Lạm phát thấp, lãi suất vẫn cao

Lạm phát thấp, lãi suất vẫn cao

Lạm phát thấp, lãi suất vẫn cao

lam phat thap lai suat van caoMặc dù Chính phủ chỉ đạo nhất quán trong điều hành phải chủ động, linh hoạt lãi suất theo diễn biến lạm phát nhưng lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng còn cao, Uỷ ban Kinh tế nêu quan điểm khi thẩm tra báo cáo về kinh tế – xã hội của Chính phủ.

Trình bày báo cáo này tại phiên họp sáng 7/3 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu phân tích, chỉ tính năm 2015 lãi suất bình quân khoảng 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn và 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn trong khi lạm phát chỉ ở mức 0,63%.

Một số ý kiến cho rằng nợ xấu chưa được xử lý triệt để do công tác xử lý và thu hồi nợ của VAMC chưa thực sự hiệu quả, chỉ mang tính kỹ thuật hạch toán từ tổ chức tín dụng sang VAMC. Nhiều ý kiến cho rằng mặc dù nền kinh tế phục hồi, nhưng doanh nghiệp trong nước còn vô cùng khó khăn thì việc xử lý nợ xấu khó bền vững, ông Giàu cho biết.

Nhìn lại 5 năm qua, từ cơ quan thẩm tra cũng còn một số ý kiến cho rằng, kỷ luật đầu tư công vẫn là vấn đề đáng lo ngại, vẫn còn tình trạng ứng trước vốn để đầu tư, nhiều công trình đã hoàn thành nhưng sử dụng không hiệu quả.

Cơ quan thẩm tra cũng nhận xét, việc xây dựng một số trụ sở làm việc của bộ, ngành Trung ương và địa phương quy mô lớn, hiện đại chưa quá bức thiết, trong khi nhiều nhu cầu đầu tư cho thủy lợi vùng khô hạn, ngăn mặn, y tế… chưa đáp ứng.

Một số dự án đầu tư theo hình thức PPP của ngành giao thông chưa phù hợp, trạm thu phí mật độ quá dầy làm tăng chi phí đi lại của người dân, doanh nghiệp. Việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản còn chậm.

Hạn chế tiếp theo được nêu tại báo cáo thẩm tra là tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã có những kết quả bước đầu nhưng so với yêu cầu thì còn chậm. Một số doanh nghiệp triển khai chưa quyết liệt, có nơi trách nhiệm chưa cao, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực Nhà nước giao, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất và kinh doanh còn ít.

Một số doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng tỷ lệ cổ phần nắm giữ của Nhà nước còn lớn chưa tạo chuyển biến về chất đối với quản trị doanh nghiệp, báo cáo nêu rõ.

Nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá 13 đến nay, Uỷ ban Kinh tế cho rằng quản lý nhà nước chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, một bộ phận cán bộ, công chức hành chính chưa thực thi đầy đủ trách nhiệm, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp làm giảm hiệu lực của các chính sách đổi mới, ảnh hưởng lớn việc cải thiện môi trường kinh doanh và tác động lòng tin xã hội.

Cơ quan thẩm tra cũng nhấn mạnh, việc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm tới cần được tập trung quyết liệt, giải quyết cơ bản những bất cập trong 2 năm đầu kế hoạch tạo chuyển biến mạnh mẽ nhất là cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, tinh giảm biên chế, nợ xấu, bội chi ngân sách, chọn lựa thu hút đầu tư nước ngoài, cải thiện cán cân thương mại, khó khăn doanh nghiệp.

Đồng thời, tập trung nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, biến đổi khí hậu, xử lý ùn tắc giao thông hai thành phố lớn, có biện pháp quản lý lễ hội và phát huy truyền thống, lễ hội dân gian nhưng không quá tốn kém thời gian, tiền của người dân. Điều chỉnh hợp lý đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ mới, tăng năng suất lao động, tăng tính cạnh tranh.

Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng cần giảm bớt trạm thu phí giao thông đường bộ để giảm gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp…

(trích cafef.vn)

Share this post