Xử lý nợ xấu chưa thực chất

Xử lý nợ xấu chưa thực chất

Xử lý nợ xấu chưa thực chất

Xử lý nợ xấu chưa thực chất

Tiếng nói của các cựu Thống đốc đã chung tiếng nói với Chính phủ khi ngày 21/3, ngay tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 11, báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá “việc xử lý nợ xấu chưa thực chất

Vào thời điểm kết thúc một “nhiệm kỳ” của xử lý nợ xấu, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy xuất hiện trở lại sau thời gian vắng bóng. Những phát ngôn của ông, thoạt nghe, tưởng đó khen.

Hội thảo Công bố báo cáo tổng quan về Thị trường tài chính 2015 do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia vừa tổ chức hồi trung tuần tháng 3, cựu Thống đốc Thúy nói, “kinh doanh ngân hàng luôn có nợ xấu. Nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng của chúng ta vẫn đang được duy trì dưới 3%, một tỷ lệ lý tưởng”.

Liền ngay sau đó, ông Thúy bày tỏ hoài nghi tính chính xác đối với tỷ lệ dưới 3% mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra, rằng, “chúng ta cũng biết Việt Nam đánh giá nợ xấu dưới 3% có lẽ chưa theo chuẩn mực của thế giới”.

Cũng một cách nói thoạt nghe tưởng là khen, cựu Thống đốc Nguyễn Văn Giàu trong Kỳ họp QH diễn ra cuối năm ngoái, khi nói về nợ xấu, cho rằng “cả thế giới phải đến Việt Nam để học cách xử lý nợ xấu”.

Ở cương vị là Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, phân tích lý do vì sao cả thế giới phải đến Việt Nam học, ông Giàu dẫn ra con số trong Báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội trước Quốc hội Kỳ 10, tháng 10/2015, của Thủ tướng Chính phủ, tính tới tháng 9.2015, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống được kéo giảm từ mức 17,4% tổng dư nợ (thời điểm tháng 9.2012) xuống còn 2,9%.

“Giảm quá nhanh, giảm đến mức độ người ta nghi ngờ. Vậy là ở đây có vấn đề, nợ xấu được “chế biến” hay đúng sự thật như vậy?”, cựu Thống đốc đặt câu hỏi.

Nợ xấu là vấn đề được nổi lên bắt đầu từ nhiệm kỳ 13 của Chính phủ (2011- 2016) và càng về những năm sau nó càng trở nên “bí hiểm”.

Cựu Thống đốc Giàu nêu lên thời kỳ khá ổn định của nợ xấu theo các báo cáo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các năm 2007 là 1,5%; 2008 là 2,17%, 2009 là 2,05%; 2010 là 2,17%. Sang năm 2011 là 3,07%, 2012 là 4,08%, 2013 là 3,61% và năm 2014 là 3,25%.

Nhưng điều khác thường là theo báo cáo của Chính phủ ngày 17/10/2015 về kết quả tái cơ cấu nền kinh tế, liên quan đến nợ xấu, báo cáo này cho biết tỷ lệ nợ xấu đạt mức cao nhất là 4,94% vào tháng 9/2012, đến tháng 10/2013 là 4,5%, còn dưới 3,3% vào cuối năm 2014 và đến tháng 9/2015 còn dưới 3%.

Còn theo báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, 20/10/2015 thì nợ xấu giảm từ 17,43% năm 2012, đến tháng 9/2015, còn 2,9%.

Số liệu nợ xấu, bao nhiêu mới là đáng tin?

Cũng phát biểu rất nhiều lần ở Nghị trường, cựu Thống đốc Cao Sỹ Kiêm nhấn mạnh “một thực trạng rất cần được nhìn thẳng trong hoạt động của hệ thống ngân hàng hiện nay là nợ xấu”.

Ông Kiêm khẳng định nếu còn chạy theo thành tích, cố tình che đậy biến đẹp thành xấu, nợ xấu còn đeo đẳng trong nhiều năm.

Vào thời điểm năm 2012, thời điểm cao trào của nợ xấu, cựu Thống đốc Lê Đức Thúy khuyến cáo, “lúc này là lúc cần tỉnh táo, cần cái đầu bớt nóng để cứu nền kinh tế khỏi nợ xấu, để con tàu tăng trưởng thoát khỏi nguy cơ bị chìm”.

“Nợ xấu không thể tháo gỡ hết ngay lập tức. Tuy nhiên cần bắt tay vào giải quyết nợ xấu một cách thực chất, với một quyết tâm chính trị cao và chấp nhận cái giá thỏa đáng phải trả sẽ cứu được nền kinh tế. Còn nếu cứ để nhập nhằng như hiện nay, thì rất khó”.

Một năm sau đó, ông Thúy thấy rằng, “là người làm ngân hàng nhiều năm, nay về hưu, nói thật đến tôi cũng băn khoăn nợ xấu thực chất là bao nhiêu. Có vẻ không phải như những con số chính thức được công bố. Chừng nào chưa nhìn thấy con bệnh bệnh tình ra sao thì chưa thể chữa được”.

Năm 2013, cũng là năm công ty mua bán nợ xấu (VAMC) ra đời và bắt đầu mua những khoản nợ đầu tiên. Ngay từ khi “mở mắt”, nó đã vấp phải những “dự báo” đây là cách đế các cơ quan chức năng lập thành tích…ảo, chứ không giải quyết được gì.

Bởi hoạt động của công ty này chỉ giải quyết về mặt kỹ thuật là nhấc nợ xấu ra khỏi bảng cân đối kế toán trong khi bản chất, nợ xấu đó vẫn chưa thu hồi được, chưa giúp ngân hàng lẫn doanh nghiệp cải thiện tình hình tài chính.

Thực tế không chỉ các cựu Thống đốc thấy tâm tư về nợ xấu mà cả giới chuyên gia cũng như đại biểu QH đến các nhà quản lý đều như vậy.

“Mục tiêu đưa nợ xấu toàn ngành ngân hàng về 3% đã được hiện thực hóa vào cuối năm 2015 và dường như việc này không quá khó đối với các nhà băng”, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu bình luận, “tuy nhiên, đó chỉ mới là làm đẹp trên sổ sách, còn thực tế, nợ xấu vẫn chưa được giải quyết và quá trình xử lý khá chậm chạp”.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên họp ở tổ của các đại biểu QH trong Kỳ họp QH cuối năm ngoái, rằng, nợ xấu đang “rất xấu” là vấn đề trầm trọng của nền kinh tế vì tỷ lệ lớn và tăng nhanh nhưng việc giải quyết nợ xấu chưa triệt để, mà chỉ “lấy chỗ này gom vào chỗ kia , “xúc” từ các tổ chức tín dụng sang VAMC”.

Theo ông Bình, “thực tế khi VAMC mua nợ xấu của các ngân hàng được công nhận là “sạch” nhưng theo chuyên gia lại là “xấu hơn nợ xấu” do nợ xấu xuất phát từ khả năng quản trị, tiêu cực trong hoạt động, tạo ra cho ngân hàng bộ mặt “sạch ảo” để chuẩn bị cho việc làm phát sinh “nợ xấu” mới mà khả năng là lớn hơn”.

Trong một báo cáo vừa được công bố, Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, nợ xấu năm 2015 là 119.660 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 2,9% (năm 2014 là 3,7%), giá trị tuyệt đối khoảng 120.000 tỷ đồng.

Nhưng nợ xấu bán cho VAMC hiện đã là 243.000 tỷ đồng, gấp đôi số nợ xấu hạch toán trên sổ sách của ngân hàng. Nợ bán cho VAMC các ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro khiến gánh nặng tài chính thêm đè nặng.

Ủy ban này nhận định, nợ xấu tiếp tục là gánh nặng, nếu không có thêm cách giải quyết ngoài giải pháp hiện tại thì đây vẫn sẽ là điểm nghẽn lớn của hệ thống ngân hàng trong năm 2016.

( trích cafef)

Share this post