Tín dụng tăng mạnh tạo sức ép lên huy động vốn
Cho dù theo các nhà băng, thanh khoản luôn được giữ ổn định và tăng trưởng tốt, song cạnh tranh về huy động tiền gửi tiết kiệm đang tăng dần ở thời điểm cuối năm.
Chẳng hạn, MB, Sacombank, ACB, Vietinbank tăng trưởng huy động vốn tính đến cuối tháng 9/2015 lần lượt tăng 4%, 12,8%, 9,5%, 10,5% so với đầu năm 2015. Trong khi đó, dư nợ tín dụng của các nhà băng này lại tăng khá cao thời gian qua, lần lượt tăng 13%, 13,8%, 12,8% và 13,5%.
Tăng trưởng tiền gửi thấp hơn so với tín dụng đã khiến cho cuộc đua huy động vốn cuối năm dần nóng hơn, với việc các ngân hàng nâng lãi suất đầu vào cũng như tăng cường đưa ra các chương trình khuyến mãi nhằm thu hút khách hàng gửi tiết kiệm. Mức lãi suất cao nhất thuộc về các nhà băng quy mô nhỏ, với 7,6%/năm cho kỳ hạn 15 tháng, trong khi mức bình quân vẫn duy trì ở 6,5-7%/năm cho các kỳ hạn 9-13 tháng.
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm của ngân hàng đã tăng nhẹ thời gian qua và dự báo sẽ chưa dừng trong những tháng còn lại của năm, đặc biệt là khi bất động sản ấm lên sẽ hút phần nào tiền gửi tiết kiệm.
Bên cạnh đó, các nhân viên giao dịch của ngân hàng chịu áp lực chỉ tiêu huy động trở lại để đáp ứng nhu cầu vốn tăng cao của khách hàng trong mùa kinh doanh cuối năm. Giám đốc chi nhánh một ngân hàng cho biết, cách đây hơn 1 năm, Ngân hàng không cần áp chỉ tiêu huy động tiền gửi tiết kiệm đối với các nhân viên giao dịch và chăm sóc khách hàng. Chỉ tiêu kinh doanh chỉ được áp dụng cho các nhân viên phòng tín dụng, do khoảng 1 năm trước tín dụng tăng trưởng khó khăn.
Thế nhưng, trong thời gian từ giữa năm 2015 đến nay, tín dụng cải thiện dần khi mặt bằng lãi suất giảm nên Ngân hàng phải áp chỉ tiêu huy động để ổn định thanh khoản, đẩy mạnh vốn cho vay, tăng doanh thu. Bởi hoạt động tín dụng là nguồn thu đóng góp lớn nhất (đến 90%) vào tổng lợi nhuận của các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay.
Chị Trần Minh Vy đang công tác tại Quận 1 (TP. HCM) cho biết, lâu nay nhân viên ngân hàng chỉ gọi điện mời vay vốn mua nhà, tiêu dùng lãi suất thấp, nhưng gần đây bắt đầu có nhân viên mời gửi tiết kiệm lãi suất hấp dẫn.
Theo chị Vy, trong ngày cuối tuần vừa qua, chị có nhận được điện thoại từ nhân viên của một ngân hàng chào gửi tiết kiệm lãi suất 7,4%/năm cho kỳ hạn 15 tháng (nếu gửi tiết kiệm online) và 7,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng áp dụng cho sản phẩm tiết kiệm thông thường. Bên cạnh đó, khi gửi tiết kiệm, nhà băng này còn kèm theo quà tặng khuyến mãi.
Mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm trên được đánh giá là khá hấp dẫn trong bối cảnh lạm phát thấp. Tuy nhiên, so với 1 năm trước thì hiện nay, lãi suất tiền gửi VND đã giảm khá sâu. Theo nhận định của các chuyên gia tài chính – tiền tệ, mặt bằng lãi suất tiền gửi đầu vào khó có thể giảm thêm so với mức hiện nay, cho dù lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, lãi suất đầu vào khó giảm khi nhu cầu vốn của khách hàng tăng và tín dụng dần được cải thiện. Đáng chú ý là thị trường bất động sản được đánh giá ấm dần trong thời gian tới khiến lãi suất đầu vào không những không giảm mà sẽ còn nhích lên.
Thực tế, lãi suất tiền gửi tiết kiệm của ngân hàng đã tăng nhẹ thời gian qua và dự báo sẽ chưa dừng trong những tháng còn lại của năm, đặc biệt là khi bất động sản ấm lên sẽ hút phần nào tiền gửi tiết kiệm. Phó Tổng giám đốc OCB ông Trương Đình Long cho hay, việc khách hàng rút tiền gửi tiết kiệm mua nhà là có, bởi mặt bằng lãi suất và giá bất động sản hiện nay đã phù hợp hơn so với trước đây. Cũng vì vậy, khách hàng không chỉ rút tiền tiết kiệm mà nhu cầu vay vốn mua nhà, tiêu dùng cũng gia tăng. Đồng thời, khách hàng doanh nghiệp sử dụng vốn vay nhiều hơn vào cuối năm.
Ngoài ra, áp lực tỷ giá tăng thời điểm cuối năm, nhất là trước dự báo khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất cơ bản đồng USD trong tháng 12 tới sẽ tác động lên dòng tiết kiệm VND. Số liệu từ Cục Thống kê TP. HCM cho thấy, huy động vốn của các NHTM trên địa bàn đến đầu tháng 10/2015 tăng 2,8% so với tháng trước đó và tăng 19,4% so với tháng cùng kỳ. Nhưng trong đó, vốn huy động bằng USD tăng cao hơn so với VND. Cụ thể, vốn huy động bằng ngoại tệ chiếm 16% trong tổng vốn huy động, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước. Vốn huy động bằng VND chiếm 84% tổng vốn huy động, tăng 18,7% so với tháng cùng kỳ năm 2014.
Đây cũng là một trong những lý do khiến các NHTM chạy đua trong huy động tiền gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP. HCM, thanh khoản của ngân hàng vẫn tốt. Lãi suất tiết kiệm tăng nhẹ chỉ là hiện tượng nhất thời.