Triển khai Luật Bảo hiểm tiền gửi: Bước chuyển cho một hệ thống tín dụng an toàn

Triển khai Luật Bảo hiểm tiền gửi: Bước chuyển cho một hệ thống tín dụng an toàn

Triển khai Luật Bảo hiểm tiền gửi: Bước chuyển cho một hệ thống tín dụng an toàn

Từ sau khi Luật Bảo hiểm tiền gửi có hiệu lực thi hành ngày 1-1-2013 đến nay, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã triển khai các nhiệm vụ được giao đạt hiệu quả, bảo đảm an toàn vốn, phát huy tối đa nguồn lực hiện có, góp phần duy trì sự ổn định và phát triển an toàn, lành mạnh hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD). Đồng thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, củng cố niềm tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng.

 bao hiem tien gui
Bảo đảm an toàn hệ thống 

Theo Báo cáo của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, ngay sau khi Luật Bảo hiểm tiền gửi có hiệu lực, Ban lãnh đạo Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã chỉ đạo sát sao toàn hệ thống nghiên cứu đề xuất các bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHTG. Kết quả là Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm tiền gửi đã kịp thời ra đời, đẩy nhanh việc triển khai đưa Luật vào cuộc sống. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ra đời đã tạo hành lang pháp lý cho việc hoàn thiện mô hình tổ chức Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng như các cơ chế hoạt động, phát huy công năng của cơ quan này. 

Theo đại diện lãnh đạo của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, trong giai đoạn hiện nay, việc xây dựng các văn bản quản trị – điều hành phù hợp với các văn bản pháp quy của Nhà nước về Bảo hiểm tiền gửi để triển khai trong thực tiễn hoạt động là một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Với số lượng khoảng 40 văn bản cần xây dựng mới, thay thế, đến nay, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã ban hành 15 văn bản, đây là những văn bản quan trọng cần ban hành trước, phục vụ cho quá trình kiện toàn tổ chức bộ máy của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam để từng bước hoạt động ổn định, đạt hiệu quả, là cơ sở để xây dựng các văn bản nghiệp vụ khác. Ngoài ra, dự kiến đến quý II-2016, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ bản hệ thống văn bản quản trị – điều hành để triển khai Luật Bảo hiểm tiền gửi và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Cơ sở pháp lý dần hoàn thiện cũng tạo đà cho các hoạt động về Bảo hiểm tiền gửi được triển khai đầy đủ và sâu rộng. Hiện nay, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đang theo dõi hơn 2,8 triệu tỷ đồng tiền gửi của các cá nhân tại các tổ chức tham gia Bảo hiểm tiền gửi thuộc đối tượng được bảo hiểm. Hơn 1.240 TCTD được cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng thực hiện kịp thời và đầy đủ hoạt động cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia Bảo hiểm tiền gửi cho các tổ chức tham gia Bảo hiểm tiền gửi. Cũng trong giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng bình quân tổng nguồn vốn là 25%/năm. Hiện tổng nguồn vốn đạt hơn 26.500 tỷ đồng, trong đó hơn 99% nguồn vốn đã được đầu tư kịp thời, hiệu quả qua các hoạt động đầu tư: Trái phiếu Chính phủ, tín phiếu NHNN, gửi tiền tại NHNN. Nguồn vốn của bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã được sử dụng một cách an toàn thông qua cơ chế đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi hiệu quả, là nguồn bổ sung tích cực cho quỹ dự phòng nghiệp vụ bên cạnh phí Bảo hiểm tiền gửi. Năm 2015, cũng đánh dấu bước tiến quan trọng của Bảo hiểm tiền gửi với việc tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng từ nguồn tích lũy của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. 

Bên cạnh đó, vai trò giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện thường xuyên và ngày càng liên tục. Giám sát định kỳ được thực hiện theo tháng, quý, năm đối với 100% tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng thực hiện kiểm tra thường xuyên đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, trung bình hằng năm thực hiện kiểm tra đối với hơn 300 lượt đơn vị. Cùng với các đợt kiểm tra đột xuất đối với những tổ chức tham gia Bảo hiểm tiền gửi yếu kém, có dấu hiệu rủi ro, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã kịp thời đề xuất, kiến nghị phương án giải quyết phù hợp hoặc báo cáo NHNN để có những biện pháp xử lý cần thiết giúp các đơn vị phòng tránh rủi ro, có thể dẫn đến đổ vỡ, ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ thống.

Tăng tốc hội nhập

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng hơn với thế giới, BHTG Việt Nam phải đối mặt với không ít khó khăn trong triển khai hoạt động của mình. Với mạng lưới chỉ có sáu chi nhánh khu vực, trong khi đó địa bàn một số khu vực trải rộng, gây nhiều khó khăn trong quản lý. Một số khu vực chưa có chi nhánh Bảo hiểm tiền gửi khu vực, dẫn đến hạn chế nhất định trong việc triển khai chính sách Bảo hiểm tiền gửi đạt hiệu quả. Các thông tin báo cáo từ các tổ chức tham gia Bảo hiểm tiền gửi thường chậm và khó rà soát, kiểm tra, do đó ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng báo cáo giám sát của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Quy định của pháp luật về giải quyết phá sản và thanh lý tài sản còn chưa đầy đủ và đồng bộ. Đồng thời, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng gặp khó khăn trong việc tham gia quản lý, thanh lý và thu hồi tiền từ thanh lý các tổ chức tham gia Bảo hiểm tiền gửi bị phá sản, nhất là các Quỹ tín dụng nhân dân.

Những hạn chế này đang được hóa giải với việc NHNN cùng các cơ quan chức năng xem xét, để có những tháo gỡ chính sách, mở rộng cơ chế hoạt động cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, hiện NHNN đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về hình thức pháp lý nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong tổ chức hoạt động của BHTG. Theo đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là tổ chức tài chính Nhà nước, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. NHNN thực hiện các quyền, nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Ban lãnh đạo NHNN đã chấp thuận cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam mở rộng chi nhánh nhằm phân bổ hợp lý hơn địa bàn cũng như số lượng tổ chức tham tại các chi nhánh, thành lập Phòng tham gia Kiểm soát đặc biệt và Thu hồi tài sản để triển khai chính sách Bảo hiểm tiền gửi đạt hiệu quả hơn. 

Thông tư về cung cấp thông tin giữa NHNN và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng đã được Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng xây dựng xong dự thảo và đang lấy ý kiến của các đơn vị liên quan. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã và đang phối hợp Viện Chiến lược ngân hàng xây dựng Chiến lược phát triển Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, phù hợp với Chiến lược phát triển ngành ngân hàng và là một cấu phần trong chiến lược đó. Chiến lược này sau khi hoàn thành sẽ báo cáo để NHNN trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở cho sự phát triển bền vững của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Ngoài ra, cùng với việc phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng và hợp tác quốc tế, BHTG Việt Nam sẽ có thêm điểm tựa hội nhập cùng hệ thống ngân hàng, trở thành chỗ dựa tin cậy cho người gửi tiền, bảo đảm an toàn tài chính của các tổ chức tín dụng.

(theo nhandan)

Share this post