Tổ chức tín dụng – Thanh tra, giám sát phải đi trước một bước

Tổ chức tín dụng – Thanh tra, giám sát phải đi trước một bước

Thanh tra, giám sát phải đi trước một bước

Việc chuyển đổi từ phương thức thanh tra tuân thủ sang phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro được xem là một trọng tâm trong tiến trình cải cách hệ thống thanh tra giám sát ngành NH Việt Nam.

Đổi mới phương pháp thanh tra…

Những năm gần đây, hệ thống các Tổ chức tín dụng ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, quy mô hoạt động, nhưng môi trường kinh doanh ngày càng có nhiều biến động nên nguy cơ rủi ro cũng tăng. Chính bởi vậy, việc áp dụng phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro đối với các Tổ chức tín dụng là một yêu cầu và xu thế tất yếu của NHNN. Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, yêu cầu hệ thống NH phải được thiết lập, vận hành và quản trị, giám sát theo những chuẩn mực, chính sách an toàn, lành mạnh.

 

Sự phát triển nhanh chóng của các TCTD đi kèm với nguy cơ kém an toàn và đổ vỡ hệ thống đòi hỏi công tác thanh tra, giám sát NH cần được đổi mới

Sự phát triển nhanh chóng của các TCTD đi kèm với nguy cơ kém an toàn và đổ vỡ hệ thống đòi hỏi công tác thanh tra, giám sát NH cần được đổi mới

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cho rằng, hoạt động thanh tra NH trong giai đoạn hiện nay được kỳ vọng không chỉ dừng lại ở khả năng phát hiện sai phạm xảy ra hay tổn thất mà còn phải có tác động cảnh báo, khắc phục sớm về những nguy cơ rủi ro, vi phạm pháp luật tiềm ẩn của các Tổ chức tín dụng. Từ đó đưa ra những kiến nghị, biện pháp xử lý chính xác, hiệu quả giúp các Tổ chức tín dụng khắc phục và phòng ngừa rủi ro trong hoạt động.

Việc chuyển đổi từ phương thức thanh tra tuân thủ sang phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro được xem là một trọng tâm trong tiến trình cải cách hệ thống thanh tra giám sát ngành NH Việt Nam. Phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro giúp cơ quan quản lý có những can thiệp nhanh chóng, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực hiện tốt mục tiêu đảm bảo an toàn hệ thống tín dụng trong điều kiện mới.

Các chuyên gia nhận định, sự phát triển nhanh chóng của các Tổ chức tín dụng đi kèm với nguy cơ kém an toàn và đổ vỡ hệ thống đòi hỏi công tác thanh tra, giám sát NH cần được đổi mới để theo kịp và kiểm soát được hoạt động của các Tổ chức tín dụng.

Ths. Nguyễn Thị Thu Hương, Vụ trưởng Vụ Thanh tra, giám sát các Tổ chức tín dụng nước ngoài chia sẻ, ở bất kỳ giai đoạn nào của sự phát triển kinh tế, sự an toàn, lành mạnh và hiệu quả của hệ thống NH phụ thuộc nhiều vào chất lượng của hệ thống quản lý, giám sát NH. Trong điều kiện hệ thống NH đang thực hiện tái cơ cấu và phát triển nhanh thì cần đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra của Cơ quan Thanh tra giám sát NH (TTGSNH).

Theo đó, TTGSNH sẽ từng bước chuyển đổi phương pháp thanh tra từ thanh tra tuân thủ sang kết hợp giữa thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật với thanh tra rủi ro. Đây là một trong những yếu tố khách quan, tạo cơ sở thúc đẩy tiến trình đổi mới và cơ cấu lại, đồng thời định hướng cho hệ thống NH hoạt động an toàn, hiệu quả.

Vì lợi ích của chính Tổ chức tín dụng

Việc áp dụng phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro cho thấy phương pháp, kỹ thuật nghiệp vụ thanh tra của NHNN đã được đổi mới theo hướng tiếp cận dần với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, bà Nguyễn Phương Nga, Trưởng bộ phận Kiểm toán nội bộ ANZ Việt Nam cho rằng, cần hội đủ những điều kiện nhất định để triển khai thanh tra trên cơ sở rủi ro và những khó khăn, thách thức của thị trường Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Phương Nga, trước đây các NHTW đều áp dụng phương pháp thanh tra tuân thủ, thường tốn nhiều nguồn lực mà hiệu quả lại không cao. Phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro được đánh giá là thông lệ tốt nhất trên thế giới hiện nay và được khuyến nghị áp dụng bởi các nguyên tắc Basel cho hoạt động thanh tra hiệu quả. Phương pháp này không chỉ đem lại lợi ích cho NHTW mà còn góp phần đáng kể nâng cao chất lượng của hệ thống quản trị rủi ro tại các NHTM.

Dưới góc nhìn của kiểm toán nội bộ, ông Victor Ngo, Trưởng Bộ phận Kiểm toán Tập đoàn của UOB Singapore cho rằng, những năm gần đây, nhu cầu quản trị rủi ro đã được công nhận là một phần thiết yếu trong thực hành quản trị DN bền vững.

Việc này đặt các tổ chức dưới áp lực gia tăng của việc nhận diện những rủi ro trong kinh doanh mà họ phải đương đầu và lý giải cách thức mà họ xử lý những rủi ro đó. Bằng việc áp dụng phương pháp kiểm toán dựa trên cơ sở rủi ro, kiểm toán nội bộ có thể đảm bảo với HĐQT hiệu quả của các quy trình quản trị rủi ro; hiệu quả của kiểm toán nội bộ và báo cáo rủi ro…

Đánh giá về thực trạng thực hiện phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro, bà Nguyễn Thị Mai Sương, Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hà Nội cho biết, mặc dù hoạt động thanh tra của Thanh tra NH đối với các Tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố thời gian qua chủ yếu thực hiện theo phương pháp tuân thủ, nhưng NHNN Chi nhánh TP. Hà Nội đã sơ khởi thực hiện phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro. Công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện trọng tâm, trọng điểm, rút ngắn thời gian tìm hiểu, khai thác thông tin của đoàn thanh tra tại chỗ, từ đó nâng cao chất lượng, tính hiệu quả, hiệu lực của công tác thanh tra.

Đồng thời NHNN đã có những cảnh báo, răn đe các Tổ chức tín dụng trong việc phát hiện các rủi ro tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến hoạt động NH, giúp các Tổ chức tín dụng đẩy mạnh công tác quản trị rủi ro.

Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh, trong những năm qua Cơ quan TTGSNH đã bước đầu áp dụng phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro đối với một số Tổ chức tín dụng chi nhánh NH nước ngoài và thu được những kết quả khả quan. Song do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro đối với một số Tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài tại Việt Nam chưa được áp dụng rộng rãi.

Phó Thống đốc cho rằng, trước những yêu cầu tất yếu của thực tiễn, hoạt động của Cơ quan TTGSNH sẽ có nhiều đổi mới, phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro đối với toàn bộ các Tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài tại Việt Nam sẽ sớm được áp dụng rộng rãi.

( trích thời báo ngân hàng)

Share this post