Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% năm 2019

Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% năm 2019

Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% năm 2019

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa ra Chỉ thị 01 nêu rõ đường lối phát triển chung cho toàn ngành ngân hàng năm 2019.

tong_ket_nganh_ngan_hang11_vkdi

Theo đó, mục tiêu tổng quát của ngành ngân hàng năm 2019 là điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiềm chế lạm phát theo mục tiêu năm 2019 bình quân dưới 4%; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Năm 2019 định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%, tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Đẩy mạnh triển khai Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020. Ngành ngân hàng phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%; tỷ lệ nợ xấu và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý, nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu khác) dưới 5%. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ công tác cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.

Chỉ thị 01 cũng yêu cầu tập trung xử lý phương án cơ cấu lại 3 ngân hàng mua bắt buộc và ngân hàng TMCP Đông Á, bảo đảm tuân thủ đúng Luật các Tổ chức tín dụng, chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền và Chính phủ.

Tiếp tục xử lý các tổ chức tín dụng phi ngân hàng yếu kém, phối hợp chặt chẽ với các Bộ chủ quản trong việc xử lý các tổ chức tín dụng phi ngân hàng yếu kém có chủ sở hữu, cổ đông lớn là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Xử lý, rà soát các vi phạm về sở hữu chéo, triển khai giải pháp xử lý, tích cực đẩy mạnh thoái vốn của các tổ chức tín dụng tại các doanh nghiệp và thoái vốn của các doanh nghiệp Nhà nước khỏi các tổ chức tín dụng.

Yêu cầu các tổ chức tín dụng tích cực rà soát, phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định, có giải pháp ngăn chặn nợ xấu phát sinh, tăng cường, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 nhằm đưa tỷ lệ nợ xấu về mức an toàn theo mục tiêu đề ra.

Nhanh chóng chuẩn bị triển khai chuẩn mực an toàn theo thông lệ Quốc tế (Basel II). Khuyến khích các ngân hàng đủ điều kiện áp dụng quỵ định tỷ lệ an toàn vốn mới đối với ngân hàng trước thời hạn.

Với các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), Ngân hàng Nhà nước yêu cầu nâng cao giám sát để phát hiện xử lý kịp thời các sai phạm. Tập trung xử lý các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém, không có khả năng phục hồi theo Luật các TCTD. Hoàn thiện cơ chế xử lý các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém, có cơ chế hỗ trợ các ngân hàng thương mại khi tự nguyện tham gia xử lý các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém. Nghiên cứu, huy động thêm các nguồn lực khác ngoài phương án huy động nguồn lực từ Ngân hàng Hợp tác xã và ngân hàng thương mại.

Nghiên cứu, ban hành các chế tài đủ mạnh, có tính răn đe để các cán bộ lãnh đạo, nhân viên các quỹ tín dụng nhân dân tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật.

Đồng thời, tăng cường quản lý giám sát hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô, bảo đảm hoạt động đúng theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, NHNN cũng yêu cầu đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, giảm dần thanh toán bằng tiền mặt trong nền kinh tế; Xây dựng, hoàn thiện và nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia, tạo điều kiện để triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới. Giám sát các hệ thống thanh toán đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, tăng cường công tác an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; áp dụng các tiêu chuẩn an toàn bảo mật thanh toán theo chuẩn quốc tế.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng nhằm cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các giao dịch hành chính với NHNN và giao dịch với tổ chức tín dụng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy doanh nghiệp nói chung và tổ chức tín dụng nói riêng phát triển bền vững. Phấn đấu năm 2019 cải thiện chỉ số Tiếp cận tín dụng tăng ít nhất 1 bậc trên bảng xếp hạng.

(Trích baomoi)

Share this post