Tiền di động sức bật mới trong thanh toán không tiền mặt
Đầu tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money). Hiện các nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone đã và đang hoàn thiện hồ sơ để xin cấp phép thí điểm dịch vụ Mobile Money.
Thanh toán số không để ai bị bỏ lại
Thực tế, những năm gần đây, thanh toán điện tử đang ngày càng trở nên phổ biến, mang lại nhiều tiện ích cho người dân. Tuy nhiên, để sử dụng được các dịch vụ thanh toán điện tử hiện hữu, người dùng phải có tài khoản ngân hàng và cho đến nay, cả nước mới chỉ có khoảng gần 70% số dân trưởng thành đáp ứng được điều kiện này. Trong khi đó, độ phủ sóng mạng di động tại Việt Nam hiện ở mức 99,8% dân số với gần 130 triệu thuê bao di động. Điều này cho thấy, ngay khi Mobile Money được thí điểm triển khai thì gần như 100% người dân đều có thể tiếp cận được với dịch vụ tài chính số, thông qua hình thức thanh toán bằng tài khoản viễn thông.
Đánh giá lợi thế của Mobile Money so với các hình thức thanh toán điện tử hiện hữu, ông Vũ Thành Trung – Giám đốc khối ngân hàng số MB cho rằng, việc đăng ký sử dụng dịch vụ thanh toán di động mà không cần có tài khoản ngân hàng sẽ khiến nhiều người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa tiếp cận được với kênh thanh toán không dùng tiền mặt.
Khảo sát của MB khi cùng với Viettel Pay xây dựng kế hoạch thí điểm Mobile Money cho thấy, tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt tại các chuỗi cửa hàng bán lẻ hiện đại vẫn chiếm tới gần 80%. Hầu hết người dân cho rằng, việc bắt buộc phải có tài khoản ngân hàng để kết nối là một rào cản khiến họ chưa thể tham gia thanh toán bằng các hình thức điện tử.
Tại Viettel, trong một khảo sát thực hiện tại các điểm thu phí đỗ xe ô tô tại Hà Nội và TP.HCM cho thấy, 94% người dùng sẽ chọn thanh toán bằng tài khoản viễn thông nếu hình thức này được triển khai. Với nền tảng nhà mạng viễn thông có số lượng thuê bao lớn nhất hiện nay, Viettel tự tin có thể vận hành hệ thống Online Charging System (tương đương hệ thống core ngân hàng) và đưa khoảng 60 triệu thuê bao di động tham gia thanh toán điện tử. Trong vòng 3 năm tới, với hơn 200.000 điểm cung cấp dịch vụ và khoảng 20.000 nhân sự phục vụ, chăm sóc người dùng đến tận thôn, xóm, Viettel kỳ vọng sẽ có khoảng 30% – 50% thuê bao di động sử dụng Mobile Money.
Một nhà mạng viễn thông khác là VNPT cũng có sự tự tin không kém trong việc triển khai Mobile Money. Ông Nguyễn Sơn Hải – Phó tổng giám đốc Tổng công ty Truyền thông VNPT cho rằng, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định cho phép thí điểm Mobile Money, doanh nghiệp này đã gửi hồ sơ lên NHNN để đề nghị được triển khai thí điểm. Đến hiện tại VNPT đã chuẩn bị xong các khâu về hạ tầng kỹ thuật, các phương án quản lý và quy trình nghiệp vụ đối với tiền di động.
Bên cạnh đó ví điện tử VNPTPay của tập đoàn này cũng đã xây dựng và liên kết được một hệ thống lớn khoảng 100.000 điểm chấp nhận thanh toán và đang không ngừng mở rộng về cả phạm vi và số lượng. Do vậy, ngay khi triển khai thì hầu như toàn bộ hệ thống điểm giao dịch của VNPT và các đối tác cũng như gần 200.000 điểm kinh doanh dịch vụ cá nhân và hộ gia đình… sẽ có thể lập tức chuyển đổi thành các điểm giao dịch Mobile Money đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng.
Thúc đẩy giao dịch điện tử tại nông thôn
Từ khía cạnh đầu tư và mở rộng mạng lưới, TS. Đoàn Bảo Huy – Đại học RMIT nhận định rằng, khi các doanh nghiệp viễn thông triển khai cung cấp dịch vụ Mobile Money thì phân khúc thị trường khách hàng ở các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa sẽ là phân khúc chủ đạo. Các doanh nghiệp fintech đang sở hữu các ví điện tử rất có thể sẽ tranh thủ cơ hội hợp tác với các nhà mạng để gia tăng doanh thu và mở rộng hoạt động. Bởi các fintech sở hữu ví điện tử đã có kinh nghiệm cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán sẽ hỗ trợ các nhà mạng thiết kế tính năng Mobile Money dễ dùng và thân thiện với người dùng hơn. Khi người dùng Mobile Money nhận thấy được tiện ích của thanh toán không tiền mặt và muốn nâng cao trải nghiệm của mình thông qua các dịch vụ khác, họ sẽ có động lực để tạo tài khoản ngân hàng và tiếp cận các dịch vụ thanh toán đa chức năng hơn như ví điện tử và từ đó fintech sẽ được hưởng lợi.
Theo các chuyên gia tại Diễn đàn ngân hàng số (Digibank.vn), khi các nhà mạng viễn thông tham gia vào lĩnh vực Mobile Money thì những rào cản về khoảng cách địa lý sẽ được xóa bỏ, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt sẽ len lỏi vào mọi ngóc ngách nhỏ nhất trong xã hội, từ chi phí đi lại, ăn uống, gửi xe… đến các thanh toán dịch vụ giáo dục, y tế. Việc triển khai tiền di động cũng sẽ tạo ra nền tảng tối ưu để thực hiện hiệu quả các chương trình xã hội, hỗ trợ cộng đồng.
Đặc biệt hơn, trong bối cảnh hiện tại giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam (ở cả thành thị và nông thôn) mặc dù có tốc độ phát triển nhanh nhưng chủ yếu vẫn sử dụng phương thức thanh toán Ship-COD (thanh toán bằng tiền mặt tại nơi nhận hàng) thì khi tiền di động phát triển mạnh và người dân quen dùng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ phương thức chuyển tiền qua điện thoại. Khi đó, người dân ở các thành thị mua sắm trực tiếp các mặt hàng nông sản, thủy sản chất lượng tại nguồn sẽ dễ dàng thanh toán hơn. Người nông dân cũng sẽ đa dạng hóa được kênh bán hàng, kênh thanh toán và chủ động hơn về đầu ra cho sản phẩm nông sản, thủy sản và hàng thủ công mỹ nghệ.
Triển khai hiệu quả cần sự phối hợp liên bộTheo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, hiện nay NHNN đã sẵn sàng cấp phép cho các doanh nghiệp muốn triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money. Việc nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào chính doanh nghiệp viễn thông. Sau 2 năm triển khai thí điểm NHNN sẽ xem xét, xây dựng và ban hành quy định pháp lý chính thức cho hoạt động cung ứng dịch vụ Mobile Money tại Việt Nam.
Để triển khai hiệu quả việc thí điểm dịch vụ Mobile Money, theo Phó Thống đốc cần có sự phối hợp của tất cả các bên liên quan. Theo đó, về phía quản lý nhà nước, các bộ, ngành như Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an cần phối hợp chặt chẽ với NHNN trong việc thẩm định, cấp phép, thanh tra, kiểm tra, giám sát theo đúng quy định tại Quyết định 316/2021 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt phối hợp trong việc hoàn thiện chính sách về dịch vụ Mobile Money sau 2 năm thí điểm. Đối với doanh nghiệp viễn thông, cần xây dựng ứng dụng an toàn, thuận tiện, dễ sử dụng; xây dựng hệ thống các điểm kinh doanh trên toàn quốc, trong đó ưu tiên triển khai thí điểm tại các địa bàn thuộc khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đối với các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, cần chủ động chuẩn bị phương tiện chấp nhận rộng rãi phương thức thanh toán Mobile Money với chi phí hợp lý. Trong khi đó, về phía người dùng cần thấy rõ lợi ích khi sử dụng phương thức thanh toán này trên cả khía cạnh lợi ích tài chính và tính thuận tiện trong sử dụng. Theo Phó Thống đốc việc tuyên truyền rộng rãi hoạt động thí điểm Mobile Money trong cộng đồng cũng như tăng cường giáo dục tài chính để nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng dịch vụ tài chính đối với người dân khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa cũng là hoạt động cần được triển khai liên tục nhằm tăng hiệu quả của hình thức thanh toán này trong các năm 2021-2022. |
Nguồn: Đỗ Cường – Thời báo ngân hàng