Ngân hàng lãi lớn, tại sao cổ tức vẫn “bèo”?
Ngân hàng lãi lớn, tại sao cổ tức vẫn “bèo”?
Mặc dù nhiều ngân hàng đã công bố lợi nhuận sau thuế năm 2015 tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng và vượt kế hoạch đề ra nhưng mức chi trả cổ tức cho cổ đông vẫn bèo.
Cổ tức bèo bằng cổ phiếu
Trong khi thị giá cổ phiếu ngân hàng đang xuống thấp, vẫn lình xình quanh mức 10.000 – 20.000 đồng/cổ phiếu, riêng cổ phiếu của ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) vẫn giữ được mức giá khủng trong khối khi xoay quanh mức 35.000 – 45.000 đồng/cổ phiếu.
Nhiều ngân hàng nhỏ khác chưa lên sàn có thị giá đa phần dưới mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu) như cổ phiếu OCB, Saigonbank, SCB, NamABank, Saigonbank, ABBank…
Hoạt động ngân hàng trong giai đoạn tái cấu trúc từ 2011 – 2015 gặp nhiều khó khăn, nợ xấu tăng mạnh, trích lập dự phòng rủi ro “ăn mòn” lợi nhuận của các ngân hàng, có ngân hàng trích đến 2/3 số lợi nhuận kiếm được như ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) trong năm 2015. Điều này khiến cho lợi nhuận còn lại chia cho cổ đông khá thấp khiến nhiều cổ đông bức xúc.
Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) dự kiến chia cổ tức ở mức 3,9% năm 2015. Lãi ròng của ABBank năm 2015 ở mức 88 tỷ đồng, lợi nhuận còn lại dành chia cổ tức là 74 tỷ đồng.
Tại đại hội đồng cổ đông năm 2015 của ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) mới đây, cổ đông của ngân hàng này đã thắc mắc tại sao Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý lại can thiệp sâu vào hoạt động của ngân hàng đến vậy. NamABank là công ty cổ phần thì việc chia cổ tức là do cổ đông quyết định chứ không phải Ngân hàng Nhà nước. Chính việc chia cổ tức thấp trong những năm qua đã khiến cổ đông rất nản.
Năm 2015, NamABank cũng thực hiện chia cổ tức 5% bằng cổ phiếu cho cổ đông với tổng số tiền dành chia cổ tức là 150,4 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) năm 2015 và năm 2016 dự kiến chia cổ tức 10% bằng cổ phiếu. Lãi ròng năm 2015 của ACB là 1.028 tỷ đồng, lợi nhuận dành chia cho cổ đông là 811 tỷ đồng.
Tiếp tục hành trình chia cổ tức bằng cổ phiếu, năm 2015, VPBank sẽ thực hiện chia cổ tức 13,07% bằng cổ phiếu sau khi ghi nhận 2.395 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, và lợi nhuận dành chia cổ tức là 1.651 tỷ đồng.
Cổ đông của ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank) cũng chưa biết sẽ nhận được mức cổ tức được chia năm 2105 là 5,3% bằng cổ phiếu hay tiền mặt vì còn chờ Ngân hàng Nhà nước chấp thuận phương án tiền mặt hay cổ phiếu.
Tiền mặt cũng chỉ 10%
Vietcombank là ngân hàng Top đầu, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này đạt 5.208 tỷ đồng, nhưng số tiền dành chia cổ tức chỉ khoảng 2.665 tỷ đồng.
Đặc biệt, Vietcombank trích lập Quỹ khen thưởng phúc lợi rất lớn tới 957 tỷ đồng, tương đương 18,5% lợi nhuận phân phối, trong khi nhiều ngân hàng chỉ trích lập quỹ này từ 1% – 5%.
Do vậy, mức cổ tức chia cho cổ đông năm 2015 cũng chỉ ở mức 10% tiền mặt. Năm 2016 cũng dự kiến tối đa bằng mức này.
Để bù lại và cũng nằm trong quá trình tăng vốn điều lệ của ngân hàng, năm nay cổ đông Vietcombank sẽ được nhận thêm 35% cổ phiếu thưởng (100 cổ phiếu được nhận thêm 35 cổ phiếu mới phát hành) khi ngân hàng tăng vốn điều lệ từ mức 26.650 tỷ đồng lên mức 35.977 tỷ đồng.
Trong tờ trình phân phối lợi nhuận năm 2015 của ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) mức chia cổ tức năm 2015 là 4,5%, cổ đông sẽ nhận được 450 đồng/cổ phiếu, đây là mức cổ tức trong đà giảm của OCB những năm gần đây.
Năm 2015, lãi ròng của OCB là 209 tỷ đồng. Lợi nhuận còn lại của cổ đông năm 2015 là 176,2 tỷ đồng. OCB chi gần hết số tiền kiếm được là 175,3 tỷ đồng chia cổ tức cho cổ đông,
Hiện OCB đã tăng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng từ mức 3.547 tỷ đồng, mới hoàn thành vào ngày 26/2/2016. Số vốn tăng thêm là 453 tỷ đồng, tương đương 45,3 triệu cổ phiếu.
Nhưng số vốn điều lệ nhận cổ tức năm 2015 là trên 3.897 tỷ đồng, tương ứng với trên 389,7 triệu cổ phiếu.
So với vốn điều lệ cuối năm 2015, thì có thêm 350 tỷ đồng (tương ứng 35 triệu cổ phiếu) nhận cổ tức năm 2015.
Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank) có lợi nhuận sau thuế năm 2015 ở mức 349,8 tỷ đồng, sau khi trích lập các quỹ thì lợi nhuận còn lại chia cho cổ đông là 258,4 tỷ đồng.
Ngân hàng này chia cổ tức năm 2015 là 5%, trong đó đã tạm ứng 3% vào tháng 1/2016, còn lại 2% chờ trình Ngân hàng Nhà nước phê duyệt với tổng số tiền để chia cổ tức cho cổ đông là 129,2 tỷ đồng.
Nếu Ngân hàng Nhà nước thông qua phương án chia lợi nhuận 5% của LienVietPostBank thì ngân hàng này không còn đồng nào trong lợi nhuận chưa phân phối.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát ngân hàng TP.HCM phát biểu tại đại hội đồng cổ đông ACB cho biết, hệ thống ngân hàng đang tiếp tục tái cơ cấu và sẽ có ngân hàng không chia cổ tức để tăng năng lực tài chính. Thực tế có ngân hàng 03 năm liền không chia cổ tức, có những ngân hàng chỉ chia 3% – 5%.
Vấn đề về quyền của cổ đông cũng được Điều 59, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi, bổ sung quy định rõ việc chia cổ tức là của đại hội đồng cổ đông ngân hàng. Tuy nhiên, việc Ngân hàng Nhà nước quyết định vấn đề chia cổ tức của các ngân hàng thương mại cổ phần là để đảm bảo an toàn cho hoạt động của ngân hàng, ông Dũng giải thích.
( trích stockbiz)