Tỷ giá và tương lai đã định
Tỷ giá và tương lai đã định
Cơ chế tỷ giá mới có thể bắt đầu đón phép thử đầu tiên với một tương lai đã định…
Cuối cùng Ngân hàng Nhà nước cũng đã có buổi họp báo để thông tin dày dặn hơn về cơ chế điều hành tỷ giá mới. Những điểm chính đã được chốt lại, hướng đi quan trọng khác song song với cơ chế tỷ giá trung tâm cũng đã được khẳng định.
Thực ra, khoảng bốn tháng trước, con đường mà Ngân hàng Nhà nước bắt đầu đi hiện nay đã phảng phất trong trù tính của một số người gạo cội khi trao đổi bên lề với VnEconomy, như “đoán trước” cách mà nhà điều hành sẽ chọn.
Nay, nó hiện thực. Việc còn lại là thị trường dần làm quen, nhà điều hành sẽ vận hành như thế nào cho một tương lai đã định của tỷ giá.
“Chuông gió” bắt đầu rung
Ngày 4/1/2016, lịch sử điều hành chính sách tỷ giá của Việt Nam bắt đầu bước sang trang mới.
Tối muộn cùng ngày, trao đổi về diễn biến của thị trường với VnEconomy, TS. Trịnh Quang Anh cho rằng, ngày 5/1/2016 có thể sẽ là một phép thử thú vị đầu tiên đối với cơ chế tỷ giá mới.
Nói một cách hình ảnh, cơ chế mới giống như chiếc chuông gió, sẽ rung như thế nào khi đón làn gió từ phương Bắc, nếu có tình huống Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) làm gì đó để hỗ trợ thị trường chứng khoán nước này vừa phải tạm ngừng giao dịch vì lao dốc, khi mà đồng Nhân dân tệ vẫn tiếp tục biến động mạnh?
Thị trường Trung Quốc lệch sớm 1 giờ so với Việt Nam. Khoảng thời gian đó, nếu có tình huống trên, đủ để Ngân hàng Nhà nước xem xét và có thể có phản ánh về một biến động từ thị trường quốc tế vào tỷ giá trung tâm theo cơ chế mới một cách nhanh nhạy.
Dù xẩy ra hay không, nhưng tình huống trên là một điển hình để thị trường lắng nghe những thanh âm phát đi từ “chuông gió” tỷ giá cơ chế mới.
Vì từ nay, về lý thuyết mà Ngân hàng Nhà nước giới thiệu, cơ chế tỷ giá mới sẽ phản ánh rõ hơn những tác động trên thị trường trong nước và thế giới, trên cơ sở tương quan với rổ 8 đồng tiền.
Tiếng chuông của tỷ giá trung tâm sẽ ghi nhận làn gió từ phương Bắc với đồng Nhân dân tệ, từ phương Tây với đồng đô la Mỹ, từ phương Đông với đồng Yên Nhật, từ phương Nam với đồng đô la Singapore…
Theo lý thuyết đó, mỗi khi tỷ giá rung, thị trường có thể đoán định gió đến từ đâu, mức độ thế nào, nếu nó phát ra những thanh âm minh bạch.
Tuy nhiên, ở đây có sự che chắn của Ngân hàng Nhà nước. Nếu sức gió thị trường bên ngoài quá mạnh, nhà điều hành hẳn sẽ có giảm chấn, hạn chế sốc đối với thị trường trong nước. Sự che chắn này nằm ở cấu phần “mềm” trong tỷ giá trung tâm, được xác định trên cơ sở các cân đối vĩ mô và điều kiện của thị trường Việt Nam.
Tương lai đã định
Điều kiện Việt Nam quyết định tương lai của tỷ giá. Chắc chắn khi vận hành cơ chế mới, Ngân hàng Nhà nước đã trù tính một mức độ biến động chấp nhận được của tỷ giá trong năm nay, chỉ là họ không nói ra mà thôi.
Đó là một tương lai đã định. Bởi tỷ giá gắn chặt với các cân đối vĩ mô, như các mục tiêu quan trọng mà Ngân hàng Nhà nước luôn phải cân đong sao sát là lãi suất, cung tiền, lạm phát…
Giả dụ như năm nay, mức tăng của tỷ giá từ 4-5% được một số chuyên gia phát biểu gần đây cho là hợp lý, một sự vượt quá có thể gây những hệ quả ngoài các mục tiêu chính sách. Còn nói một cách an toàn, tương lai đã định đó vẫn là một sự ổn định tương đối.
Dù sao thì mới đây Ngân hàng Nhà nước cũng đã phát đi thông điệp khá cụ thể hơn về một phần mức độ “đã định” đó.
Tại cuộc họp báo ngày 4/1/2016, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), tiết lộ một thông tin quan trọng: “Trước đây Ngân hàng Nhà nước bán ngoại tệ cho tổ chức tín dụng chỉ có bán giao ngay, nay đã có thể phái sinh”.
Như ngày 31/12/2015, Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại mua kỳ hạn 3 tháng để cân bằng trạng thái ngoại tệ với giá bán cao hơn giá của ngày 31/12/2015 là 1%.
“Thay vì đưa ra biên độ thay đổi cứng, cách này giúp thị trường ngầm hiểu là vùng mục tiêu của tỷ giá đến cuối tháng 3 là khoảng 1%”, ông Dũng giải thích.
Theo đó, có thể hiểu vùng biến động tỷ giá mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước “đã định” đến cuối quý 1/2016 dự kiến chỉ khoảng 1%. Nếu định kỳ nhà điều hành có được thông điệp tương tự, hẳn đây là tin tốt để các thành viên thị trường chủ động hơn với biến động tỷ giá.
Trong thông tin quan trọng trên, mức độ “đã định” của tương lai xa hơn cũng đã được gián tiếp gợi mở ở hướng đi song song với cơ chế tỷ giá mới: Ngân hàng Nhà nước trở thành “tay to” sẵn sàng giao dịch kỳ hạn với các ngân hàng thương mại để gián tiếp kiến tạo và định hình kỳ vọng của thị trường theo mục tiêu của chính sách.
Còn trên thị trường, nhìn về tương lai của tỷ giá, có thể tham khảo mức giá giao dịch kỳ hạn của các ngân hàng thương mại.
Như trong ngày 4/1/2016, tỷ giá kỳ hạn 360 ngày tại một số ngân hàng lớn được xác định trong khoảng 23.780 – 23.841 VND. Tính toán một cách tương đối, tỷ giá cuối năm nay đang được một bộ phận chính trên thị trường kỳ vọng sẽ tăng trong khoảng 5-5,7%.
Nếu so sánh với khoảng biến động trên, lãi suất VND kỳ hạn 12 tháng vẫn cao hơn đáng kể, hiện phổ biến từ 6,4-6,5%/năm. Hay, lợi ích nắm giữ VND cũng đáng để cân nhắc so với găm giữ USD.
Nhưng, trong nền kinh tế hiện nay, khi đồng “đô” gọn hơn nhiều so với VND, kê cao gối trong két vẫn lên giá đều những năm qua, và đặc biệt là một phương tiện che giấu tài sản, thuận tiện hơn trong các giao dịch ngầm, kể cả tham nhũng, thì hẳn có một bộ phận găm giữ không mấy xao xuyến với những thanh âm có từ “chuông gió” tỷ giá cơ chế mới.
( trích Vneconomy)