Ngân hàng – Cơ chế tỷ giá mới có thực sự “mới”?
Cơ chế tỷ giá mới có thực sự “mới”?
Một cơ chế tỷ giá linh hoạt hoàn toàn phải là do thị trường tự điều tiết. Trong khi đó, chính sách tỷ giá của NHNN tuy là “thả nổi có kiểm soát” nhưng thiên về kiểm soát hơn là thả nổi – tức là về bản chất cũng không khác gì so với trước đây.
Từ 4/1/2016, NHNN đã thực hiện điều hành chính sách tỷ giá theo cơ chế mới – tỷ giá trung tâm. Tỷ giá này sẽ biến động theo ngày, là cơ sở để các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép thực hiện hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối xác định tỷ giá mua, tỷ giá bán của Đồng Việt Nam (VND) với Đô la Mỹ (USD).
Cơ chế mới và “máy bay qua vùng nhiễu động”
Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho biết nhiều năm qua, Ngân hàng nhà nước thực hiện chính sách “neo” tỷ giá, trong năm nếu có biến động sẽ điều chỉnh 1-2%, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo cơ chế mới, tỷ giá trung tâm biến động hằng ngày có thể tăng, giảm, còn trước đó một khi đã điều chỉnh, tỷ giá thường theo hướng đi lên. Cách xác định tỷ giá trung tâm chịu nhiều yếu tố, vì thế rất khó để dự đoán và tỷ giá cũng khó có thể biến động nhiều.
Chuyên gia so sánh, trước đây, Ngân hàng nhà nước điều hành tỷ giá giống như phi công điều khiển máy bay, đến một độ cao nào đó sẽ chuyển sang chế độ lái tự động. Còn cho đến nay, cơ chế đã khác, điều hành tỷ giá giống như điều khiển máy bay băng qua vùng thời tiết bị nhiễu động. Mức độ căng thẳng đến đâu và người phi công cần xử lý như thế nào thì còn phải phụ thuộc vào mức độ nhiễu động của thời tiết.
Trong khi đó, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright đánh giá, về bản chất, chính sách tỷ giá mới ban hành không thực sự mới, vì thực chất là NHNN vẫn là “người cầm trịch” xác định tỷ giá hối đoái trung tâm, và biên độ dao động đối với các Ngân hàng thương mại vẫn là +/-3%.
Ngoài ra, cơ chế này vẫn chưa thực sự minh bạch. Theo NHNN, tỷ giá trung tâm được xác định trên 3 yếu tố: tham chiếu diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại và đầu tư lớn với Việt Nam và các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ, phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ của NHNN.
Theo Ngân hàng nhà nước, cơ quan này dựa trên đồng tiền của 8 quốc gia, vùng lãnh thổ để xác định tỷ giá trung tâm nhưng không nói rõ cách tính. Bên cạnh đó, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ cũng là một biến số khó xác định. Do vậy, nhà đầu tư sẽ không chỉ buộc phải quan sát thị trường mà còn phải phán đoán động thái của NHNN.
Nếu NHNN thực sự muốn cơ chế “mới” có tác dụng tích cực thì phải minh bạch ba yếu tố nói trên, có hệ thống thông tin thống kê cập nhật và công bố chính thức để thị trường chủ động nắm bắt thông tin và phòng vệ rủi ro. Ngược lại, nếu thông tin cơ sở không minh bạch, chỉ dựa vào chủ quan “phù hợp mục tiêu chính sách tiền tệ” của Ngân hàng nhà nước thì dễ gây ra bất định, dẫn đến những phản ứng gây hệ lụy khó lường trong tương lai.
Thả nổi có kiểm soát hay là kiểm soát hơn thả nổi?
Một điểm đáng chú ý khác, cùng với biện pháp xác định tỷ giá trung tâm, NHNN có thêm công cụ phái sinh trong giao dịch với các ngân hàng thương mại. Cụ thể, trước đây, NHNN chỉ sử dụng nghiệp vụ giao ngay trong giao dịch ngoại tệ với ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, với cơ chế mới, Ngân hàng nhà nước sử dụng cả công cụ phái sinh đảm bảo nguồn cung ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại và cũng thông qua đó gửi thông điệp tỷ giá tới thị trường.
NHNN cho biết cơ quan này bán ngoại tệ phái sinh kỳ hạn 3 tháng cho các tổ chức tín dụng với giá cao hơn 1% so với tỷ giá hối đoái tại thời điểm 31/12/2015. Điều này có nghĩa, cam kết chính của NHNN cho thấy tỷ giá sẽ linh hoạt hơn nhưng ngầm ẩn vẫn bị kiểm soát trong “vòng kim cô” – không được phá giá quá 1% trong 3 tháng đầu năm nay. Và như vậy, cơ chế mới cũng chưa thực sự linh hoạt.
Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, một cơ chế tỷ giá linh hoạt hoàn toàn phải là do thị trường tự điều tiết. Trong khi đó, chính sách tỷ giá của Ngân hàng nhà nước tuy được phát biểu là “thả nổi có kiểm soát” nhưng thiên về kiểm soát hơn là thả nổi – tức là về bản chất cũng không khác gì so với trước đây.
Vậy chính sách mới này sẽ tác động thế nào đến các chỉ số kinh tế vĩ mô? Theo ông Tự Anh, động thái của NHNN cho thấy mục tiêu hàng đầu trong chính sách tiền tệ của NHNN là phải “giữ” tỷ giá ổn định và lạm phát thấp, thậm chí bất chấp diễn biến của thị trường và ảnh hưởng tiêu cực tới năng lực cạnh tranh. Vì nếu để tiền đồng mất giá, tuy sẽ hỗ trợ xuất khẩu nhưng khi ấy hàng hóa nhập khẩu sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Đây là điều mà Ngân hàng nhà nước không mong muốn.
Thêm nữa, khi NHNN và những cơ quan quản lý thị trường tài chính muốn tạo ra sự sống động cho thị trường tài sản, đặc biệt thị trường chứng khoán và bất động sản, thì hiển nhiên sẽ muốn giữ lãi suất ở mức thấp. Trong khi đó, nếu để tiền đồng mất giá thì lãi suất không thể thấp được. Nói tóm lại, những động thái của NHNN đều hướng đến mục tiêu lãi suất thấp, lạm phát thấp và tỷ giá ổn định
Dự báo năm 2016, về tổng thể vĩ mô, TS. Vũ Thành Tự Anh cho biết nếu giá các hàng hóa cơ bản như xăng dầu, lương thực, đồng thiếc, than, cao su …vẫn tiếp tục xu thế giảm như thời gian qua thì đây vẫn là yếu tố “kích thích kinh tế” tự nhiên, giúp ổn định vĩ mô, đồng thời duy trì mức tăng trưởng khả quan. Trước đó, Thống đốc Ngân hàng nhà nước đã công bố lạm phát năm 2015 thấp chủ yếu do các yếu tố bên ngoài tác động, đặc biệt là giá dầu và các mặt hàng khác, còn nếu loại bỏ yếu tố bất thường thì lạm phát năm qua là 4,9% gần bằng 5%. Như vậy, lạm phát của chúng ta đã gặp “vận may” trong năm qua, và có thể vận may này lại tiếp tục trong 2016.
Tuy nhiên, vẫn còn hai rủi ro: trong ngắn hạn, nợ xấu và tính an toàn của hệ thống ngân hàng vẫn chưa giải quyết hết căn cơ; còn trong trung và dài hạn, rủi ro nợ công và thâm hụt ngân sách luôn treo lơ lửng. Đây cũng là một lý do nữa khiến Ngân hàng nhà nước không muốn điều chỉnh tỷ giá quá nhiều bởi khi ấy nợ công sẽ tăng đột biến.
( trích cafef)