Sửa Thông tư 36 giúp lãi suất tiếp tục ổn định?

Sửa Thông tư 36 giúp lãi suất tiếp tục ổn định?

Sửa Thông tư 36 giúp lãi suất tiếp tục ổn định?

sua thong tu 36 giup lai suat tiep tuc on dinh
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 27-5 vừa ban hành Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Theo đó, đáng chú ý tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nói chung vẫn được giữ nguyên 60% từ nay đến 31-12-2016, rồi giảm dần xuống 50% từ 1-1-2017, và từ 1-1-2018 sẽ xuống 40%.

Như vậy, NHNN đã giãn lộ trình thực hiện giới hạn trên trong hơn hai năm, thay vì giảm ngay từ 60% xuống 40% theo như dự thảo trước đây. Việc sửa đổi này của NHNN có thể giúp mặt bằng lãi suất tiếp tục ổn định ở mức thấp nhằm giúp tăng trưởng kinh tế.

Lãi suất huy động có thể giảm khi áp lực đáp ứng các quy định đã được dỡ bỏ

Còn nhớ rằng cuộc đua tăng lãi suất huy động diễn ra vào thời điểm nửa cuối tháng 2 xuất phát từ tác động của dự thảo Thông tư 36, theo đó nhiều ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động trung dài hạn nhằm tăng nguồn vốn trung dài hạn sớm để đón đầu đáp ứng được các quy định của dự thảo Thông tư 36 khi đi vào hiệu lực.

Tuy nhiên, giờ đây với Thông tư 06 vừa ban hành với tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn vẫn giữ nguyên đến hết năm nay, thì có lẽ nhiều ngân hàng đã bị hớ khi chủ động tăng lãi suất tiền gửi trung dài hạn đầu vào trong thời gian trước đây. Do đó, các ngân hàng có thể sắp tới sẽ điều chỉnh giảm lãi suất huy động để giảm chi phí vốn trở lại, nhất là khi tín dụng đầu ra thời gian gần đây vẫn gặp nhiều khó khăn.

Việc Fed trong buổi họp mới nhất cho thấy dấu hiệu có thể tăng lãi suất đô la Mỹ vào cuộc họp tháng 6 tới khiến các doanh nghiệp e ngại rủi ro tỷ giá và nhanh chóng trả nợ càng làm ngân hàng thừa tiền. Theo số liệu từ Vụ Tín dụng, NHNN tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 8-5 đạt mức 3,69%, cho thấy dư nợ tín dụng đã giảm trở lại khi so với mức tăng trưởng 4% vào thời điểm cuối tháng 4.

Vì vậy, các ngân hàng đang thừa thanh khoản phải đổ vốn vào thị trường trái phiếu với lợi suất thấp hơn lãi suất tiền gửi trung dài hạn của các ngân hàng. Việc kinh doanh trên liên ngân hàng cũng chẳng khá khẩm hơn khi lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã giảm mạnh trong thời gian gần đây, với lãi suất qua đêm có lúc giảm về dưới 1%. Như vậy, biên lợi nhuận trên hai thị trường này của ngân hàng đang co hẹp lại khá nhanh. Trong khi đó, một số ngân hàng dường như đã nắm thông tin và chủ động sớm giảm lãi suất huy động những ngày qua. Nay với Thông tư 06 vừa chính thức ban hành thì nhiều ngân hàng khác cũng có thể sẽ tham gia điều chỉnh giảm lãi suất huy động trong thời gian tới.

Một điểm sửa đổi đáng chú ý khác nữa là Thông tư 06 đã tăng tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ so với nguồn vốn ngắn hạn của chi nhánh ngân hàng nước ngoài từ 15% lên 35%, của ngân hàng thương mại nhà nước từ 15% lên 25%. Điều này có thể giúp cầu trái phiếu chính phủ tăng lên do không còn bị hạn chế, giúp kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ dễ dàng hơn từ đó giúp lợi suất phát hành trái phiếu tiếp tục ổn định mà không phải tăng lên để thu hút người mua. Vì khi lãi suất phát hành trái phiếu nếu tăng lên thì rõ ràng có thể kích thích mặt bằng lãi suất huy động và cho vay có thể dâng lên theo.

Lãi suất cho vay có điều kiện giảm đồng bộ hơn

Ngoài ra, cũng theo Thông tư 06 vừa ban hành với hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản chỉ nâng lên 200%, và được áp lộ trình thực hiện từ 1-1-2017 thì các khoản vay kinh doanh bất động sản không phải quá lo về việc các ngân hàng có thể điều chỉnh tăng lãi suất vay.Nếu lãi suất huy động có thể giảm như đã phân tích ở trên thì đây đúng là điều mà nhà điều hành muốn nhắm tới khi ban hành Thông tư 06. Thống đốc NHNN hôm 27-5 cũng yêu cầu các ngân hàng ổn định lãi suất huy động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay theo Chỉ thị 04 vừa được ban hành. Dù thời gian qua một số ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay ở một vài gói tín dụng, tuy nhiên khi mặt bằng lãi suất đầu vào cao thì rất khó cho hệ thống giảm lãi suất cho vay đồng bộ.

Theo thống kê của NHNN trong thời điểm gần nhất thì tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn huy động đến hết tháng 3-2016 là 87,35%. Như vậy, tỷ lệ này đã giảm 2 tháng liên tiếp từ mức 89,31% trong tháng 1 và 87,71% trong tháng 2. Rõ ràng hoạt động cho vay của các ngân hàng có vẻ như đang bị chững lại so với kế hoạch và kỳ vọng đặt ra cho năm nay. Và đó cũng là một trong những yếu tố khiến các ngân hàng có thể động lực để giảm lãi suất cho vay, nhất là khi lãi suất huy động có thêm cơ hội để tiếp tục ổn định hoặc điều chỉnh giảm nhẹ trong thời gian tới.

(trích bizlive)

Share this post