Mười hai năm nhìn lại Quỹ tín dụng nhân dân Hải Dương

Mười hai năm nhìn lại Quỹ tín dụng nhân dân Hải Dương

Mười hai năm nhìn lại Quỹ tín dụng nhân dân Hải Dương

Hiện nay hệ thống Qũy tín dụng nhân dân(QTDND) Hải Dương đã phát triển vượt bậc, trở thành một tổ chức kinh tế thu hút vốn nhàn rỗi trong dân, cung ứng vốn cho các thành viên có vốn sản xuất kinh doanh, hạn chế cho vay nặng lãi khu vực nông thôn. Tuy nhiên, sau 12 năm nhìn lại hoạt động vẫn bộc lộ một số hạn chế.

Là một trong những tỉnh đầu tiên đi vào thực hiện thí điểm thành lập Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) từ năm 1993 đến năm 2000 (giai đoạn thí điểm và mở rộng thí điểm) tỉnh Hải Dương đã thành lập được 74 QTDND cơ sở và 01 Quỹ tín dụng khu vực. Thời điểm này, do phát triển nóng và nhiều nguyên nhân khác, hoạt động của các QTDCS bộc lộ nhiều yếu kém và sai phạm, một số Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở lâm vào khó khăn và mất khả năng thanh toán, có nguy cơ làm đổ vỡ dây chuyền sang các QTDND cơ sở khác.

Quỹ tín dụng khu vực tỉnh Hải Dương, với sự nỗ lực và hỗ trợ của các QTDND cơ sở đã vượt khó, tiếp tục duy trì hoạt động. Song Qũy tín dụng khu vực do quy mô hoạt động nhỏ, khả năng vốn hạn chế và là pháp nhân độc lập nên khả năng chịu đựng rủi ro thấp. Mặt khác Qũy tín dụng khu vực là cấp trung gian, vốn từ Qũy tín dụng Trung ương (QTDTW) đưa xuống Qũy tín dụng nhân dân cơ sở qua Qũy tín dụng khu vực khiến lãi suất bị đẩy lên cao nên hạn chế khả năng tiếp cận của QTDCS. Hơn nữa, việc điều hòa vốn từ nơi thừa sang nơi thiếu trong phạm vi toàn hệ thống chưa thực sự thông thoáng và bị chia cắt theo vùng.

Quỹ tín dụng nhân dân

Tính đến ngày 31/12/2000, Qũy tín dụng khu vực tỉnh Hải Dương có tổng nguồn vốn đạt: 27.003 triệu đồng; Trong đó, vốn tự có: 2.254 triệu đồng; Vốn huy động dân cư: 10.458 triệu đồng; Vốn điều hoà của các Qũy tín dụng nhân dân cơ sở: 5.139 triệu đồng; Vốn khác: 8.329 triệu đồng. Dư nợ cho vay: 20.677 triệu đồng (19.398 triệu đồng là dư nợ cho vay các quỹ cơ sở và 1.284 triệu đồng là dư nợ ngoài hệ thống). Với hơn 2 tỷ dư nợ nằm ở 08 QTDND cơ sở khó khăn phải tạm dừng hoạt động và đã có 887 triệu đồng trở thành nợ quá hạn. Như vậy, các Qũy tín dụng nhân dân cơ sở và cả Qũy tín dụng khu vực đều gặp rất nhiều khó khăn và đứng trước nguy cơ sống còn và khó phát triển nếu không có sự thay đổi.

Theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, từng Qũy tín dụng nhân dân cơ sở xây dựng, thực hiện phương án chấn chỉnh, củng cố hoạt động, khắc phục những tồn tại yếu kém để ổn định và phát triển. Qũy tín dụng khu vực dần được sáp nhập vào QTDTW và hoạt động theo mô hình chi nhánh của QTDTW. Tổ chức bộ máy hoạt động của đơn vị khi chuyển sang hoạt động theo mô hình chi nhánh QTDTW được thực hiện phù hợp với đơn vị kinh doanh và không ngừng hoàn thiện để đáp ứng với quy mô ngày càng mở rộng cùng với yêu cầu nhiệmvụ ngày càng cao trong quá trình phát triển.

Buổi đầu chỉ có 09 cán bộ, nhân viên, đến nay chi nhánh đã có 52 cán bộ, nhân viên với 85% lao động có trình độ đại học và trên đại học. Đội ngũ lãnh đạo từ cấp phòng trở lên được chuẩn hóa theo từng chức danh, cơ bản đáp ứng được yêu cầu công việc và nhiệm vụ được giao.

Từ chỗ chỉ có một điểm giao dịch duy nhất, nay chi nhánh đã mở thêm bốn phòng giao dịch và đang tiếp tục từng bước mở rộng. Trụ sở “ngày ấy” phải đi nhờ Ngân hàng Nhà nước thì nay chi nhánh đã có trụ sở riêng, khang trang, rộng rãi, các điểm đặt phòng giao dịch cũng ở những nơi thuận lợi. Hệ thống tin học, thiết bị phương tiện chuyên dùng được QTDTW trang bị đồng bộ, đáp ứng yêu cầu công việc. Tổng giá trị tài sản cố định và phương tiện làm việc hiện gần 10 tỷ đồng, lớn hơn nhiều lần vốn điều lệ Qũy tín dụng khu vực trước đây.

Hoạt động kinh doanh cũng có nhiều thay đổi so với trước. Nếu như vào tháng 6/2001 chỉ có 21 Qũy tín dụng nhân dân cơ sở gửi điều hòa với số dư là 5.139 triệu đồng và 55 QTDND cơ sở vay vốn với dư nợ 19.398 triệu đồng thì tới 31/5/2013 đã có 71 đơn vị gửi vốn có kỳ hạn với số dư là 462.200 triệu đồng và 65 Qũy tín dụng nhân dân cơ sở vay vốn với số dư là 175. 500 triệu đồng, trong đó, trên 50% số dư nợ là vốn dự án có nhiều ưu đãi.

Chi nhánh đã thực hiện nhiều chính sách ưu tiên về cơ chế khi Qũy tín dụng nhân dân cơ sở gửi hoặc rút vốn, về mức lãi suất tiền gửi, tiền vay đảm bảo ưu đãi hơn nhiều so với khách hàng ngoài hệ thống; Thực hiện linh hoạt các sản phẩm huy động và cho vay thông thoáng đối với các QTDND cơ sở; Nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ cơ sở tạo sự tin tưởng với các đơn vị. Từ đó, nhiệm vụ điều hòa vốn đã được thực hiện tốt trên cả 2 mặt nhận gửi và cho vay thể hiện: đã tập trung tối đa nguồn vốn tạm thời thừa của các Qũy tín dụng nhân dân cơ sở để cho vay các quỹ thiếu hoặc điều chuyển về Hội sở; Ưu tiên nguồn vốn cho vay trong hệ thống, tích cực triển khai các chương trình dự án để đưa được nhiều nguồn vốn có ưu đãi cho các QTDND cơ sở. Tỷ trọng vốn đầu tư cho vay QTDND cơ sở của chi nhánh luôn chiếm phần lớn trong tổng dư nợ cho vay, thường xuyên chiếm 60% – 65% tổng dư nợ.

Các chương trình, dự án do Hội sở triển khai đều được Chi nhánh tích cực phổ biến, hướng dẫn cho các Qũy tín dụng nhân dân cơ sở. Đến nay, đại đa số các QTDND cơ sở đã tiếp nhận được vốn các dự án, từ đó, có điều kiện thuận lợi hơn trong hoạt động và các thành viên của QTDND cơ sở là người hưởng lợi. Trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, dự án của Hội sở, các Qũy tín dụng nhân dân cơ sở đã thực hiện tốt yêu cầu, mục tiêu của từng dự án cụ thể. Chi nhánh cho vay hỗ trợ chi trả, thanh toán đối với QTDCS hợp lý, đầy đủ, kịp thời (mức độ đạt 99% nhu cầu) tạo thuận lợi cho cơ sở hoạt động an toàn hơn.

Các hoạt động hỗ trợ và phối hợp khác đối với Qũy tín dụng nhân dân cơ sở, chi nhánh thường xuyên quan tâm vấn đề tư vấn chính sách, thông tin trao đổi các biện pháp, cách làm để đạt được sự phối hợp chung mang lại kết quả cao trong hoạt động. Hằng năm, chi nhánh tổ chức các buổi hội nghị, giao lưu trao đổi kinh nghiệm hoạt động với các QTDND cơ sở trên địa bàn phụ trách nhăm tăng thêm sự hiểu biết, tin tưởng lẫn nhau và chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động để cùng nhau giải quyết, tháo gỡ. Đồng thời, phối hợp triển khai các sản phẩm liên kết như đồng tài trợ, sản phẩm chuyển tiền. Tuy nhiên, do các sản phẩm mới, triển khai bước đầu trong phạm vi hẹp nên kết quả còn khiêm tốn so với tiềm năng của hệ thống Qũy tín dụng nhân dân cơ sở.

Đối với các hoạt động kinh doanh ngoài hệ thống: lúc đầu hoạt động huy động và cho vay ngoài hệ thống rất nhỏ. Số dư huy động vốn dân cư là 11.297 triệu đồng; Dư nợ cho vay 1.284 triệu đồng, chủ yếu là cho vay cầm cố sổ tiền gửi, không có các hoạt động thanh toán và dịch vụ ngân hàng.

Qua nhiều năm hoạt động theo mô hình chi nhánh QTDTW, kinh doanh ngoài hệ thống được phát triển, từng bước vững chắc trong khuôn khổ được phép và có tác dụng bổ trợ lại phục vụ tốt hơn hoạt động điều hòa vốn.

Với phương châm “phát triển từng bước vững chắc, an toàn và hiệu quả”, chi nhánh tập trung hướng đến nhóm khách hàng là dân cư, khối cán bộ công chức, viên chức, các hộ sản xuất kinh doanh và một số doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hoạt động kinh doanh ngoài hệ thống đã góp phần tích cực vào sự tăng trưởng về quy mô cũng như hiệu quả kinh doanh trong quá trình phát triển. Đến nay, huy động vốn dân cư đạt 157.900 triệu đồng, cho vay đạt 189.300 triệu đồng, chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt; Dịch vụ thanh toán, thẻ ATM đang được tích cực triển khai thực hiện.

Quỹ tín dụng nhân dân

 

Được sự quan tâm cũng như sự chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Ban lãnh đạo QTDTW và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hải Dương qua chặng đường sau 12 năm hoạt động với việc thay đổi mô hình hoạt động từ Qũy tín dung khu vực sang mô hình chi nhánh QTDTW, chi nhánh đã có sự phát triển vượt bậc trên tất cả các mặt hoạt động. Qua đó, đã tạo ra cơ chế thuận lợi cho chi nhánh phát triển, mở ra khả năng thực hiện điều hòa vốn một cách tốt hơn cho hệ thống QTDCS. Việc chấn chỉnh, củng cố trong hoạt động tại các QTDCS tạo ra sự thay đổi về chất trong hoạt động của mỗi đơn vị, giảm thiểu được các rủi ro trong hoạt động chung của hệ thống, đưa đồng vốn đến các thành viên để sản xuất kinh doanh, hạn chế cho vay nặng lãi khu vực nông thôn..Hiện nay, quy mô hoạt động của các Qũy tín dụng nhân dân cơ sở phát triển không ngừng, đến cuối tháng 4/2013, hệ thống QTDND cơ sở trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 71 đơn vị, có 40 quỹ mở rộng địa bàn sang 51 xã liền kề. Tổng nguồn vốn đạt 3.150 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 2.706 tỷ đồng, nợ xấu chiếm tỷ lệ 0,3% tổng dư nợ. Nhiều Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở đã hực hiện làm đại lý chi trả ngoại tệ (43 quỹ) và chuyển tiền trong nước (29 quỹ) cho các Ngân hàng thương mại. Nhìn chung, hệ thống QTDND cơ sở trên địa bàn hoạt động ổn định, hiệu quả và phát huy tác dụng tích cực trong việc huy động vốn và cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Việc chuyển đổi mô hình hoạt động từ QTDTW sang hoạt động theo mô hình Ngân hàng Hợp tác xã là một bước hoàn thiện và phát triển của QTDTW. Để thực hiện nhiệm vụ ở tầm cao mới, Ngân hàng Hợp tác xã sẽ có sự thay đổi về cơ cấu tổ chức bộ máy, cơ chế quản trị điều hành, nội dung hoạt động, mạng lưới, sản phẩm dịch vụ… cho phù hợp.

Các chi nhánh – nơi trực tiếp thực hiện điều hòa vốn, thực hiện các mặt liên kết với các Qũy tín dụng nhân dân cơ sở trên địa bàn và tổ chức các hoạt động kinh doanh theo cơ chế chính sách của Nhà nước và sự chỉ đạo của Hội sở, tất cả cán bộ, nhân viên Chi nhánh cần nhận thức rõ cơ hội và thách thức. Từ sân chơi nhỏ, hoạt động trong phạm vi hẹp, ra sân chơi lớn hơn với phạm vi hoạt động rộng hơn, phức tạp hơn, nhiệm vụ, trách nhiệm đối với hệ thống Qũy tín dụng nhân dân cơ sở của Chi nhánh sẽ lớn hơn, nặng nề hơn với nhiều công việc mới phải làm.

( trích co-opbanking)

Share this post