An toàn vốn tối thiểu của hệ thống tín dụng 13,32%
Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (vốn tự có trên tổng tài sản có rủi ro – CAR) của hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam tính đến cuối tháng 9 đứng ở mức 13,32%, không thay đổi so với một tháng trước đó.
Đây là con số từ kết quả thống kê các chỉ tiêu cơ bản về tình hình hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng tại Việt Nam tính đến cuối tháng 9-2015 vừa được công bố trên website của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tỷ lệ CAR trên, theo thống kê chúng tôi theo dõi, đã cải thiện đáng kể so với mức 12,8% cuối năm 2014. Thống kê không bao gồm các tổ chức tín dụng có vốn tự có âm, trong đó có các ngân hàng được mua lại giá 0 đồng.
Tuy CAR cải thiện trong nước nhưng khi so sánh với các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, CAR của ngân hàng thương mại Việt Nam gần như thấp nhất, tương đương với Trung Quốc và Ấn Độ thời điểm cuối 2014.
Ngay cả những nước có điều kiện kinh tế tương tự với Việt Nam như Indonesia cũng có CAR trung bình cao hơn, 19,8%; hay CAR của các ngân hàng Philipines là 17%; CAR các ngân hàng Singapore là 16,4% (các ngân hàng Singapore đã theo Basel 3, các ngân hàng châu Á hầu hết đang hoạt động theo các tiêu chí của Basel 2), CAR trung bình của ngân hàng Thái Lan là 15,6%, các ngân hàng Mỹ là 14,4%.
Theo thống kê này, tổng tài sản của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam tính đến hết tháng 9 tiếp tục tăng rất mạnh, tới 5,43% so với cuối năm trước liền kề 2014. Trước đó, ở ngày 30-8, con số tăng trưởng này mới là 3,66% và tại thời điểm 31-7 chỉ tăng 2,32% so với cuối năm 2014.
Đáng chú ý, tổng tài sản của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục tăng rất mạnh, từ 5,95% cuối tháng 8 tới 8,20% vào cuối tháng 9 (so với cuối năm trước liền kề 2014).
Dữ liệu vừa được công bố trên đây cũng cho thấy sự tăng mạnh về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của hệ thống tổ chức tín dụng, ở mức 28,48% vào ngày 30-9, từ mức 25,9% vào cuối tháng 8, trong khi con số này là 20,2% vào cuối 2014 và chỉ đứng ở 19,3% cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng không phải là tín hiệu tích cực với sức khỏe các nhà băng. Riêng các ngân hàng liên doanh, ngân hàng nước ngoài không sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn.
Các chỉ số như vốn điều lệ, vốn tự có của hệ thống đều được cải thiện. Vốn điều lệ tăng từ 3,17% ở cuối tháng 8 (so với cuối năm 2014) lên mức 4,84% cuối tháng 9, còn vốn tự có tăng từ 10,20% ở cuối tháng 8 (so với cuối năm 2014) lên 11,73% vào cuối tháng 9.
Tuy nhiên, ROA (lợi nhuận trên tài sản có), ROE (lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu) và CAR không thay đổi so với tháng trước, lần lượt ở mức 0,32%; 3,54% và 13,32%. Chỉ số này không thay đổi là do không được cập nhật, vẫn dựa trên số liệu từ báo cáo tài chính quý II năm 2015 của các ngân hàng (đã loại bỏ các tổ chức tín dụng có vốn chủ sở hữu âm, không bao gồm số liệu của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân).
Theo thống kê của các tổ chức tài chính quốc tế, ROE và ROA của Việt Nam vẫn thuộc hàng thấp nhất trong khu vực. Ví dụ, cuối năm 2014, ROE của các ngân hàng Thái Lan là 16,2%, Singapore là 17,1%, Trung Quốc 19%, Indonesia 18%, Malaysia và Philipines 13,5%.
(Theo Báo Mới)