Nợ xấu đang được kiểm soát tốt

Nợ xấu đang được kiểm soát tốt

Nợ xấu đang được kiểm soát tốt

no xau dang duoc kiem soat tot6 tháng đầu năm, mặc dù nợ xấu toàn ngành vẫn được kiểm soát dưới mức 3%, song nợ xấu ở một vài ngân hàng có dấu hiệu tăng.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) – Chi nhánh TP. HCM cho biết, tính đến cuối tháng 6/2016, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn là 3,89%, giảm so với mức 4,02% thời điểm đầu năm. Nếu trừ ra 3 ngân hàng “0 đồng” (CBank, OceanBank, GPBank), thì nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn chỉ còn 2,01%. Tuy nhiên, một số ngân hàng vẫn có tỷ lệ nợ xấu tăng.

Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của Eximbank cho thấy, tỷ lệ nợ xấu thời điểm cuối quý II tăng đột biến lên 5,3%, từ mức 1,86% cuối năm 2015. Trong 3 nhóm nợ xấu thì nợ dưới chuẩn của Eximbank là 2.415 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa tổng nợ xấu và tăng 13 lần so với đầu năm. Nợ nghi ngờ tăng 34,8% lên 797 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn cũng tăng tương đương, lên 1.073 tỷ đồng.

Nợ xấu tăng cao khiến Eximbank phải trích lập dự phòng ở mức cao nên lợi nhuận trước thuế quý II/2016 chỉ đạt 49 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đạt 79 tỷ đồng, giảm 88% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo một lãnh đạo cấp cao của Eximbank, trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng đang trong quá trình xử lý các tồn đọng và đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc bộ máy, cũng như hoạt động kinh doanh, nên khó tránh được nợ xấu tăng. Quan điểm của Eximbank là trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro.

Nợ xấu của BIDV cũng tăng, từ khoảng 1,6% cuối năm 2015 lên 2% vào thời điểm cuối tháng 6/2016. Thời điểm cuối tháng 6, dư nợ tín dụng của BIDV tăng 8,3%, tổng nguồn vốn huy động từ tổ chức, dân cư đạt trên 747.000 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm.

Một trong những nguyên nhân khiến nợ xấu tại một số ngân hàng tăng trong 6 tháng đầu năm là do hoạt động mua lại nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chững lại. Đến cuối tháng 6, lũy kế giá trị nợ xấu mà VAMC đã mua là 241.000 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với quy mô đã mua tính đến cuối năm 2015. Một phần, do “sức chứa” của VAMC có hạn. Mặt khác, tỷ lệ xử lý nợ xấu còn khiêm tốn, vì bí đầu ra. Cụ thể, VAMC mới xử lý được 32.400 tỷ đồng trong tổng số 241.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua (đạt 13,4%).

Tại một số ngân hàng thương mại khác, nợ xấu tính theo giá trị tuyệt đối tăng lên trong nửa đầu năm, nhưng do tín dụng tăng trưởng nên tỷ lệ nợ xấu không có nhiều thay đổi, thậm chí giảm nhẹ. Tại VPBank, tính đến cuối tháng 6/2016, nợ xấu giảm còn 2,2%. Tại Techcombank, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,87% vào ngày 30/6/2016.

Thông tin được Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đưa ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2016 cho biết, nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng tính đến tháng 5/2016 là 2,78%, tức dưới mức 3% theo mục tiêu đề ra. Theo bà Hồng, việc xử lý nợ xấu vẫn là trọng tâm trong chỉ đạo điều hành của NHNN trong năm 2016. Cụ thể, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% phải báo cáo phương án về NHNN và có phương án giải quyết. NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ việc mở rộng tín dụng đi đôi với hiệu quả, tránh nợ xấu mới phát sinh, sử dụng các biện pháp trích lập dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu thông qua VAMC…

Tuy nhiên, báo cáo tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV ngày 29/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, nợ xấu tiếp tục là vấn đề đáng lo ngại khi xử lý nợ chưa đi vào thực chất.

Trong khi đó, quá trình xử lý nợ xấu được các nhà băng cho biết, vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là khâu phát mại tài sản đảm bảo không thể đẩy nhanh. Xử lý tài sản đảm bảo không chỉ liên quan đến các quy định pháp luật về tín dụng, ngân hàng, mà còn liên quan đến luật dân sự, các quy định về thủ tục hành chính tư pháp, bán đấu giá tài sản là bất động sản… Đặc biệt, không ít dự án bất động sản nâng giá trị ảo để thế chấp ngân hàng, trong đó có những trường hợp bị khởi tố hình sự nên khâu xử lý tài sản đảm bảo gặp nhiều khó khăn.

Tổng giám đốc một ngân hàng tại TP. HCM cho hay, mặc dù đã chấp nhận mất cả lãi dự thu, thậm chí là một phần nợ gốc, nhưng không phải khoản nợ nào cũng dễ xử lý như kỳ vọng, do vướng ở khâu thủ tục phát mại tài sản.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng đánh giá, việc xử lý nợ xấu đã có những tiến bộ rõ rệt, nợ xấu có xu hướng giảm sau quá trình đẩy mạnh bán nợ cho VAMC và các ngân hàng tăng trích lập dự phòng. Mặc dù vậy, vẫn nhiều khó khăn trong bài toán xử lý nợ xấu đối với ngân hàng, một phần do thị trường bất động sản chưa thực sự hồi phục, ngân hàng khó xử lý tài sản đảm bảo.

( trích tinnhanhchungkhoan)

Share this post