Tín dụng ưu đãi: Giải pháp giảm nghèo bền vững

Tín dụng ưu đãi: Giải pháp giảm nghèo bền vững

Với sự chỉ đạo quyết liệt và bằng nhiều giải pháp đồng bộ, đến ngày 31/10/2015, chất lượng tín dụng chính sách của vùng Tây Nguyên đã được thay đổi và cải thiện rõ rệt.

Tín dụng ưu đãi ngày càng đóng vai trò đặc biệt với các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Điều này một lần nữa được khẳng định tại Hội nghị “Sơ kết 3 năm thực hiện Đề án củng cố nâng cao chất lượng tín dụng chính sách và 2 năm phối hợp thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tại địa bàn Tây Nguyên”, diễn ra tại TP. Pleiku (Gia Lai) ngày 26/11.

Chủ trì Hội nghị có đồng chí Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên; đồng chí Nguyễn Văn Bình, Thống đốc NHNN, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP)…

Thống đốc Nguyễn Văn Bình tặng quà các hộ gia đình buôn L Pốc, xã Ia Khươi, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai

Thống đốc Nguyễn Văn Bình tặng quà các hộ gia đình buôn L Pốc, xã Ia Khươi, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai

Thành công của Đề án

Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết, sau 3 năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách và 2 năm phối hợp thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tại vùng Tây Nguyên, với sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo, kiểm tra, theo dõi, giám sát của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên…

VBSP đã tích cực triển khai cho vay các chương trình tín dụng chính sách lớn như: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo; học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; giải quyết việc làm; xuất khẩu lao động; phục vụ nước sạch và vệ sinh môi trường…

Ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc VBSP cho biết, trong 3 năm thực hiện Đề án, NH này đã giải ngân cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại vùng Tây Nguyên với doanh số đạt 16.491 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 12.453 tỷ đồng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại vùng Tây Nguyên đến ngày 31/10/2015 là 16.278 tỷ đồng, với gần 700 ngàn hộ còn dư nợ, tăng 4.883 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2011, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 8,96%, trong khi tốc độ tăng trưởng chung toàn quốc là 7,76%, đạt cao hơn 1,2%.

Với sự chỉ đạo quyết liệt và bằng nhiều giải pháp đồng bộ, đến ngày 31/10/2015, chất lượng tín dụng chính sách của vùng Tây Nguyên đã được thay đổi và cải thiện rõ rệt. Cụ thể, nợ quá hạn toàn vùng là 65,5 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn 0,4% tổng dư nợ, thấp hơn tỷ lệ nợ quá hạn bình quân chung của toàn hệ thống VBSP là 0,01%. Nợ quá hạn về số tuyệt đối giảm 109,6 tỷ đồng và về số tương đối giảm 1,14% so với thời điểm trước Đề án (cuối năm 2011). Nhiều huyện miền núi và các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên có chất lượng tín dụng ổn định, tỷ lệ nợ quá hạn thấp…

Nói về thành công của Đề án, ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cũng chia sẻ, chất lượng tín dụng được nâng lên rõ rệt, cụ thể tỷ lệ nợ quá hạn giảm từ 0,98% vào đầu năm 2012 đến nay còn 0,27%, giảm 0,71% so với đầu năm 2012. Qua 3 năm thực hiện Đề án, ngoài nguồn vốn tín dụng chính sách từ Trung ương, HĐND và UBND tỉnh, huyện đã ủy thác sang VBSP với số tiền 53,4 tỷ đồng để hòa chung với nguồn vốn VBSP mở rộng cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

“Có thể khẳng định rằng, kết quả giảm nghèo của tỉnh Lâm Đồng trong những năm qua có đóng góp rất quan trọng của hệ thống VBSP, trong đó có sự quan tâm của VBSP Trung ương, đáp ứng nguồn vốn rất lớn cho một tỉnh còn khó khăn như Lâm Đồng. Chính điều đó đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 6,31% năm 2012 xuống còn 2,75% cuối năm 2014. VBSP thực sự là người bạn đồng hành, đáng tin cậy của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, là công cụ đắc lực của Đảng bộ, chính quyền trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội mà Đảng bộ tỉnh đã đề ra trong nhiệm kỳ 2010-2015…”, ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết.

Tăng cường hơn nữa

Phát biểu khai mạc hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang khẳng định sự phối hợp chặt chẽ, sâu sát của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, VBSP và chính quyền các tỉnh trong vùng trong việc thực hiện Đề án đã mang lại những kết quả khích lệ. Tuy nhiên, để đời sống của đồng bào phát triển ổn định và bền vững, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, nhất là sự tiếp tục đồng hành của các chương trình tín dụng chính sách đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Thay mặt lãnh đạo ngành NH và Hội đồng quản trị VBSP, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng biểu dương thành tích đã đạt được của cả hệ thống VBSP trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, theo Thống đốc, để thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi trong cả nước nói chung và tại vùng Tây Nguyên nói riêng, VBSP sẽ tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ.

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện các chính sách của Nhà nước về tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, giải ngân cho vay vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng và hiệu quả. Thứ hai, phối hợp làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp để quán triệt và thực hiện có kết quả Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội nhằm hiện thực hóa chủ trương đường lối của Đảng vào cuộc sống của người dân Tây Nguyên. Thứ ba, tăng cường nguồn vốn địa phương dành cho công tác xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm trên địa bàn.

Thứ tư, cần tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường nguồn vốn địa phương dành cho công tác xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm trên địa bàn. Cân đối nguồn lực để phân bổ nguồn vốn tín dụng theo phương châm ưu tiên đầu tư cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác tại vùng Tây Nguyên, vùng có nhiều tiềm năng phát triển tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có vốn sản xuất, tạo việc làm nâng cao đời sống, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.

Thứ năm, tiếp tục hướng dòng vốn tín dụng thương mại phục vụ cho vay sản xuất kinh doanh tại Tây Nguyên.

“Với tinh thần trách nhiệm cao đối với xã hội, nhất là đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, tôi cam kết sẽ chỉ đạo VBSP quan tâm, chú trọng phân bổ vốn để thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi tại vùng Tây Nguyên để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020 và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội cho các vùng khó khăn của Tây Nguyên”, Thống đốc nhấn mạnh.

Trong chuyến công tác tại Gia Lai, Thống đốc NHNN, Chủ tịch HĐQT VBSP Nguyễn Văn Bình và các cán bộ VBSP đã đến thăm và tặng quà cho các hộ gia đình nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở xã Ia Khươi, huyện Chư Păh. Trong đó, Thống đốc đã đến thăm và tặng quà hai hộ gia đình người đồng bào Gia Rai là hộ chị Phyên và hộ chị B’ Díu (buôn L Pốc, xã Ia Khươi). Đây là 2 hộ gia đình đang vay vốn chương trình cho vay hộ nghèo của VBSP với mức vay 20 triệu đồng/hộ và sử dụng vốn vay hiệu quả.

(Theo Thời Báo Ngân Hàng)

Share this post