Ngân hàng – nguồn vốn ngoại mạnh như 10 năm trước
Nguồn vốn ngoại vào Việt Nam có thể mạnh như 10 năm trước
Ngân hàng nhà nước cho biết sẽ ban hành cơ chế điều hành tỷ giá mới, theo ông, cơ chế mới sẽ có khác biệt nhiều so với cơ chế điều hành cũ từ năm 2011 đến nay không?
Theo thông tin mà chúng tôi nhận được qua các phương tiện báo chí và qua các cuộc họp với Ngân hàng nhà nước thì chúng tôi cũng hiểu rằng, cơ chế điều hành tỷ giá mới trong năm 2016 cũng có một số khác biệt cơ bản so với chính sách điều hành của năm 2015.
Sự khác biệt cơ bản ở đây là tỷ giá sẽ có sự thông báo tỷ giá liên ngân hàng trong ngày và duy trì biên độ giao dịch hàng ngày. Cơ chế điều hành tỷ giá mới sẽ chuyển sang cơ chế thông báo hàng ngày và tỷ giá hàng ngày sẽ căn cứ vào cung cầu trong nước cũng như tình hình biến động của tỷ giá quốc tế.
Tôi cho rằng, việc điều hành tỷ giá hàng ngày này sẽ phản ảnh sát hơn các diễn biến của thị trường kể cả trong nước và quốc tế và giúp cho Ngân hàng nhà nước chủ động hơn trong việc ứng biến với các biến động của thị trường trong nước và quốc tế ảnh hưởng tới tỷ giá của thị trường Việt Nam.
Cơ chế mới sẽ mang lại những lợi ích gì, theo ông?
Rõ ràng với cơ chế điều hành tỷ giá mới, việc chúng ta theo dõi sát biến động hàng ngày và điều chỉnh tỷ giá hàng ngày sẽ giúp chúng ta phản ứng nhanh hơn với biến động của thị trường.
Trước đây, chúng ta có thể để tỷ giá bình quân liên ngân hàng duy trì trong khoảng thời gian một hoặc vài tháng tùy vào mức độ tích tụ của thị trường và trên cơ sở diễn biến tích tụ của thị trường trong khoảng thời gian đủ dài thì Ngân hàng nhà nước mới xem xét việc điều chỉnh và mỗi lần điều chỉnh thì mức độ điều chỉnh có thể rất lớn, có thể là 1% hoặc là trên 1%.
Nhưng với công thức hiện tại thì chúng ta có thể điều chỉnh hàng ngày và căn cứ vào diễn biến của thế giới thì mức điều chỉnh có thể cao hoặc thấp nhưng không có những biến động quá mạnh lên tới vài phần trăm như trước đây nữa. Tôi nghĩ rằng, phản ứng của thị trường hay của Ngân hàng nhà nước cũng sẽ nhanh và hiệu quả hơn.
Trước đây thì Ngân hàng nhà nước công bố biên độ tỷ giá giao dịch trong vòng 6 tháng hoặc 1 năm nhưng hiện nay không có sự công bố đó nữa, liệu DN có chủ động được trong việc hoạch định phương án sản xuất kinh doanh?
Về câu chuyện biên độ thì có hai vấn đề cần phải làm rõ. Trước đây Ngân hàng nhà nước công bố mức độ điều chỉnh, tức là kỳ vọng về khả năng duy trì tỷ giá trong phạm vi biến động nào đó.
Thứ hai biên độ ở đây thường là biên độ giao dịch trên tỷ giá Ngân hàng nhà nước công bố.
Với việc công bố trước đây thì tôi hiểu Ngân hàng nhà nước cũng muốn dựa trên dự báo về tình hình vĩ mô trong nước và tình hình đang biến động của thị trường quốc tế để đưa ra định hướng về mặt chính sách để giúp DN trong nền kinh tế hoặc giúp cho người dân có nhu cầu hợp pháp, hợp lệ về ngoại tệ có thể có định hướng trong việc phòng ngừa rủi ro hoặc sử dụng ngoại tệ như thế nào cho hợp lý.
Tuy nhiên, với diễn biến của thị trường quốc tế như thời điểm hiện nay thì tôi cho rằng, việc điều chỉnh sang chính sách mới là phù hợp với thị trường đang bước vào giai đoạn có sự giằng co và điều chỉnh có nhiều biến động bất thường xảy ra.
Ngân hàng nhà nước công bố cơ chế điều hành tỷ giá mới thì Ngân hàng nhà nước cũng đồng thời công bố cung cấp sản phẩm mua bán kỳ hạn thực hiện trực tiếp giữa Ngân hàng nhà nước với các Ngân hàng thương mại trong thời gian tới. Với việc này thì Ngân hàng nhà nước đã giúp các Ngân hàng thương mại có công cụ cũng như có sản phẩm để chủ động trong việc cung ứng và phòng ngừa rủi ro của các DN.
Thị trường luôn có các kỳ vọng có thể tăng, giảm, hoặc đi ngang ở trong tương lai tùy vào diễn biến thị trường.
Cụ thể trong năm 2016 chúng ta dự đoán cán cân thanh toán vẫn có thể thặng dư 5-7 tỷ USD, cộng với việc chúng ta tham gia TPP hoặc FTA, nếu chúng ta nhìn nhận lịch sử 2007 khi chúng ta bắt đầu vào WTO, thời điểm đó với sức hấp dẫn của việc Việt Nam tham gia WTO, các cơ hội do việc tham gia WTO đem lại, thì dòng vốn nước ngoài chảy vào Việt Nam rất mạnh, kể cả FDI lẫn FII, trong thời gian ngắn đấy khung ngoại tệ của thị trường trong nước tăng rất mạnh, làm cho tỷ giá USD/VND giảm xuống.
Thậm chí VND còn tăng giá so với USD nên việc dịch chuyển trong năm 2016 có nhiều tổ chức và nhiều nghiên cứu đánh giá rằng TPP thậm chí còn đem lại lợi thế cho Việt Nam cao hơn cả WTO.
Vậy việc chúng ta triển khai tốt, tận dụng chính sách hoặc lợi thế của việc tham gia TPP và FTA này, không loại trừ nó cũng tạo ra khả năng là các dòng vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam khá mạnh và để đón nhận các cơ hội của TPP, FTA đem lại và các việc ấy cũng giúp tạo ra dư địa để Ngân hàng thương mại có thể tạo ra tỷ giá USD/VND ở mức độ hợp lý.
Trong tương lai và trong ngắn hạn trước mắt, điểm quan trọng hàng đầu ở đây là làm sao tạo ra thành quả cho thị trường ngoại tệ, phục vụ nhanh chóng kịp thời và thông suốt nhu cầu hoạt động cơ bản của nền kinh tế cũng như của xã hội.
Đặc điểm điều hành tỷ giá của Ngân hàng nhà nước trong 3- 4 năm trở lại đây và đến 2015 mặc dù chúng ta có một số bất ngờ với điều chỉnh chính sách của Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng như việc tăng lãi suất của Fed, nhưng việc điều chỉnh tỷ giá có mạnh hơn chút, nhưng điểm cơ bản nhất và quan trọng nhất mà chúng ta đã làm được khác hẳn so với giai đoạn trước là tính thông suốt của thị trường ngoại tệ.
Cơ chế điều hành tỷ giá mới, DN bắt buộc phải theo cuộc chơi…?
Tôi nghĩ rằng đã là người kinh doanh, trong hoạt động kinh doanh của mình chúng ta luôn luôn kinh doanh tương lai trên nền hiện tại. Đối với DN, có thể phải đối mặt với vấn đề cung cầu của sản phẩm DN kinh doanh, các rủi ro về vận hành, pháp lý, rồi thị trường…
Trong rủi ro về thị trường thì có rủi ro về giá cả hàng hóa, rủi ro về giá cả đầu ra, nguyên vật liệu đầu vào, giá cả của các sản phẩm tài chính ảnh hưởng đến tài chính của DN, trong đấy có bao gồm cả lãi suất và tỷ giá thì những biến động đó là mang tính khách quan của thị trường mà các DN khi đã tham gia kinh doanh đều cần phải có phương pháp quản trị.
Đấy chính là lý do vì sao ở các thị trường quốc tế, ở các thị trường tài chính phức tạp và phát triển thì thay vì họ cố định tỷ giá thì họ sẽ đưa ra sản phẩm ở thị trường tài chính để giúp cho các DN có thể chủ động sử dụng hiệu quả các sản phẩm đấy với các chiến lược kinh doanh khác nhau với các kỳ vọng khác nhau trên thị trường.
Các sản phẩm đấy như tôi nói lúc nãy, có thể là kỳ hạn, có thể là hoán đổi, có thể là tương lai, có thể là quyền chọn. Việc Ngân hàng nhà nước triển khai song song với việc điều hành cơ chế linh hoạt theo thị trường thì cùng với đó là đưa ra các sản phẩm giúp DN có thể chủ động và tính toán thực thi các chiến lược kinh doanh của mình phù hợp với tỷ giá.
Tôi cho rằng, nó rất phù hợp và hướng tới nhứng phương thức quản trị không chỉ của Ngân hàng nhà nước mà giúp các DN hình thành văn hóa kinh doanh và những kỹ năng kinh doanh và phương thức kinh doanh phù hợp hơn với thông lệ và chuẩn mực của thị trường quốc tế.
( trích dautuchungkhoan)