Tài chính vi mô Thanh Hóa triển khai vốn vay dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng yếu thế

Tài chính vi mô Thanh Hóa triển khai vốn vay dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng yếu thế

Tài chính vi mô Thanh Hóa triển khai vốn vay dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng yếu thế

Hà Trung là một huyện nằm ở phía Bắc tỉnh Thanh Hóa, với đặc điểm địa lý và tài nguyên thiên nhiên đa dạng, nhiều năm nay lãnh đạo huyện luôn chú trọng việc phát triển đồng đều nhiều ngành nghề như trồng rừng, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ,… nhằm giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương. Tuy nhiên, hiện nay các hộ nghèo và cận nghèo mong muốn tìm giải pháp tăng thu nhập tại huyện Hà Trung vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn như thiếu nguồn vốn làm ăn, thiếu công cụ sản xuất, thiếu hiểu biết về kinh doanh,… Đặc biệt là đối với người dân tộc thiểu số và những đối tượng yếu thế bao gồm phụ nữ nghèo, phụ nữ miền núi, phụ nữ đơn thân, neo đơn, phụ nữ là lao động chính trong gia đình đang sinh sống trên địa bàn huyện.

Chị Đỗ Thị Thủy – Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ huyện Hà Trung cho biết: “Các hộ nghèo và cận nghèo ở huyện Hà Trung hiện đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn để tăng thu nhập đảm bảo đời sống gia đình, đặc biệt là đối tượng người dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, Tổ chức tài chính vi mô Thanh Hóa và Hội liên hiệp phụ nữ đã phối hợp triển khai nguồn vốn dành riêng cho người dân tộc thiểu số và đối tượng yếu thế để hỗ trợ chị em từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Thay vì hỗ trợ trực tiếp bằng tiền hay hiện vật, chương trình cung cấp cho các chị em những sản phẩm vốn vay đa dạng phong phú, giúp cải thiện thu nhập và chất lượng cuộc sống một cách bền vững. Đồng thời, Tổ chức Tài chính vi mô Thanh Hóa thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn về tài chính, cách thức vay vốn và sử dụng đồng vốn hiệu quả để cải thiện thu nhập và hoàn trả đúng hạn. Bên cạnh việc những lợi ích về kinh tế, chị em còn được sinh hoạt theo tổ nhóm nhằm chia sẻ, trao đổi cách thức làm ăn cũng như chăm sóc sức khỏe gia đình.

Chị Bùi Thị Độ là người dân tộc thiểu số, chị bắt đầu công việc trồng trọt chăn nuôi đã 10 năm nay. Ban đầu chỉ trồng lúa trồng rau và nuôi gà với mô hình nhỏ lẻ. Kể từ khi biết đến tổ chức Tài chính vi mô, chị Độ là một trong số những người dân tộc thiểu số đầu tiên mạnh dạn vay vốn để đầu tư trồng dứa và dành một phần mua thêm đàn gà về nuôi. Chị cho biết, cán bộ tín dụng của Tài chính vi mô Thanh Hóa rất thân thiện nhiệt tình, về tận thôn thu phát vốn. Đến nay, chị đã có một đàn gà 20 con và đồi dứa đang bắt đầu ra quả, hứa hẹn một vụ mùa bội thu.                                                                                           tài chính vi mô

Đến nay, đã có 668 thành viên ở 4 xã trên địa bàn huyện Hà Trung tham gia vay vốn tại Tổ chức Tài chính vi mô Thanh Hóa, trong đó có 95% là phụ nữ, 2.4% là người dân tộc thiểu số và đối tượng yếu thế, 5% vay vốn để xây dựng hệ thống nước sạch hoặc nhà tiêu hợp vệ sinh, hầm Biogas. Sau một thời gian tham gia vay vốn, các chị em đều yêu thích sản phẩm vốn vay thân thiện hiệu quả, cùng với phương pháp vay một thúng trả từng đấu, vay một lần trả dần trong nhiều tháng, không những dễ vay dễ trả, mà khi kết thúc chu kỳ vay, thành viên sẽ được vay chu kỳ tiếp theo với mức vốn cao hơn. Tỷ lệ hoàn trả đúng thời hạn của cả huyện Hà Trung là 100%.

Có thể khẳng định, những nỗ lực xóa đói giảm nghèo của Tổ chức Tài chính vi mô Thanh Hóa và Hội liên hiệp phụ nữ huyện Hà Trung đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và hoàn thành các mục tiêu chương trình nông thôn mới tại các xã trên địa bàn huyện. Hiện tại, Tổ chức Tài chính vi mô Thanh Hóa đang hoạt động trên 13 huyện thị trong tỉnh, dự kiến trong năm 2016 sẽ tiếp tục triển khai mô hình này đến các huyện Thạch Thành và Như Thanh.

( trích tochuctaichinhvimoThanhhoa)

Share this post