Quỹ tín dụng nhân dân Cao Minh làm tín dụng, ấm tình người

Quỹ tín dụng nhân dân Cao Minh làm tín dụng, ấm tình người

Thành lập từ năm 1993 theo mô hình hợp tác xã tín dụng, Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) Cao Minh đã vượt qua nhiều giai đoạn sóng gió của nền kinh tế mà vẫn bám sát và thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ các thành viên phát triển. Cho đến nay, sau hơn 20 năm đi vào hoạt động, Quỹ đã đóng góp một phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế – xã hội miền quê thuần nông Vĩnh Bảo, Hải Phòng.

Hiểu người, hiểu mình

Ngồi trong phòng rộng rãi bật điều hoà mát lạnh, chiếc bàn làm việc kê bên một bộ bàn trà, có trà mạn, có cả điếu và thuốc đặc trưng của mảnh đất thuốc lào, Ngô Tất Ry – Giám đốc QTDND Cao Minh khoát tay nói: “Tôi để cái bàn nước này không chỉ cho các thành viên có nhu cầu đến vay, gửi tiền mà còn là chỗ nghỉ chân, qua chơi của các thành viên từ ngoài đồng về”. Ông nói như thể, 1.379 thành viên toàn là anh em, bạn bè, tiện thì ghé chơi…

Quỹ tín dụng nhân dân Cao Minh vừa tăng vốn điều lệ lên 1 tỷ đồng. Tổng tài sản của Quỹ hiện 40 tỷ đồng, tiền gửi 35,5 tỷ đồng, dư nợ trên 34 tỷ đồng… Đó là những con số không nhỏ so với một địa bàn kinh tế còn kém phát triển. Hoạt động vay mượn như trong chỗ “người nhà”, tuy thế nợ quá hạn vẫn có, dù chỉ 110 triệu đồng. “Hôm nọ, có điều kiện tôi đã trích dự phòng rủi ro 100%”, ông Ry tự tin nói vậy vì đó thực sự là hiện trạng khá an toàn của Quỹ.

Ngay cả với khoản nợ quá hạn rất thấp so với tổng dư nợ cho vay nói trên cũng được giải thích khá thỏa đáng. Theo ông Ry, không phải thành viên cố tình chây ỳ mà họ gặp rủi ro khi giúp anh em ruột thịt. Trong suốt hành trình hoạt động, Quỹ mới chỉ 3 lần phải đi thu hồi tài sản nhưng các thành viên cũng đều tự nguyện trả nợ. Chất lượng hoạt động ổn định của Quỹ được xây lên từ việc thấu hiểu gia cảnh từng thành viên, cùng sự tuân thủ quy trình cấp tín dụng. Đây được xem là bí quyết hoạt động của Quỹ.

Mô hình trồng lúa chất lượng cao tại xã Cao Minh, Vĩnh Bảo

Mô hình trồng lúa chất lượng cao tại xã Cao Minh, Vĩnh Bảo

Chuyện ông Ry kể là thực tế, sâu sát tình hình các thành viên vừa là nhiệm vụ, cũng là thể hiện tình cảm của cán bộ Quỹ với bà con trong xã. Ông Nguyễn Văn Nghị (thôn Tây Am, xã Cao Minh) đã quen với cán bộ của QTDND Cao Minh, thi thoảng ghé qua uống chén nước mỗi khi chiều tà. Người cùng làng, nói sang chơi cũng được, mà nói qua kiểm tra tình hình sử dụng vốn cũng đúng. Ở miền quê nông thôn, người dân đầu tắt mặt tối ngoài đồng, công việc kiểm định hiệu quả sử dụng vốn cũng như tìm hiểu gia cảnh thành viên phải dịch chuyển vào những ngày nghỉ hay chiều tối. Cũng chính vì thế, cán bộ Quỹ tín dụng nhân dân Cao Minh không có khái niệm hết giờ làm. Giờ hành chính, ai vào việc nấy. “Hết giờ làm việc, tôi lại thúc các cánh túa đi các ngả xem bà con làm ăn ra sao”, ông Ry nói.

Sâu sát với đời sống của các thành viên, không chỉ giám sát nguồn vốn vay họ có sử dụng đúng mục đích hay không mà nhất cử nhất động của các thành viên, nhân viên Quỹ đều nắm được. Nhà này dăm bữa nữa bán lợn, nhà kia con mai từ Hà Nội về hứa cho ít tiền, hay chuẩn bị cất ngôi nhà mới… Hiểu được cặn kẽ đời sống của thành viên là cơ sở để Quỹ không để lọt nguồn gửi tiền, hay kiểm định hồ sơ vay vốn nhanh nhưng vẫn đảm bảo các tiêu chí.

Ông Ry chỉ ra cửa nói ngay chuyện nhà các thành viên như người trong làng, cùng xóm: “Hai vợ chồng nó đến lấy tiền cho con xây cái nhà trong miền Nam. Hôm rồi, vợ chồng nó mang mảnh đất đang ở ra thế chấp, tôi hỏi đã xin ý kiến bà cụ chưa, nó nói chưa, tôi đích thân cùng tụi nó về hỏi ý kiến bà cụ. Bà mừng lắm bảo ủng hộ cả hai chân hai tay”. Ông Ry rủ rỉ, các cụ là thế, muốn được con cái tôn trọng, cái gì cũng phải xin ý kiến chứ đất đai đứng tên nó sở hữu về nguyên tắc không cần. Cái sự hiểu tâm lý của người dân cũng là một nền tảng để hoạt động của Quỹ ngày càng mở rộng.

Đất thuần nông, không nghề phụ, phát triển kinh tế cũng chật vật. Nhưng mấy năm nay, người dân trong xã Cao Minh khấm khá hẳn lên cũng nhờ cái vụ hạ đồng. Cánh đồng trước đây cao quá, bơm tưới nước khó khăn. Nhân chủ trương của xã hạ đồng, Quỹ đã không ngần ngại hỗ trợ thành viên vay tiền đóng gạch. Đúng những năm 2007 – 2010 gạch đắt như tôm tươi, Quỹ vui như hội. Người ra vay tiền, kẻ ôm tiền vừa bán gạch liền trả khoản vay và gửi thêm, cười nói râm ran. Giờ thì đồng đã hạ xong, lúa thêm tốt và nhiều ngôi nhà mới cũng nhờ đó được xây lên khang trang… Người dân có tiền đầu tư sản xuất, kinh tế thành viên khá lên, tiền gửi cũng nhiều mà nhu cầu vay cũng dần lớn khi ý thức làm kinh tế trong mỗi gia đình đang hình thành từ những tư duy kinh doanh lớn.

Vun đắp tương lai

Nói đến Quỹ tín dụng nhân dân Cao Minh và ông Ry, người dân ở đây còn kể về những nếp sống, thói quen tốt mà ông gieo vào đời sống của họ. Qua các hội nghị thành viên, hay có hội nghị trong xã được mời, ông lại tranh thủ vận động các thành viên gửi tiết kiệm. Không chỉ vì lo cái túi vốn của Quỹ mà quan trọng hơn, từ những cuộc tuyên truyền ấy, những người dân quê đã tạo lập thói quen dành dụm. Người thì chuẩn bị cho con đi học, lo cho con cưới vợ, người từ 50 tuổi trở lên thì lo dành dụm dưỡng già. Còn các cụ già tiết kiệm tiền lo cho hậu sự, hay dành chút quà cho con trước khi đi về nơi vĩnh hằng.

Người dân thu hái lá thuốc lào tại ruộng

Người dân thu hái lá thuốc lào tại ruộng

Mấy hôm trước, cô con gái ông Ngăn người trong xã vừa lên lập biên bản rút 20 triệu đồng để lo cho ông cụ yếu mệt. Cô xúc động lắm: “Ông bà tôi đúng là thương con, không muốn làm gánh nặng cho con khi hai năm mươi về già. Những việc như thế người già ở đây thích lắm”, ông Ry vui chuyện nói thêm.

Các cán bộ Quỹ kể, món tiền gửi của các cụ nhỏ, có khi chỉ vài ba trăm nghìn, hay một triệu đồng được dành dụm từ mỗi dịp con cháu về chơi cho tiền, hay nhân dịp Tết được mừng tuổi. Nhưng nhỏ mà nhiều, góp lại thành to. Có cụ gốc giữ nguyên lâu lâu ra rút chút lãi về tiêu. Còn với cán bộ Quỹ, hoạt động tiết kiệm của các cụ không còn chỉ là một hình thức huy động đơn thuần mà trở thành một công việc nghĩa tình. Mỗi khi nghe tin cụ này mất, cụ kia ốm đau, các cán bộ của Quỹ chờ gia đình lo cho cụ xong để chạy qua báo cho gia đình mang giấy tờ ra rút. Nếu giấy tờ có thất lạc chỉ cần làm cam kết, Quỹ sẽ trả không thiếu một đồng.

Phong trào gửi tiết kiệm bảo an kiểu này giờ không chỉ vài cá nhân đơn lẻ mà trở thành phong trào ở nơi đây, khi có hàng chục cụ tham gia. Ông Ry khoe, không ít lần ông được thành viên mời uống rượu cảm ơn Quỹ đã trợ giúp gia đình kinh phí hoàn thành ước mơ cho thằng con trai học đại học. “Nếu không có Quỹ này hoạt động ở đây thì số huy động của hệ thống tín dụng chắc chỉ được một nửa”, ông Ry khẳng định khi nói về thành quả từ việc gợi ý người dân tích lũy, gửi tiền tiết kiệm.

Chánh thanh tra NHNN Chi nhánh TP. Hải Phòng góp chuyện bên bàn trà, chỉ ra cửa: Chiếc xe ô tô kia là phương tiện đa năng giúp kết nối, gắn bó Quỹ với các thành viên. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu công việc, đêm hôm các thành viên có vợ ốm con đau chỉ cần gọi Chủ tịch Quỹ là ông cho lái xe đi hỗ trợ… Không chỉ là uy tín cần thiết, các thành viên đến đây được ưu đãi, mang tính chất quê hương thân thiện. Có trường hợp cho vay rồi mai mới làm hồ sơ.

“Đúng là có sai nguyên tắc nhưng lúc đêm hôm, người ta khênh con, chồng đi viện thì việc ứng tiền còn là giải pháp nghĩa tình, hồ sơ vay gác lại vài hôm cũng được”, ông nói thêm. “Cho họ vay 2 triệu có mất cũng không ảnh hưởng đến Quỹ mà với những trường hợp này, họ chỉ có biết ơn chứ không bao giờ dám xù nợ, lo lót trả cho nhanh”. Cũng bởi, ở nông thôn có vài triệu tiền mặt trong nhà là chuyện hiếm. Khi cần, các thành viên coi Quỹ như chỗ thân tình lại chạy ù ra vay vài triệu đồng, chiều mai hay sáng ngày kia lo xong việc lớn gia đình lại mang trả. “Một hai ngày biết tính lãi sao? Chả bõ, tôi chỉ lấy gốc nên người ta rất quý”, ông Ry chia sẻ thêm.

Đất thuần nông tôi cũng không mơ trong tương lai sẽ tăng gấp đôi, gấp ba quy mô, mà làm đến đâu, chắc đến đó. Quan trọng là giúp những người nông dân quê hương ông có thêm những cơ hội tăng gia sản xuất và bảo an cuộc sống, ông Ry cười nói.

(http://co-opbank.vn)

Share this post