Ngân hàng – Giảm lãi suất cho vay: Hò voi bắn súng nứa?

Ngân hàng – Giảm lãi suất cho vay: Hò voi bắn súng nứa?

Giảm lãi suất cho vay: Hò voi bắn súng nứa?                                                                Ngân hàng

Tăng trưởng tín dụng sẽ đạt trên 18%, lợi nhuận của ngân hàng thương mại được cải thiện, tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu… Những chỉ dấu ấy đã đủ để thực sự yên tâm?

Câu trả lời của các chuyên gia lại là chưa đủ. Vì tín dụng tăng nhiều, có nghĩa vốn ngân hàng tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Với một nền kinh tế mở, hội nhập, đây là điều “bất thường”. Cần phải phát triển thị trường vốn. Vấn đề là ai sẽ tiên phong hy sinh lợi ích vì mục tiêu chung là tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trong môi trường hội nhập

Từ bài toán lãi suất…

Đang được vay vốn với lãi suất ưu đãi 7%/năm theo Nghị định 55 của Chính phủ, nhưng ông Phạm Hoàng Long, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Phân bón Tiên Phong (Bến Tre) vẫn cho rằng, lãi suất cho vay có thể thấp hơn nữa. “Vậy ông có biết lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng cao nhất hiện đã ở mức 7,3%/năm không”? “Không. Theo tính toán của tôi, lãi suất cho vay chỉ nên ở mức 6%/năm…”.

Có lẽ không chỉ ông chủ doanh nghiệp này mà tất cả những người đi vay vốn ngân hàng chỉ mong muốn lãi suất cho vay giảm thêm. Và họ tính toán dựa trên khả năng sinh lời trong sản xuất, kinh doanh của mình chứ không bận tâm lãi suất huy động vốn hay chi phí đầu vào của ngân hàng là bao nhiêu. Ngân hàng cũng vậy, họ quyết định lãi suất cho vay dựa trên lãi suất huy động cộng các chi phí khác (chi phí hoạt động, trích lập dự phòng rủi ro…) và độ rủi ro của khách hàng. Nhưng lãi suất tiền gửi vẫn là yếu tố cơ bản, quyết định lãi suất cho vay của ngân hàng.

Các NHTM có thể hạ lãi suất huy động để giảm tiếp lãi suất cho vay không? Đây là câu hỏi của bài toán cũ, nhưng vẫn phải nhắc lại. Năm 2011, khi lạm phát ở mức 18,58%, các NHTM đã đẩy lãi suất huy động lên mức 20%/năm và lãi suất cho vay lên 23 – 25%/năm; còn lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng có lúc lên đến 37,5%/năm. Nếu mối tương quan giữa lãi suất và lạm phát là “nước lên, thuyền lên” thì giờ đây, với chỉ số giá tiêu dùng CPI liên tục thấp, tại sao lãi suất chưa giảm sâu? Theo lý giải của Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, lạm phát thấp chủ yếu do tác động của giá dầu thế giới thấp. Và trong điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ nói chung và điều hành chính sách tiền tệ của NHNN nói riêng thì không thể chủ quan với lạm phát…

Tuy nhiên, cũng có nhà phân tích nêu vấn đề: giá dầu thế giới là yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, nhưng lãi suất tiết kiệm thì NHNN có thể kiểm soát được không? Trong quá khứ, NHNN từng nhiều lần triệu tập các NHTM, thành viên của Hiệp hội Ngân hàng để đồng thuận đưa ra trần lãi suất huy động nhằm ngăn chặn những cuộc đua lãi suất. Nhưng thực tế là các mức trần 10,4% của năm 2009 hay 14% của 2010 đều nhanh chóng bị các NHTM… bỏ qua. Mạnh ai nấy làm là những gì đã diễn ra trên thị trường thời kỳ đó.

Nay, kỷ cương thị trường đã được thiết lập, NHNN đang áp dụng mức trần lãi suất huy động tiền đồng đối với kỳ hạn dưới 6 tháng (6%/năm); trần lãi suất ngoại tệ 0% và trần lãi suất cho vay tiền đồng đối với những lĩnh vực ưu tiên là 7%/năm. Liệu có nên áp luôn trần lãi suất huy động vốn trung và dài hạn để giảm lãi suất cho vay? Điều này là không thể. Vì chưa nói đến việc các mệnh lệnh hành chính của cơ quan quản lý sẽ làm méo mó thị trường, mà lãi suất thấp đến một mức nào đó thì ngân hàng cũng không thể huy động được vốn. Thực tế là việc lãi suất liên tục giảm đã khiến tốc độ tăng trưởng huy động vốn của các ngân hàng giảm theo. Vì thế gần đây, các NHTM liên tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo thanh khoản cuối năm… Lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay sao có thể giảm ?!

Doanh nghiệp muốn lãi suất cho vay giảm thêm dựa trên khả năng sinh lời của mình, còn ngân hàng quyết định lãi suất cho vay chủ yếu dựa trên lãi suất huy động

… Đến sự mất cân đối của thị trường

Trở lại câu chuyện của doanh nghiệp ở Bến Tre. Dù không bằng lòng với mức lãi suất 7%/năm, nhưng doanh nghiệp này hiện vẫn có dư nợ lên đến hơn 9 tỷ đồng. Ông Long cho biết, cũng có ngân hàng chào mức lãi suất 6%, nhưng “kinh doanh cũng có lúc này, lúc khác” nên ông vẫn giữ quan hệ tín dụng với Agribank.

“Lúc này, lúc khác” mà ông Long nói chính là việc xây dựng mối quan hệ thân thiết với ngân hàng để đôi bên cùng có lợi. Doanh nghiệp có thể sẽ tìm đến nơi cho vay thấp hơn, nhưng nếu thế họ sẽ phải chấp nhận một cuộc chơi “sòng phẳng”: công khai, minh bạch; được xếp ở hạng tín nhiệm nào, vay vốn ở mức lãi suất đó… Liệu một doanh nghiệp rất nhỏ có sức để “chơi” như vậy không? Đây chính là một trong những lý do khiến nhiều doanh nghiệp chấp nhận tiếp tục vay vốn ngân hàng. Nếu vẫn có khách hàng thì ngân hàng có cần hạ lãi suất cho vay không?

Tất nhiên đã và đang có sự cạnh tranh, nhưng là cạnh tranh giữa các ngân hàng. Đa số doanh nghiệp vẫn là nhỏ, rất nhỏ; thương hiệu, uy tín chưa cao nên việc phát hành trái phiếu để huy động vốn hay huy động vốn trên sàn chứng khoán rất khó khăn. Do đó, tín dụng ngân hàng vẫn là nguồn vốn chủ đạo trên thị trường vốn. Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế hiện đã bằng 103% GDP, trong khi các thành phần khác của thị trường như thị trường chứng khoán tăng trưởng âm; thị trường trái phiếu phụ thuộc quá nhiều vào ngân hàng; thị trường bảo hiểm vẫn ở mức sơ khai…

Sự mất cân đối của thị trường vốn khiến đầu tư của nền kinh tế quá phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng là vấn đề tồn tại đã lâu. Bản thân ngành ngân hàng cũng không ít lần phàn nàn về việc phải gánh trọng trách quá lớn trong việc đảm bảo cung ứng vốn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nhưng họ đã làm gì để san bớt gánh nặng này?

Về lý thuyết, thị trường trái phiếu – cụ thể là lãi suất trái phiếu chính phủ – là lãi suất tham chiếu cho toàn thị trường vốn. Nhưng ở Việt Nam, người mua trái phiếu chính phủ nhiều nhất lại chính là các ngân hàng! Một bằng chứng rất cụ thể là khi các ngân hàng giảm mua trái phiếu chính phủ, lập tức tỷ lệ thành công của các phiên đấu thầu trái phiếu trở nên rất thấp. Trong khi đó, lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 3 năm hiện đã ở mức 5,87%/năm.

Với tình hình ngân sách căng thẳng, xu hướng lãi suất trái phiếu tăng rất dễ xảy ra. Lãi suất trái phiếu tăng thì tất yếu ngân hàng không giảm lãi suất. Lãi suất huy động cao, người dân sẽ tiếp tục gửi tiền ngân hàng chứ không đầu tư vào chứng khoán. Như vậy cơ hội để phát triển thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán càng thấp. Ngân hàng vẫn sẽ nắm vai trò chủ đạo trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức được thành lập vào 31/12, trong đó các thành viên cam kết thực hiện tự do hóa tài khoản vốn và tự do hóa dịch vụ tài chính. Và như thế, việc thực hiện AEC, sắp tới sẽ là TPP sẽ đặt các doanh nghiệp, trong đó có cả các ngân hàng Việt Nam trước sức ép cạnh tranh lớn. Ai cũng biết lãi suất ngân hàng được quyết định bởi việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN; lãi suất trái phiếu chịu tác động bởi chính sách tài khóa. Những năm gần đây chính sách tài khóa và tiền tệ không còn “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, nhưng vẫn thiếu đồng bộ. Nếu NHNN và Bộ Tài chính có sự phối hợp trong việc xác định mục tiêu vĩ mô ưu tiên trong từng thời kỳ và tuân thủ sự điều phối chung cho mục tiêu đó thì việc phát triển thị trường vốn không khó.

Nhưng trước hết ngân hàng phải chấp nhận giảm lợi ích để hỗ trợ phát triển thị trường vốn, nếu không thì khẩu hiệu “phát triển thị trường vốn, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trong môi trường hội nhập” chỉ là “hò voi bắn súng nứa” – ồn ào, rầm rộ nhưng không có hiệu quả thực chất.

( trích cafef)

Share this post