Chuyển đổi số trong ngân hàng: Cơ hội từ gian khó
Làn sóng COVID-19 bùng phát lần thứ 4 đã tác động tiêu cực lên sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành tài chính – ngân hàng nói riêng. Tuy nhiên, trong khó khăn, ngành Ngân hàng đã tận dụng được thời cơ, thúc đẩy tiến trình số hóa nhanh hơn và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Vấn đề được các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo trực tuyến Future Banking & Financial Services Forum với chủ đề Chuyển đổi số ngành tài chính, ngân hàng hướng tới cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ số do IDG Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức ngày 7/10.
Ngân hàng số hòa mình cùng cuộc sống
Nhìn lại chặng đường đã qua, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá, hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam đã và đang có những chuyển biến tích cực trong việc ứng dụng công nghệ thông tin một cách năng động, sáng tạo vào hoạt động kinh doanh và vận hành tác nghiệp. Đồng thời, đã có sự chuẩn bị, chủ động vào cuộc và khả năng thích ứng tốt trước những biến động, rủi ro trong công cuộc chuyển đổi số.
Nếu như cách đây 2-3 năm, các NHTM tại Việt Nam chỉ mới tiếp cận đến khái niệm của các công nghệ này thì hiện nay những công nghệ này đã và đang mang lại những lợi ích về tự động hóa quy trình, nâng cao năng suất lao động, tăng trải nghiệm khách hàng, giảm chi phí vận hành cho các ngân hàng.
Đặc biệt, cuộc đua về ngân hàng số đã và đang diễn ra khá sôi nổi tại Việt Nam. Ứng dụng ngân hàng di động nay đã được nâng cấp lên thành ứng dụng ngân hàng số với đầy đủ tính năng từ mở tài khoản, giao dịch tài chính, đầu tư đến các dịch vụ ngoài tài chính (beyond banking services) như mua sắm, giáo dục, y tế, giao thông…
Các dịch vụ ngân hàng đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống, kết hợp với các lĩnh vực, ngành nghề để xây dựng hệ sinh thái thông minh, toàn diện.
Ngay trong dịch COVID-19, hàng loạt ứng dụng Mobile Banking của các ngân hàng đã tích hợp dịch vụ đi chợ online (mà trước đó chưa có) để đáp ứng kịp thời và tốt nhất nhu cầu đảm bảo an toàn của thực tiễn, gia tăng sự tiện lợi cho khách hàng. Các hệ thống thanh toán, hệ thống thông tin tín dụng và các ngân hàng vẫn hoạt động bền bỉ, thông suốt, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp cùng các cơ quan Chính phủ một cách nhanh chóng, an toàn.
Cùng chung quan điểm này, ông Phạm Quang Minh, Tổng giám đốc Mambu Việt Nam đánh giá, việc ứng dụng công nghệ số giúp thay đổi diện mạo của ngân hàng, tạo ra nhiều giá trị mới như trải nghiệm khách hàng tốt hơn; chất lượng vận hành, dịch vụ tốt hơn, hiệu quả hơn; giảm chi phí vận hành; nhiều dịch vụ sáng tạo và an toàn bảo mật hơn. Nhưng, việc thực thi chuyển đổi số tại các ngân hàng đang ở nhiều mức khác nhau, đòi hỏi quy trình, kiến trúc và cách vận hành linh hoạt của các doanh nghiệp, bởi một số doanh nghiệp coi đây là dự án về công nghệ nhiều hơn kinh doanh.
Thực tế, theo nghiên cứu của Mastercard Việt Nam, Campuchia và Lào, đại dịch là chất xúc tác giúp phát triển tư duy “kỹ thuật số là mặc định”. Nhờ đó, thói quen thanh toán của người tiêu dùng đã thay đổi, trong đó, 60-70% người dân tại Đông Nam Á đã giảm mức sử dụng tiền mặt, 75% người dân châu Á – Thái Bình Dương sẽ tiếp tục sử dụng thanh toán không tiền mặt sau đại dịch…
Trong có dịch vụ ngân hàng số, nhu cầu thanh toán qua mã QR nở rộ, thanh toán sử dụng xác thực sinh trắc học cũng đã thu hút người tiêu dùng. Nhờ đó, có đến 69% người dân hứng thú với việc mua sắm tại các nhà bán lẻ có tích hợp các phương thức thanh toán mới nhất.
Tiếp tục tháo gỡ 5 điểm nghẽn
“Tương lai của tiền tệ chính là kỹ thuật số, tuy vậy, sẽ vẫn cần thêm thời gian để nắm bắt những cơ hội nhằm chiếm trọn được cảm tình của người tiêu dùng với thanh toán không dùng tiền mặt”, bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia, Mastercard Việt Nam, Campuchia và Lào khẳng định.
Đại diện IDG Việt Nam cho rằng, phát triển các dịch vụ ngân hàng số còn tồn tại 5 điểm nghẽn. Đó là, hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin mới ở mức đang dần hoàn thiện; cơ chế hợp tác, chia sẻ dữ liệu giữa các tổ chức tín dụng với nhau và giữa các tổ chức tín dụng với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia chưa rõ ràng.
Ngoài ra, tỉ lệ giao dịch tiền mặt còn cao; một số hệ sinh thái fintech (công nghệ tài chính) chưa thực sự liên thông với các tổ chức tín dụng khác để tạo thuận tiện nhất cho người dùng; việc hợp tác giữa các ngân hàng và các đơn vị fintech chưa sâu như mong đợi.
Để khắc phục những hạn chế, theo chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, chuyển đổi số trong ngành ngân hàng cần gắn với sự phát triển của thiết bị di động, mạng internet và mạng xã hội. Sự phát triển của các yếu tố này đã thúc đẩy chuyển đổi số ngày càng phát triển. Theo đó, những sản phẩm mới trong hệ thống tài chính – ngân hàng bao gồm ví điện tử, tiền di động đang được sử dụng.
Gần đây nhất, Mobile Money sẽ chính thức triển khai thí điểm, điều này sẽ giúp Việt Nam tiến tới một nền kinh tế phi tiền mặt, các giao dịch sẽ minh bạch và rõ ràng hơn. Với nền tảng di động, tiền di động nếu được đưa vào sử dụng sẽ giải quyết được việc thanh toán ở vùng sâu vùng xa, nơi 40% người dân chưa được tiếp cận với tài khoản ngân hàng thì từ nay được thực hiện thanh toán điện tử qua di động. Tuy nhiên, cần phải cân nhắc trong việc trao phép tạo tiền cho nhà mạng chức năng như của ngân hàng trong việc đưa tiền di động vào lưu thông.
Tại hội thảo, đại diện một số đơn vị cũng đã giới thiệu mô hình và kinh nghiệm phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm kiểu mới, những sản phẩm, dịch vụ dự kiến sẽ trở nên phổ biến trên thị trường dịch vụ tài chính quốc tế và ở Việt Nam trong những năm tới. Đặc biệt, chương trình cũng tổ chức Lễ Trao giải Dịch vụ Tài chính Tiêu biểu năm 2021.
Nguồn: Hương Giang – Thời báo ngân hàng