Tái cơ cấu hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân để phát triển kinh tế nông thôn

Tái cơ cấu hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân để phát triển kinh tế nông thôn

Hoạt động bảo hiểm tiền gửi (BHTG) đã góp phần đưa hoạt động của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) ngày càng ổn định, tăng trưởng bền vững, đúng với định hướng.

tai-co-cau-he-thong-quy-tin-dung-nhan-dan-de-phat-trien-kinh-te

Bổ sung khoảng trống tín dụng nông thôn

Sự ra đời của các QTDND vào năm 1993 đã thiết lập một mô hình tín dụng hợp tác mới, thích hợp với tình hình kinh tế thị trường ở nông thôn. Trong bối cảnh các ngân hàng thương mại và các định chế tài chính khác chưa đẩy mạnh hoạt động ở khu vực xa các trung tâm đô thị, hệ thống QTDND đã góp phần bổ sung vào khoảng trống trong hoạt động ngân hàng.

Qua hoạt động của QTDND, ý thức tiết kiệm và tích lũy của người dân được nâng cao, những đồng vốn nhàn rỗi được huy động để hỗ trợ lẫn nhau, đưa vào đầu tư phục vụ phát triển sản xuất, mở mang ngành nghề, dịch vụ, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế. Mặt khác, QTDND đóng góp một cách đáng kể các khoản thuế hàng năm cho ngân sách địa phương. Không chỉ vậy, những nơi QTDND hoạt động tích cực, công ăn việc làm của người lao động được cải thiện, góp phần xoá đói giảm nghèo, giúp đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Gần đây, khi cơn bão “tín dụng đen” có nguy cơ quay trở lại nhiều vùng quê, vai trò của hệ thống QTDND càng được nâng cao. Tại một hội thảo về phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”  được tổ chức mới đây, Bộ Công an đã công bố số liệu: chỉ trong 4 năm, từ 2010 đến 2014, lực lượng chức năng đã thụ lý 6.367 vụ việc, khởi tố gần 11.000 bị can liên quan đến “tín dụng đen”, trong đó có nhiều vụ án cực kỳ nghiêm trọng.

Sự bành trướng của “tín dụng đen”, từ một góc độ khác, cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các QTDND. Khi “tín dụng đen” và QTDND hoạt động trên cùng một địa bàn, tất yếu sẽ xảy ra tình trạng “cạnh tranh”. “Tín dụng đen” vốn không chịu sự ràng buộc của pháp luật, lại lắm chiêu trò thu hút, làm mờ mắt cả người vay lẫn người cho vay, sẽ tạo ra sức hút lớn đối với cộng đồng, đe dọa sự phát triển của QTDND. Mặt khác, nếu thành viên của QTDND vi phạm các quy định về nghiệp vụ, các quy định an toàn nhằm vay vốn rồi lấy tiền đầu tư vào “tín dụng đen” để hưởng chênh lệch lãi suất, khủng hoảng tín dụng đen bùng phát, nguy cơ nợ xấu  cũng gia tăng tại các TCTD này.

Vì vậy, phát triển QTDND lành mạnh, bền vững là một yêu cầu cấp thiết, không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu tín dụng nông thôn mà còn vì chính sự tồn tại của loại hình tín dụng này.

BHTG Việt Nam tham gia tái cơ cấu hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân

Bên cạnh ưu thế hiểu địa bàn, chi phí hoạt động thấp, mục tiêu hoạt động mang tính chất tương trợ thành viên, và những yếu tố tích cực, hệ thống QTDND vẫn còn gặp một số hạn chế nhất định như: hoạt động của toàn hệ thống còn đơn điệu, chưa khai thác hết tiềm năng, chủ yếu là huy động và cho vay, rủi ro tiềm ẩn, nhất là rủi ro đạo đức, là nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn của các quỹ bị đổ vỡ. Trên thực tế, hầu hết các quỹ tín dụng “có vấn đề” đều bắt đầu từ những sai phạm trong quản lý của lãnh đạo một số quỹ như cố tình chiếm đoạt tài sản chung, cho vay sai nguyên tắc… khiến quỹ bị thua lỗ hoặc phá sản.

Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đều rất quan tâm đến sự an toàn, bền vững của QTDND. Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 ban hành kèm theo Quyết định 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ: “…Tăng cường các thiết chế an toàn hoạt động và tạo điều kiện thuận lợi cho QTDND phát triển. Đẩy mạnh chấn chỉnh, củng cố và nâng cao mức độ an toàn, hiệu quả các QTDND hiện có đi đôi với tiếp tục mở rộng vững chắc các QTDND mới ở khu vực nông thôn”.

Là tổ chức thực hiện chính sách BHTG tại Việt Nam với mục tiêu chính là bảo vệ người gửi tiền, vai trò của BHTG  trong quá trình tái cấu trúc hệ thống QTDND được thể hiện rõ nét thông qua các hoạt động nghiệp vụ BHTG. Đây là kênh giám sát góp phần đảm bảo ổn định hệ thống ngân hàng bên cạnh cơ quan quản lý nhà nước và là cơ quan duy nhất thực hiện chức năng bảo hiểm cho các khoản tiền gửi tại các TCTD. Riêng đối với hệ thống QTDND, BHTGVN đang bảo hiểm cho hơn 1100 QTDND.

Thông qua hoạt động nghiệp vụ kiểm tra, giám sát đối với các QTDND, BHTG Việt Nam đã phát hiện kịp thời những dấu hiệu rủi ro, biểu hiện yếu kém, vi phạm các quy định về bảo hiểm tiền gửi, an toàn trong hoạt động ngân hàng, từ đó đề xuất, kiến nghị phương án giải quyết phù hợp hoặc báo cáo NHNN để có những biện pháp xử lý cần thiết. Định kỳ, BHTGVN thực hiện giám sát đối với 100% tổ chức tham gia BHTG, trung bình hàng năm thực hiện kiểm tra đối với hơn 300 lượt đơn vị. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, BHTG Việt Nam đã có những động thái tích cực, đẩy mạnh hoạt động nghiệp vụ để kịp thời đề xuất biện pháp xử lý, phòng ngừa đổ vỡ, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền. Đối với những QTDND có biểu hiện yếu kém, có dấu hiệu rủi ro, BHTGVN thực hiện kiểm tra đột xuất, áp dụng hướng giải quyết phù hợp với chức năng, nhiệm vụ hoặc tổng hợp, đề xuất NHNN can thiệp.

Như vậy, hoạt động BHTG đã góp vai trò từng bước đưa hoạt động của hệ thống QTDND ngày càng ổn định, tăng trưởng bền vững, đúng với định hướng, chủ trương tái cơ cấu hệ thống quỹ tín dụng nhân dân của Đảng và Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương./.

(http://kinhtenongthon.com.vn)

Share this post