Cụ thể hơn về lãi tiền gửi rút trước hạn
NHNN Việt Nam đang lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 04/2011/TT-NHNN quy định lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi chung là TCTD).
Điểm mới đầu tiên là dự thảo Thông tư quy định cụ thể về hình thức tiền gửi rút trước hạn bao gồm: tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn; tiền gửi có kỳ hạn; chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và trái phiếu của TCTD phát hành; các hình thức nhận tiền gửi khác theo quy định của Luật Các TCTD.
Dự thảo Thông tư cũng quy định rõ hơn về rút trước hạn tiền gửi. Cụ thể, rút trước hạn tiền gửi là trường hợp khách hàng rút một phần hoặc toàn bộ tiền gửi trước ngày đến hạn hoặc ngày chi trả hoặc ngày thanh toán của khoản tiền gửi. TCTD và khách hàng phải thỏa thuận việc rút trước hạn tiền gửi phù hợp với các quy định của NHNN Việt Nam đối với từng hình thức tiền gửi cụ thể.
Về lãi suất rút trước hạn tiền gửi, dự thảo Thông tư quy định: Trường hợp khách hàng rút trước hạn toàn bộ tiền gửi: TCTD áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của TCTD đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm khách hàng rút trước hạn tiền gửi.
Trường hợp khách hàng rút trước hạn một phần tiền gửi: Đối với phần tiền gửi rút trước hạn, TCTD áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của TCTD đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm khách hàng rút trước hạn phần tiền gửi; Đối với phần tiền gửi còn lại, TCTD và khách hàng thỏa thuận mức lãi suất không vượt quá mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản tiền gửi mà khách hàng rút trước hạn một phần. Mức lãi suất này được áp dụng cho toàn bộ kỳ hạn gửi tiền.
Trong khi quy định cũ tại Thông tư 04, khi người gửi tiền rút trước hạn một phần hay toàn bộ số tiền gửi, TCTD sẽ áp dụng lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của TCTD theo từng đồng tiền trong trường hợp tổ chức, cá nhân rút tiền gửi trước hạn; mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn này là thấp nhất tại thời điểm tổ chức, cá nhân rút tiền gửi trước hạn.
Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, tại Mỹ nếu rút trước hạn tiền gửi có kỳ hạn trong vòng 6 ngày kể từ ngày gửi tiền hoặc trong vòng 6 ngày kể từ ngày rút một phần gần nhất thì khách phải chịu mức phạt theo quy định. Các NHTM có quy định mức phạt khác nhau trong trường hợp khách hàng rút trước hạn tiền gửi. Ấn Độ quy định lãi suất áp dụng đối với tiền gửi rút trước hạn sẽ được trả theo tỷ lệ áp dụng cho số tiền và kỳ hạn mà khoản tiền gửi vẫn được gửi tại ngân hàng và không theo tỷ lệ đã ký trên hợp đồng. Ngân hàng ANZ tại Úc quy định khách hàng có thể rút một phần hoặc toàn bộ tiền gửi trước hạn tại ANZ, tuy nhiên bất kỳ khoản rút trước hạn nào cũng bị áp dụng lãi suất thấp hơn lãi suất ban đầu, phần tiền không rút trước hạn được hưởng mức lãi suất như ban đầu. Ngân hàng Bank of New Zealand ở New Zealand quy định khách hàng rút trước hạn một phần hoặc toàn bộ tiền gửi sẽ phải chịu mức lãi suất thấp hơn mức lãi suất ban đầu…
Mục tiêu của việc xây dựng Thông tư mới lần này của NHNN để có cơ sở pháp lý cho các TCTD áp dụng thống nhất quy định lãi suất đối với trường hợp rút tiền gửi trước hạn, tạo điều kiện để TCTD phát triển các sản phẩm huy động vốn ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh thị trường tiền tệ hiện nay, đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh thị trường tiền tệ hiện nay. Đồng thời để đảm bảo đồng bộ của các quy định pháp luật có liên quan (Thông tư 48, Thông tư 49 và Thông tư 01).
Đồng tình về sự cần thiết cũng như quan điểm của bản dự thảo, Tổng giám đốc một NHTMCP có trụ sở ở TP.HCM cho biết, việc cho phép các TCTD được thỏa thuận lãi suất đối với phần tiền gửi còn lại không chỉ giảm bớt thiệt thòi cho người gửi tiền, mà còn giúp cho các ngân hàng linh hoạt hơn trong việc xây dựng các sản phẩm huy động tiền gửi tiết kiệm, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường tiền gửi.
Nguồn: Minh Phương- Thời báo ngân hàng