Ngân hàng – Điều hành tín dụng theo cách thức mới sẽ linh hoạt và hiệu quả hơn
Điều hành tín dụng theo cách thức mới sẽ linh hoạt và hiệu quả hơn
Vừa qua, tại Hội nghị toàn ngành ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã nói về định hướng điều hành tỷ giá tiến tới điều hành theo cách thức linh hoạt và thị trường hơn. Trong bối cảnh chính sách tỷ giá là một trong những chủ đề được dư luận đang rất quan tâm hiện nay, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề này.
Tỷ giá điều chỉnh hằng ngày
Phóng viên (PV) – Ngày 31-12-2015, NHNN đã ban hành Quyết định số 2730/QĐ-NHNN về việc công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô-la Mỹ, tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam với một số ngoại tệ khác. Phó thống đốc có thể nói rõ hơn về quyết định này?
Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng – Với cách thức điều hành tỷ giá này, Ngân hàng nhà nước vẫn công bố tỷ giá nhưng khác ở chỗ tỷ giá có thể được điều chỉnh lên/xuống hằng ngày. Tỷ giá được điều hành theo hướng linh hoạt hơn, phù hợp với bối cảnh thương mại và đầu tư quốc tế sẽ luân chuyển nhanh hơn, mạnh hơn sau hàng loạt các hiệp định thương mại tự do được ký kết. Tỷ giá trung tâm được xác định trên cơ sở tham chiếu diễn biến tỷ giá bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ. Tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô-la Mỹ do Ngân hàng nhà nước công bố hằng ngày là cơ sở để các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép thực hiện hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối xác định tỷ giá mua, tỷ giá bán của đồng Việt Nam với đô-la Mỹ. Cách thức điều hành tỷ giá mới cho phép tỷ giá biến động linh hoạt hằng ngày theo diễn biến cung cầu ngoại tệ trong nước, biến động trên thị trường thế giới, nhưng vẫn bảo đảm vai trò quản lý của Ngân hàng nhà nước theo định hướng điều hành chính sách tiền tệ
Phóng viên (PV) – NHNN sẽ điều hành và có biện pháp để ổn định thị trường như thế nào?
Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng – Hiện tại đã là thời điểm hội tụ đủ các điều kiện bên trong và bên ngoài để Ngân hàng nhà nước đưa ra một cơ chế điều hành tỷ giá hối đoái mới. Mục tiêu thứ nhất là phục vụ cho tiến trình hội nhập của Việt Nam. Thứ hai là chúng ta tiếp tục tiến trình đẩy mạnh chống đô-la hóa nền kinh tế và thông qua đó tăng cường hiệu lực về chính sách tiền tệ trong việc phục vụ tăng trưởng kinh tế cũng như ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian tới. Với tâm lý găm giữ ngoại tệ cũng như các trường hợp đầu cơ liên quan tới tỷ giá trong thời gian gần đây, thì việc điều hành cơ chế tỷ giá mới sẽ giúp giảm được mức độ kỳ vọng quá mức vào việc phá giá hay nỗ lực để giữ tỷ giá như thời gian qua. Quan trọng hơn nữa là tạo nền tảng ổn định của đồng tiền Việt Nam, tăng niềm tin trong việc sử dụng, tích trữ bằng đồng Việt Nam thay vì ngoại tệ như trước đây. Việc công bố tỷ giá trung tâm là bước đi tiếp theo trong các biện pháp đồng bộ được Ngân hàng nhà nước thực hiện nhằm mục tiêu xuyên suốt là nâng cao vị thế của đồng Việt Nam, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Quan điểm điều hành chính sách tỷ giá của NHNN vẫn luôn nhất quán và kiên định. Công tác xác định và công bố tỷ giá trung tâm được Ngân hàng nhà nước cân nhắc kỹ lưỡng, bảo đảm yếu tố linh hoạt, nhưng vẫn quản lý theo đúng chế độ tỷ giá thả nổi có sự quản lý của Nhà nước đã được xác định tại các văn bản về quản lý ngoại hối hiện hành.
Chủ động công cụ chính sách tiền tệ
Phóng viên (PV) – Thực hiện cách thức điều hành tỷ giá mới, như vậy tương quan giữa đồng Việt Nam với đô-la Mỹ sẽ được định vị như thế nào?
Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng – Nếu như trước đây, tỷ giá thường xuyên biến động, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của các nhà đầu tư thì từ cuối năm 2011 đến nay, thị trường ngoại hối và tỷ giá đã cơ bản ổn định, thị trường ngoại tệ tự do bị thu hẹp. Thanh khoản thị trường tốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Vai trò dẫn dắt điều phối thị trường của Ngân hàng nhà nước ngày càng thể hiện rõ. Tại một số thời điểm, tỷ giá và thị trường ngoại tệ có xáo trộn chủ yếu do yếu tố tâm lý và đã nhanh chóng ổn định sau các biện pháp điều hành đồng bộ của Ngân hàng nhà nước. Tỷ lệ giữa tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán giảm từ mức 16% năm 2011 đến nay còn khoảng 11%. Nhờ tỷ giá ổn định, tình trạng đô-la hóa trong nền kinh tế giảm, Nhân hàng nhà nước đã mua được lượng lớn ngoại tệ để tăng mạnh dự trữ ngoại hối Nhà nước, góp phần tăng tiềm lực tài chính và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Việc điều hành tỷ giá hằng ngày sẽ phản ánh sát hơn các diễn biến của thị trường cả trong nước và quốc tế. Qua đó giúp Ngân hàng nhà nước chủ động hơn trong việc ứng biến với các biến động của thị trường, ảnh hưởng tới tỷ giá của thị trường Việt Nam.
Phóng viên (PV) – Vậy quan điểm và định hướng điều hành tỷ giá trong thời gian tới sẽ ra sao?
Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng – Việc điều hành tỷ giá mới chắc chắn là sẽ linh hoạt, chủ động hơn, đồng thời phản ánh các nguyên tắc thị trường hơn so với trước đây chúng ta cố định trong thời gian khá dài, tỷ giá hối đoái liên ngân hàng đó chưa phải là tỷ giá thực tế. Khi công bố tỷ giá trung tâm cũng như cách xác định tỷ giá đó chúng ta cũng đưa thêm biện pháp, công cụ để làm sao tỷ giá trung tâm chúng ta công bố tạo ra hiệu lực và khả năng chúng ta có thể can thiệp để tăng cường hiệu lực, hiệu quả về chính sách tiền tệ nói chung cũng như điều hành tỷ giá hối đoái nói riêng trên thị trường tiền tệ Việt Nam. Do vậy, chúng ta sẽ bổ sung các công cụ nghiệp vụ (kể cả các công cụ phái sinh) để chuyển hẳn quan điểm quản lý ngoại hối của Việt Nam từ quan hệ tín dụng trước đây sang quan hệ mua bán trực tiếp đồng ngoại tệ nói chung, cũng như đồng đô-la Mỹ, giảm được mức độ đô-la hóa nền kinh tế. Để chống găm giữ, đầu cơ thì đi đôi với tỷ giá hối đoái là các chính sách về quản lý ngoại hối, làm sao giảm vai trò, hoạt động của thị trường ngoại hối phi chính thức-còn gọi là thị trường ngoại hối đen, chuyển hoạt động mua bán ngoại tệ vào hệ thống chính thức, giúp cho việc đầu cơ, găm giữ, sử dụng ngoại tệ một cách không hợp lý trên thị trường sẽ giảm đi rất nhiều.
( trích quandoinhandanonline)