Ngành Ngân hàng Vĩnh Phúc: Kết nối dòng tiền phát triển kinh tế

Ngành Ngân hàng Vĩnh Phúc: Kết nối dòng tiền phát triển kinh tế

Ngành Ngân hàng Vĩnh Phúc: Kết nối dòng tiền phát triển kinh tế

Năm 2015, với sự bận rộn của Ngân hàng  Nhà nước Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc trong việc triển khai hàng loạt chính sách tiền tệ trên địa bàn, hoạt động ngân hàng và tình hình kinh tế của tỉnh diễn biến tích cực, đạt được những kết quả khả quan.

Bằng nhiều giải pháp huy động vốn, đẩy mạnh tín dụng ưu đãi vào các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế, đi kèm là những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, hộ sản xuất kinh doanh… hoạt động tín dụng trên địa bàn đã có nhiều khởi sắc.

Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng tỉnh Vĩnh Phúc năm 2016

        Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng tỉnh Vĩnh Phúc năm 2016

 “Giữ nhịp” cho kinh tế

Gói tín dụng 12.000 tỷ đồng cho vay hộ sản xuất kinh doanh Tết Bính Thân được BIDV triển khai từ đầu tháng 11/2015, đến nay ghi nhận nhiều sự quan tâm của các cá nhân, hộ kinh doanh.

Cùng thời điểm này, BIDV Vĩnh Phúc cũng triển khai các chương trình tín dụng khác như: tín dụng ưu đãi 5.000 tỷ đồng dành cho các DNNVV; gói An gia lập nghiệp cho vay mua nhà ở đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình với quy mô 7.000 tỷ đồng; gói cho vay mua ô tô 3.500 tỷ đồng… Theo đại diện của ngân hàng này cho biết, chỉ trong các tháng 11 và 12/2015, dư nợ cho vay tại ngân hàng tăng từ 20-30% so những tháng trước…

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Văn Tâm cho biết, hoạt động tín dụng trên địa bàn tỉnh hai năm liên tiếp vừa qua được nâng lên mức khá cao và dự báo năm 2016 sẽ tiếp tục tăng cao. Tình hình kinh tế khởi sắc, tiêu dùng và đầu tư… cải thiện là điều kiện thuận lợi cho dòng tín dụng chảy mạnh hơn trên địa bàn Vĩnh Phúc. Nhưng trong dòng chảy đó, ngành Ngân hàng tại địa phương cũng có vai trò xúc tác nhất định, khi triển khai nhiều biện pháp đồng bộ và hiệu quả…

Cùng vào cuộc với các TCTD, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền. Nhiều bài viết về hoạt động của Ngành được đăng tải thường xuyên trên các phương tiện thông tin của tỉnh, truyền tải thông điệp về chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, quan điểm giữ vững giá trị đồng tiền của Ngân hàng Nhà nước…

Qua đó, ngành Ngân hàng trên địa bàn đã góp phần định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của dư luận đối với hoạt động của ngành Ngân hàng và những đóng góp của Ngành trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Lòng tin của người dân được củng cố, nên hoạt động ngân hàng cũng gặp nhiều thuận lợi. Năm 2015, mặt bằng lãi suất cơ bản ổn định. Lãi suất huy động VND ở mức thấp. Đường cong lãi suất đã được hình thành rõ nét.

Đáng chú ý là, mặc dù lãi suất huy động thấp nhưng lòng tin vào đồng Việt Nam tiếp tục được củng cố, nguồn tiền huy động tăng cao hơn kế hoạch đề ra. Cụ thể, năm qua tốc độ tăng trưởng huy động vốn trên địa bàn đạt 27,4% (kế hoạch là 15-17%), trong đó tiền gửi tiết kiệm tăng 24,7%.

Cơ cấu nguồn vốn huy động tiếp tục có xu hướng dịch chuyển dần sang các kỳ hạn trên 6 tháng trở lên. Riêng đối với các khoản tiền gửi có kỳ hạn trên 1 năm trong năm 2015 tăng đến gần 41,4% so với năm trước đó. Đáng chú ý là, tiền gửi tiết kiệm của dân cư tiếp tục đạt tỷ lệ tăng trưởng cao, đạt gần 24,7%, chiếm tỷ trọng 52,5% trên tổng nguồn vốn huy động. Bởi đối với người dân, đây vẫn là kênh đầu tư khá an toàn và đảm bảo có lãi.

 “Kết quả trên cho thấy thanh khoản của các TCTD ổn định, nguồn vốn có kỳ hạn dài được cải thiện. Cơ cấu nguồn vốn phát triển theo hướng bền vững, tạo điều kiện tăng nguồn vốn cho vay trung, dài hạn đáp ứng nhu cầu nền kinh tế”, ông Tâm phấn khởi cho hay.

Các TCTD trên địa bàn luôn chủ động tìm kiếm khách hàng, khơi thông nguồn vốn tín dụng

Các TCTD trên địa bàn luôn chủ động tìm kiếm khách hàng, khơi thông nguồn vốn tín dụng

Chia sẻ với doanh nghiệp

Tạo nguồn vốn rẻ cho nền kinh tế là công việc mà ngành Ngân hàng Vĩnh Phúc đặt nhiều tâm huyết nhất. Bên cạnh nguồn tiền gửi tiết kiệm, nhiều TCTD còn tận dụng huy động được nguồn tiền gửi của các tổ chức kinh tế với lãi suất thấp để tăng nguồn vốn kinh doanh, phục vụ tốt hơn các chính sách cho vay với lãi suất ưu đãi, chủ động nguồn vốn đầu tư cho nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh…

Từ cơ sở nguồn vốn thuận lợi, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Vĩnh phúc đã đôn đốc, hướng dẫn các TCTD thực hiện có hiệu quả Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, chương trình Bình ổn thị trường theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tháo gỡ khó khăn về vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN; triển khai thực hiện Nghị định 55 của Chính phủ, Thông tư số 10 của NHNN Việt Nam về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo triển khai thực hiện một số chính sách tín dụng khác như: Chương trình thí điểm chuỗi liên kết (bao gồm cánh đồng mẫu lớn, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và chuỗi liên kết sản xuất – chế biến – xuất khẩu), chương trình cho vay hỗ trợ chăn nuôi theo Nghị quyết số 88 của HĐND tỉnh, chương trình chính sách tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội…

Về phần mình, các TCTD trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã bám sát vào định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và chỉ đạo điều hành của NHNN; triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng như, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, tiếp tục xem xét giảm lãi suất cho vay hỗ trợ DN nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng.

Bên cạnh đó, các TCTD luôn chủ động tìm kiếm khách hàng, khơi thông nguồn vốn tín dụng.

Kết quả là năm 2015, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn đạt 19,73%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra là tăng từ 13-15%. “Khác với những năm trước đây, năm 2015 tín dụng tăng ngay từ quý I và tăng đều qua các tháng, phản ánh dấu hiệu nền kinh tế đã hồi phục, nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng tăng…”, ông Tâm cho biết.

Đánh giá về công tác cho vay, NHNN tỉnh Vĩnh Phúc nhìn nhận, cơ cấu tín dụng đã hợp lý hơn, tập trung chủ yếu vào các hoạt động sản xuất kinh doanh (chiếm gần 90% tổng dư nợ); tỷ trọng cho vay ngoại tệ giảm dần phù hợp chủ trương chống đô la hóa; các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù, các ngành, lĩnh vực, người nghèo và các đối tượng chính sách khác được đẩy mạnh triển khai, mang lại hiệu quả tích cực cho tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

Nhưng quan trọng hơn, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm từ 0,2-0,5% so với năm 2014. “Việc ổn định lãi suất ở mức hợp lý đã tác động tích cực đến nền kinh tế, tiếp tục chia sẻ và góp phần tháo gỡ khó khăn cho các DN, hộ sản xuất kinh doanh”, ông Tâm chia sẻ thêm.

Và cũng để hỗ trợ người vay, trong năm vừa qua việc miễn giảm lãi, cơ cấu lại thời gian trả nợ, ưu tiên lãi suất tiếp tục được triển khai mạnh mẽ. Cụ thể, các ngân hàng đã tiến hành miễn, giảm lãi tiền vay cho 281 khách hàng với số tiền là 25,9 tỷ đồng; cơ cấu lại thời gian trả nợ cho 891 khách hàng, số tiền 899 tỷ đồng; cho vay ưu đãi lãi suất cho 10.825 khách hàng, số tiền 8.280 tỷ đồng…

Nhiều khách hàng vay sau khi được TCTD cơ cấu lại nợ cũ, cho vay ưu đãi… đã phục hồi được sản xuất kinh doanh, trả được nợ. Tính đến cuối năm 2015, tổng số nợ xấu trên địa bàn tỉnh chỉ còn chiếm 1,24% tổng dư nợ.

“Với những kết quả đạt được trong năm qua và trên cơ sở các chỉ đạo, điều hành của NHNN Việt Nam, ngành Ngân hàng Vĩnh Phúc phấn đấu trong năm 2016 sẽ tiếp tục giữ ổn định thị trường tiền tệ, ngân hàng, ngoại hối trên địa bàn; huy động vốn tăng 18-20%; tăng trưởng tín dụng đạt từ 17-18% so với năm 2015; tỷ lệ nợ xấu dưới 2% tổng dư nợ”, ông Tâm cho biết.

( trích thoibaonganhang)

 

Share this post