Vốn trên quê lúa Thái Bình

Vốn trên quê lúa Thái Bình

Vốn trên quê lúa Thái Bình

Doanh số cho vay vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn trên địa bàn Thái Bình giai đoạn 2010 – 2015 đạt gần 77 ngàn tỷ đồng.

Thái Bình vốn là mảnh đất của tam nông. Chính vì thế trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, nông nghiệp nông thôn đóng vai trò quan trọng.

Theo UBND tỉnh Thái Bình, năm 2015, tổng giá trị sản xuất nông – lâm – thủy sản của tỉnh ước đạt gần 24 nghìn tỷ đồng (tăng trên 4% so với năm 2014). Cơ cấu ngành nông nghiệp có chuyển biến theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi và thủy sản.

Phong trào xây dựng cánh đồng mẫu lớn tiếp tục phát triển. Toàn tỉnh có 177 cánh đồng mẫu lớn góp phần đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa… Thúc đẩy thành công của lĩnh vực nông nghiệp nông thôn có sự đóng góp không nhỏ của ngành Ngân hàng Thái Bình.

Vốn trên quê lúa Thái Bình

Vốn tín dụng và hoạt động dịch vụ ngân hàng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội chung, phát triển nông nghiệp nông thôn nói riêng. Cùng với vốn đầu tư của nhà nước, vốn của người dân thì vốn của NH là một trong những nguồn vốn chủ yếu thúc đẩy quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng, giúp các DN, hộ sản xuất nâng cao giá trị sản xuất.

Đồng thời thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, cơ giới hóa nông nghiệp, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng, phát triển ngành nghề và dịch vụ, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chật, tinh thần cho người dân khu vực nông thôn.

Ngành Ngân hàng Thái Bình đã thực hiện kịp thời các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển mạng lưới hoạt động với 469 chi nhánh, phòng giao dịch, điểm giao dịch hoạt động NH tại khu vực nông nghiệp, nông thôn trong tỉnh, chiếm 89,1% tổng số điểm hoạt động NH toàn tỉnh. Doanh số cho vay vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2010 – 2015 đạt gần 77 ngàn tỷ đồng.

Ðến cuối năm 2015, các TCTD đã cho gần 248.000 doanh nghiệp, chủ trang trại, hộ sản xuất, cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới; dư nợ đạt gần 13.500 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so năm 2010, chiếm 31% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn.

Để đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn rất cần nguồn vốn lớn để đầu tư thiết bị máy móc, cơ giới hóa. Theo đó, ngành Ngân hàng Thái Bình đã đầu tư gần 350 tỷ đồng cho trên 5.500 DN, hộ sản xuất, cá nhân vay vốn mua máy móc thiết bị thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp. Thực hiện các chương trình thí điểm liên kết trong sản xuất nông ngiệp.

Một trong những kết quả nổi bật trong đầu tư cho tam nông là hệ thống NH Thái Bình đã đồng hành cùng địa phương trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Các TCTD cho vay 16 dự án xây dựng công trình nước sạch nông thôn với số tiền gần 100 tỷ đồng, tạo điều kiện cho người dân nông thôn sớm được sử dụng nước sạch.

Vốn tín dụng NH cũng đã đầu tư cho gần 215.000 DN, hộ sản xuất, cá nhân khu vực nông thôn, dư nợ gần 11,5 ngàn tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo việc làm, sửa chữa nhà ở… Kết quả đầu tư vốn tín dụng NH đã góp phần giúp cho 1 huyện và 165 xã đạt chuẩn nông thôn mới (19/19 tiêu chí), 98 xã đạt 13-18 tiêu chí vào cuối năm 2015…

Theo TS. Đinh Ngọc Thạch, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình: để việc đầu tư tín dụng lĩnh vực tam nông có hiệu quả, hệ thống NH trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức hội để đẩy mạnh cho vay đến hộ nông dân, hộ nghèo.

Các TCTD tập trung nguồn vốn đáp ứng đầy đủ nhu cầu vay vốn, lãi suất hợp lý và thấp hơn các lĩnh vực khác cho khu vực nông nghiệp nông thôn. Đồng thời tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng vay vốn; Rà soát quy trình, thủ tục phù hợp hơn với thực tiễn nông nghiệp, nông thôn nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng NH phát triển sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, TS. Đinh Ngọc Thạch cho rằng, để khơi thông dòng tín dụng chảy mạnh vào lĩnh vực “tam nông”, ngoài sự nỗ lực của ngành Ngân hàng, cần có sự phối hợp chặt chẽ đồng bộ của các ngành, các cơ quan chức năng của tỉnh, nhất là việc xác định những nhóm ngành, đối tượng ưu tiên đầu tư, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất nông nghiệp, tạo nên sức bật mới đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn Thái Bình.

Những năm qua, kinh tế Thái Bình phát triển tương đối toàn diện, tốc độ tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm tăng bình quân 5 năm (2011-2015) là 8,04%/năm. Năm 2015 tổng sản phẩm đạt 42.796 tỷ đồng, gấp 1,5 lần, bình quân đầu người đạt 30,2 triệu đồng/người, gấp 1,85 lần năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,1% năm 2010 xuống còn 2,5% năm 2015.

( trích thoibaonganhang)

Share this post