Quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức Tài chính vi mô

Quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức Tài chính vi mô

Quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức TCVM                                                                        tài chính vi mô

Thống đốc NHNN Việt Nam vừa ban hành Thông tư số 33/2015/TT-NHNN quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính vi mô (TCVM), thay thế Thông tư số 7/2009/TT-NHNN quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ.

Thông tư gồm 4 Chương, 13 Điều, trong đó quy định cụ thể về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, vốn tự có, tài sản “Có” rủi ro, quy định nội bộ về quản lý thanh khoản, tỷ lệ khả năng chi trả của các tổ chức Tài chính vi mô cũng như việc xử lý vi phạm và trách nhiệm của các đơn vị có liên quan…

Thông tư 33 có nhiều sửa đổi bổ sung cũng như có khá nhiều nội dung mới cho phù hợp với pháp luật hiện hành và thực tế hiện nay.

Thứ nhất, mặc dù kế thừa quy định về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 10% tại Thông tư số 07/2009/TT-NHNN, nhưng Thông tư 33 có chỉnh sửa, bổ sung một số quy định cho phù hợp với đặc thù hoạt động của các tổ chức Tài chính vi mô theo Luật các TCTD năm 2010.

Cụ thể, Thông tư 33 sửa đổi, bổ sung các điều kiện của các khoản nợ của tổ chức Tài chính vi mô được tính vào vốn cấp 2 thỏa mãn những điều kiện cơ bản tương tự các điều kiện của khoản nợ được tính vào vốn cấp 2 của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Thông tư số 36/2014/TT-NHNN.

Bên cạnh đó, Thông tư 33 cũng bổ sung một số loại tài sản “Có” rủi ro, gồm: Dư nợ cho vay có bảo đảm toàn bộ bằng bảo lãnh của nhóm khách hàng tiết kiệm và vay vốn tại tổ chức Tài chính vi mô vào nhóm tài sản “Có”; hệ số rủi ro 50%; Dư nợ cho vay đối với khách hàng, không bao gồm dư nợ cho vay quy định tại nhóm tài sản “Có” có hệ số rủi ro 0%, 20%, 50% vào nhóm tài sản “Có”; hệ số rủi ro 100%.

Tuy nhiên, Thông tư 33 đã bỏ dư nợ tín dụng quy mô nhỏ đối với khách hàng Tài chính vi mô có thời hạn cho vay duới 01 năm ở nhóm tài sản “Có” có hệ số rủi ro 50% do việc đánh giá rủi ro của khoản vay dựa vào thời hạn cho vay là không phù hợp.

Thứ hai, Thông tư kế thừa quy định về tỷ lệ về khả năng chi trả là 20% tại Thông tư số 07/2009/TT-NHNN và sửa đổi cách xác định tỷ lệ về khả năng chi trả của tổ chức Tài chính vi mô. Cụ thể khi tính tỷ lệ về khả năng chi trả chỉ bao gồm tiền gửi tự nguyện không bao gồm tiền gửi tiết kiệm bắt buộc như tại Thông tư số 07/2009/TT-NHNN.

Theo NHNN việc làm này là để phù hợp với bản chất của các khoản tiết kiệm bắt buộc (ít có biến động và có tính chất như khoản đảm bảo khoản vay). Đồng thời tạo điều kiện cho tổ chức Tài chính vi mô có thêm nguồn vốn để tăng cường, cung cấp nguồn vốn cho khách hàng nghèo, hộ gia đình có thu nhập thấp, qua đó góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của đất nước.

NHNN cũng cho biết, việc ban hành Thông tư số 33/2015/TT-NHNN nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho hệ thống tổ chức Tài chính vi mô, tạo nên những chuẩn mực về quản trị, an toàn hoạt động của tổ chức Tài chính vi mô phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu quản lý, giám sát hệ thống tổ chức Tài chính vi mô trong giai đoạn phát triển mới để từng bước đưa hệ thống tổ chức Tài chính vi  mô hoạt động an toàn, lành mạnh và hiệu quả hơn, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội.

Thông tư 33/2015/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2016.

Share this post