doanh

Kinh tế Vốn vay Quỹ tín dụng nhân dân: “Trợ lực” cho phát triển sản xuất, kinh doanh

Vốn vay Quỹ tín dụng nhân dân: “Trợ lực” cho phát triển sản xuất, kinh doanh

Thời gian qua, cùng với các nguồn tín dụng ngân hàng, hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò đắc lực trong việc hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, kinh doanh cho các thành viên, nhất là ở địa bàn nông thôn.

Chị Nguyễn Thị Vĩ sử dụng vốn vay Quỹ tín dụng nhân dân để kinh doanh máy nông cơ. Ảnh: M.Thông

             Chị Nguyễn Thị Vĩ sử dụng vốn vay Quỹ tín dụng nhân dân để kinh doanh máy nông cơ. Ảnh: M.Thông

QTDND là tổ chức tín dụng do các pháp nhân, cá nhân, hộ gia đình tự nguyện thành lập dưới hình thức hợp tác xã để thực hiện một số hoạt động ngân hàng nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ giữa các thành viên. Toàn tỉnh hiện có 12 QTDND hoạt động trên địa bàn 47 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị xã, thành phố. Hệ thống QTDND ngày càng được củng cố, phát triển, với tổng số vốn 1.767 tỷ đồng, thu hút 25.882 thành viên, tổng dư nợ cho vay 1.587 tỷ đồng.
Để người dân sử dụng đồng vốn hiệu quả, các quỹ đã tạo điều kiện cho khách hàng về thời gian trả lãi linh hoạt, đơn giản hóa thủ tục vay. Bên cạnh đó, hầu hết QTDND gắn bó với địa bàn nhiều năm, nên thuận lợi trong việc nắm bắt tình hình, giám sát quá trình điều chuyển vốn để tư vấn kịp thời cho khách hàng sử dụng đồng vốn đúng mục đích, hiệu quả.
QTDND Huy Hoàng hoạt động trên địa bàn huyện Ea Kar hơn 20 năm nay, hiện thu hút 2.793 thành viên tại thị trấn Ea Kar, các xã Cư Huê, Cư Ni, Ea Kmut, Ea Đar và Xuân Phú. Đa số người dân sử dụng vốn vay vào việc chăm sóc cà phê, tiêu, trồng lúa, chăn nuôi và kinh doanh, dịch vụ. Đơn vị thường xuyên quan tâm tư vấn, hỗ trợ khách hàng, nên vốn tín dụng được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, qua đó giúp các thành viên phát triển kinh tế.
Đơn cử như chị Nguyễn Thị Vĩ (thôn An Cư, xã Cư Huê) là thành viên của Quỹ từ ngày đầu thành lập và đã rất nhiều lần vay vốn từ quỹ này để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Chị Vĩ chia sẻ, gia đình chị chuyên mua bán các loại máy nông nghiệp, đòi hỏi vốn lớn nên thường tìm đến quỹ tín dụng để vay tiền. Gia đình hiện đang vay 900 triệu đồng từ Quỹ để đầu tư vào việc kinh doanh, thời hạn 1 năm, lãi suất 0,9% tháng. Nguồn vốn này đã phần nào giúp gia đình chị mở rộng quy mô kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm và quay vòng vốn làm ăn.
Tại huyện Krông Pắc, QTDND Phước An được đánh giá là đơn vị hoạt động hiệu quả trong hỗ trợ thành viên vay vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp. Quỹ này hiện thu hút 1.789 thành viên, dư nợ cho vay đạt 145 tỷ đồng. Một trong những thành viên thường xuyên vay vốn của Quỹ là ông Nguyễn Văn Hậu (tổ dân phố 3, thị trấn Phước An), với dư nợ hiện tại 200 triệu đồng. Theo ông Hậu, so với các ngân hàng thương mại, vay vốn từ QTDND tuy không lợi hơn về lãi suất, nhưng thủ tục đơn giản, nhanh gọn, thời gian trả nợ linh hoạt và được cán bộ tín dụng tư vấn, hướng dẫn sử dụng vốn hợp lý, hạn chế rủi ro.

Có thể thấy, hệ thống QTDND đã phát huy vai trò “trợ lực” cho thành viên, khách hàng phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là ở địa bàn nông thôn, đóng góp không nhỏ vào công tác giảm nghèo và phát triển kinh tế địa phương, đẩy lùi “tín dụng đen”. Đặc biệt, đây là địa chỉ cung cấp vốn và dịch vụ ngân hàng cho các đối tượng có năng lực tài chính yếu như người thu nhập thấp, hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ… khó tiếp cận được nguồn vốn của các ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, hoạt động của các QTDND còn gặp nhiều khó khăn, do phần lớn có quy mô nhỏ, khó thu hút thành viên mới và tăng vốn góp, cho vay chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp nên dễ bị tác động bởi các yếu tố bất lợi như mất giá, mất mùa, dịch bệnh. Ngoài ra, áp lực cạnh tranh từ các ngân hàng thương mại ngày càng tăng với việc mở rộng mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch và áp dụng công nghệ mới trong cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk cho biết, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã hướng dẫn các QTDND rà soát, đánh giá đúng thực trạng hoạt động để xây dựng giải pháp, phương án tái cơ cấu phù hợp, khả thi. Đồng thời, thanh tra, giám sát toàn diện để hoạt động của hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh bảo đảm chất lượng, hiệu quả và minh bạch.
(Trích báo DakLak)

Share this post