Cơ hội cho Ngân hàng thương mại
Cơ hội cho ngân hàng Việt
Hội nhập sẽ tạo cho các ngân hàng trong nước mở rộng tín dụng, đầu tư, huy động vốn và phát triển dịch vụ hiện đại.
Kinh nghiệm từ “sân chơi” WTO…
Ngành NH từng trải qua thời kỳ mới gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với nhiều thăng trầm, giờ đây là ngưỡng cửa của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) thì những bài học từ WTO sẽ giúp quá trình hội nhập thời gian tới thành công hơn.
Theo TS. Đỗ Thị Thủy – chuyên gia của VietinBank, các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam trong lĩnh vực NH được đánh giá là rộng rãi hơn nhiều so với các thành viên khác, tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các NH.
Sau một thời gian gia nhập WTO, các NH Việt đã đạt được một số thành quả, đáp ứng phần nào yêu cầu thay đổi trong hội nhập. Khi Việt Nam gia nhập WTO đã tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà cung cấp dịch vụ tài chính, các Ngân hàng Thương mại nước ngoài đến từ các khu vực tài chính phát triển làm phong phú các sản phẩm tài chính hiện đại, tạo kênh cung ứng vốn, kênh dịch vụ đa dạng cho các DN Việt Nam.
Đồng thời cũng thúc đẩy các Ngân hàng Thương Mại trên, các DN tích cực cạnh tranh thị trường để tồn tại, hoàn thiện và phát triển, không chỉ ở trong nước mà còn mở rộng ra khu vực và thế giới. Sân chơi lớn đã tạo cơ hội cho các Ngân hàng Thương mại trong nước tiếp cận vốn quốc tế dễ dàng hơn; tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm và công nghệ hiện đại trong quản trị, điều hành.
Đặc biệt, đối với những NH có đối tác chiến lược ngoại vào dạng “tầm cỡ” thì không những nâng cao khả năng cạnh tranh về tiềm lực tài chính mà cả chất lượng sản phẩm, dịch vụ, văn hóa DN.
Nhìn chung, năng lực tài chính trong những năm qua của các Ngân hàng Thương mại đã được nâng lên. Hầu hết các NH đều đạt được mức vốn pháp định là 3.000 tỷ đồng theo quy định của NHNN. Bên cạnh đó, trong giai đoạn vừa qua, giá trị tổng tài sản của các NHTM cũng tăng mạnh. Các chỉ số ROA, ROE được cải thiện đáng kể…
Ông Nghiêm Xuân Thành – Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết, hiện nay hệ thống NH đóng vai trò chi phối trong hệ thống tài chính với quy mô tín dụng và tổng tài sản chiếm tới 90%. Tổng tài sản có của hệ thống NH hiện đã ở mức 160% GDP. Độ sâu tài chính của thị trường tài chính Việt Nam đang dần tăng nhanh, thể hiện ở tổng dư nợ tín dụng, vốn hoá thị trường chứng khoán và dư nợ thị trường trái phiếu trên GDP ở mức khá cao xấp xỉ 140%, và tổng cung tiền M2/GDP cũng đã đạt tới 147%.
Hội nhập quốc tế tạo điều kiện cho các DN Việt Nam nói chung và NH nói riêng được tham gia vào một thị trường rộng lớn hơn và đầy đủ hơn, với các luật chơi công bằng và bình đẳng hơn. Nhưng cũng vì thế mà áp lực cạnh tranh gia tăng, buộc các NH trong nước tích cực đổi mới, nâng cao năng lực quản trị, năng lực tài chính.
Sân chơi hội nhập cũng sẽ mang đến cơ hội cho các NH trong nước mở rộng tín dụng, đầu tư, huy động vốn và dịch vụ NH ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam; cơ hội tiếp cận với vốn, công nghệ, kinh nghiệm và trình độ quản lý của các Ngân hàng Thương Mại phát triển trên thế giới.
Tuy nhiên, các chuyên gia NH cho rằng, trong bối cảnh hội nhập, bên cạnh các cơ hội, hệ thống tài chính Việt Nam cũng đối mặt với rất nhiều thách thức. Đó là hệ thống tài chính còn mất cân đối do phụ thuộc nhiều vào hệ thống NH, quy mô vốn còn nhỏ bé. Khuôn khổ pháp lý và năng lực quản trị của chúng ta còn có khoảng cách so với khu vực.
Do đó, khi độ mở của hệ thống tài chính tăng lên NH nội sẽ dễ bị tổn thương trước các cú sốc từ bên ngoài. Bên cạnh đó, áp lực với phối hợp chính sách ổn định vĩ mô và giám sát cẩn trọng vĩ mô, kiện toàn giám sát rủi ro vi mô từng NH là rất lớn.
“So với các nước phát triển, hầu hết các định chế tài chính Việt Nam còn non trẻ, đang trong quá trình tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình; sản phẩm dịch vụ còn chưa đa dạng, cơ cấu thu nhập còn nặng về thu lãi, quy mô dịch vụ NH bán lẻ còn nhỏ bé; quy mô vốn nhỏ, hiệu suất sinh lời thấp… Do đó năng lực cạnh tranh sẽ bị hạn chế khi cạnh tranh trực tiếp với các NH nước ngoài” – lãnh đạo một Ngân hàng Thương mại lớn khẳng định.
…Thách thức trước TPP và AEC
Để tạo điều kiện thuận lợi cho ngành NH tiếp tục tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh; chủ động hội nhập và hội nhập thành công với TPP, AEC trong thời gian tới, theo các chuyên gia NH, cần tạo hành lang pháp lý nhằm hỗ trợ các NH nâng cao quy mô vốn.
Theo ông Nghiêm Xuân Thành, một trong những điểm yếu của NH Việt Nam là quy mô vốn còn nhỏ bé. Thêm vào đó, trong khi trên thế giới đã có NH áp dụng Basel III về vốn và thanh khoản thì hiện các NH Việt Nam đang chuẩn bị để áp dụng Basel II (10 NHTM thí điểm áp dụng mức độ tiêu chuẩn vào đầu 2016 và áp dụng đầy đủ vào năm 2019) với các yêu cầu về vốn khắt khe hơn.
Chẳng hạn, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia NH, về nguồn vốn, hiện trong khu vực đã có NH có vốn chủ sở hữu tới vài trăm tỷ USD, trong khi ở Việt Nam chưa có NH nào đạt mức vốn chủ sở hữu 50 tỷ USD. Chính vì vậy, thời gian gần đây các NH đang phải đẩy mạnh tăng vốn, để nâng cao năng lực tài chính là hết sức quan trọng.
Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách và nguồn lực trong nước còn hạn chế, ông Nghiêm Xuân Thành cho rằng, Quốc hội, Chính phủ cần xem xét cho phép các Ngân hàng Thương Mại Nhà nước được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức thay vì trả cổ tức bằng tiền mặt; sử dụng nguồn thặng dư để tăng vốn điều lệ.
Chính phủ cũng nên xem xét có lộ trình về việc nâng giới hạn sở hữu cho các nhà đầu tư nước ngoài tại các NH từ mức 30% hiện nay lên 35% trong một vài năm tới và cao hơn vào các năm tiếp theo. Đặc biệt, cần có lộ trình giảm tiếp tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại các Ngân hàng Thương mại Nhà nước.
Đồng thời, NHNN cần sớm ban hành các quy định hướng dẫn cụ thể liên quan đến áp dụng các chuẩn mực mới trong quản trị rủi ro. Các chuyên gia cũng cho rằng tuy tỷ lệ nợ xấu hiện đã được đưa về dưới 3% nhưng cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của VAMC và các Tổ chức tín dụng đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ tồn đọng, nợ xấu có tài sản bảo đảm.
Sớm hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm củng cố hạ tầng thị trường tài chính, các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan theo hướng nâng cao vai trò và hiệu quả giám sát hoạt động tài chính NH.
Đặc biệt trong môi trường hội nhập sâu rộng thì các NH cần nâng cao yêu cầu về minh bạch và công bố thông tin về áp dụng các chuẩn mực kế toán kiểm toán quốc tế…
( Theo thời báo ngân hàng)