Lợi nhuận tốt, nhiều ngân hàng tăng trích lập rủi ro
Lợi nhuận tốt, nhiều ngân hàng tăng trích lập rủi ro
Mặc dù kết lợi nhuận đạt chỉ tiêu, song theo lãnh đạo các nhà băng, nhất là ngân hàng giai đoạn tái cơ cấu, vẫn ưu tiên cho dự phòng rủi ro nên chưa thể có cổ tức cho cổ đông.
Tại NCB, lợi nhuận năm 2015 tăng 88% so với năm 2014. Cụ thể, năm 2015, NCB đạt 111 tỷ đồng lợi nhuận, tổng tài sản đạt 48.380 tỷ đồng, tổng nguồn vốn huy động khách hàng và tăng trưởng tín dụng lần lượt đạt 34.377 tỷ đồng và 26.157 tỷ đồng.
Ông Đào Trọng Khanh, Tổng giám đốc NCB cho biết, với nền tảng hiện nay, NCB hoàn toàn có thể tăng trưởng lợi nhuận từ 50-70% trong 1-2 năm tới. Tuy nhiên, NCB vẫn trong giai đoạn tái cơ cấu nên ngân hàng cũng tập trung mọi nguồn lực cho mục tiêu này và không loại trừ tăng dự phòng.
Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần vốn 3.000 tỷ đồng cũng cho hay, trong năm qua ngân hàng đã đạt mức lợi nhuận sát với chỉ tiêu 250 tỷ đồng mà ĐHCĐ giao. Tuy nhiên, theo vị tổng giám đốc trên, do ngân hàng đang giai đoạn đẩy mạnh xử lý nợ xấu nên phải hy sinh lợi nhuận để trích dự phòng rủi ro. Vì vậy, lợi nhuận sau trích dự phòng rủi ro chỉ đạt khoảng 80% chỉ tiêu đưa ra lúc đầu.
Nói về tình hình hoạt động của ngành, nhất là tín dụng, vị tổng giám đốc trên cho rằng sẽ cải thiện tích cực hơn so với năm nay. Tuy nhiên, điều đó chưa có nghĩa quá trình xử lý nợ xấu sẽ được đẩy nhanh và dự phòng hoàn nhập sớm. Ngược lại, trong năm 2016, khả năng việc trích dự phòng rủi ro vẫn là áp lực đối với ngân hàng.
Với SCB, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho biết, kết quả kinh doanh của Ngân hàng đạt các chỉ tiêu đưa ra trong năm 2015. SCB đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức 131 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Văn, do tổng số lượng nợ xấu SCB đã bán cho VAMC lớn (lên đến 15.000 tỷ đồng tính đến cuối năm 2015), nên trong năm qua Ngân hàng phải tăng trích dự phòng đến 3.000 tỷ đồng. Do đó, cổ đông SCB chưa thể kỳ vọng cổ tức. Nhưng điều này được đánh giá tích cực cho SCB khi các khoản nợ xấu chưa xử lý được đã có dự phòng rủi ro. Quỹ dự phòng hiện nay của SCB đã có 4.500 tỷ đồng. Vả lại, SCB đang giai đoạn tái cơ cấu nên chủ trương chưa chia cổ tức.
Trong năm qua, SCB đã xử lý, thu hồi được 1.500 tỷ đồng nợ xấu và phấn đấu xử lý thêm 2.000 tỷ đồng nợ xấu. Vì vậy, chỉ tiêu lợi nhuận SCB đưa ra cho năm 2016 cũng được tính toán phù hợp với điều kiện thị trường, cũng như khi SCB đang tập trung mọi nguồn lực cho quá trình tái cấu trúc.
Tổng giám đốc OCB ông Nguyễn Đình Tùng cũng cho hay, kết thúc năm 2015 tổng tài sản OCB tăng 26%; huy động đạt 27%; tín dụng tăng trưởng 17,6%. Theo ông Tùng, nếu Ngân hàng nhà nước không khống chế “room” tín dụng thì dư nợ OCB năm qua còn tăng cao; tỷ lệ nợ xấu 1,9%.
Năm 2015, OCB đã xử lý và thu được 1.300 tỷ đồng nợ xấu; bán cho VAMC là 600 tỷ đồng. Đồng thời, trong năm 2015, dưới sự phối hợp và hỗ trợ của VAMC, OCB cũng đã thu hồi được bằng tiền mặt tương đương với tổng nợ xấu đã bán trong năm 2015. Tuy nhiên, lợi nhuận OCB năm 2015 chỉ đạt được 70% chỉ tiêu cổ đông giao đầu năm. Một phần, do OCB phải trích dự phòng rủi ro cao.
( trích dautuchungkhoan)