Cú huých chuyển đổi ngân hàng số
Đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn mọi dự báo về tăng trưởng kinh tế của thế giới. Bên cạnh những tác động xấu, ở một khía cạnh tích cực hơn, Covid-19 đã vô hình trung trở thành một chất xúc tác mở ra một kỷ nguyên mới cho nền kinh tế kỹ thuật số, trong đó có Việt Nam.
Tại tọa đàm Giải mã điều kỳ lạ của kinh tế số năm 2020 và dự báo xu hướng 2021 diễn ra ngày 22/12, Phó tổng giám đốc VCCorp Tuấn Nguyễn dẫn số liệu trước khi Covid-19 bùng phát, chỉ 20% DN để ý đến chuyển đổi số thì sau 6 tháng, có đến hơn 70% chú ý đến quá trình này và trên 50% đang thực hiện.
TS. Trần Đình Thiên – thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng cũng nhận định, theo một cách nào đó, Covid-19 lại đang thúc đẩy kinh tế thực sang kinh tế số, thúc đẩy loài người tiến bộ. Một dẫn chứng là trong lúc kinh tế thế giới suy giảm 5-6% thì có một nhóm đại gia có tài sản tăng vọt ghê gớm mà chủ yếu là khu vực liên quan công nghệ cao kinh tế số; thậm chí có những tỷ phú chỉ trong vài tháng, tài sản tăng lên bằng lần, như Elon Musk. “Tóm lại, Covid-19 đã tạo ra cú sốc, đồng thời tạo ra bước nhảy có tính thời đại. Đó là điều tôi thấy là đáng ghi nhận”, TS. Trần Đình Thiên nói.
Theo đánh giá của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Covid-19 đã thúc đẩy nhận thức chuyển đổi số của ngành này nhanh hơn từ 3-5 năm, tạo bước nhảy vọt cho thanh toán số. Thống kê mới nhất của NHNN cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2020, số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đều tăng trưởng mạnh, tương ứng 75,2% và 30% so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt là số lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng mạnh tương ứng gần 125% và 130% so với cùng kỳ năm 2019.
Phó Tổng giám đốc VietinBank Trần Công Quỳnh Lân cũng nhận thấy, Covid-19 đã tạo cú huých giúp cho quá trình thay đổi thói quen này diễn ra nhanh hơn. DN trước đây không quan tâm nhiều về giao dịch internet banking, mà thích đến giao dịch tại chi nhánh hơn nên ngân hàng gặp khó khăn trong tăng trưởng ngân hàng số cho đối tượng khách hàng này. Nhưng khi Covid-19 xảy ra, DN bắt đầu quan tâm đến ứng dụng số hơn, thay vì làm hồ sơ giấy, thì họ sử dụng ứng dụng ngân hàng để gửi thông tin đăng giao dịch với ngân hàng mà không cần đến tận nơi. Ngân hàng cung cấp các dịch vụ tích hợp về kế toán cho khách hàng DN… Hay chỉ cần một cuộc video cũng đã giúp giám đốc chi nhánh của ngân hàng gặp được khách hàng, giải quyết được vấn đề thay vì phải di chuyển đi lại… Nhờ những tiện ích này đã làm thay đổi tư duy của khách hàng và tạo nên tăng trưởng đột biến khách hàng DN sử dụng dịch vụ ngân hàng số với hơn 12,5 triệu giao dịch tăng hơn 50% trong năm nay. “Đây là con số khổng lồ”, ông Lân bày tỏ vui mừng.
Tuy nhiên theo lãnh đạo các ngân hàng, Covid-19 chỉ là chất xúc tác đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số. Lãnh đạo VietinBank cho biết, VietinBank cũng như nhiều ngân hàng đã thực hiện chuyển đổi số vài năm nay.“Nếu ngân hàng không sẵn sàng, chuẩn bị trước thì dù khách hàng thay đổi cũng sẽ không thể đạt được tăng trưởng đột biến”, ông Lân nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS. Trần Đình Thiên cho rằng, chuyển đổi số nhanh hay chậm ở Việt Nam còn phụ thuộc các chính sách có đồng nhịp, tùy thuộc vào nhu cầu của bản thân cơ quan, tổ chức, liên quan đến chuỗi liên kết, liên quan đến cơ hội khác nhau… Nếu lệch pha thì dù ngân hàng chuyển đổi mạnh cũng khó phát huy năng lực số của mình. “Muốn chuyển đổi số thành công cần có chính sách phù hợp, nếu không đảm bảo an toàn và có chính sách tốt thì khó chuyển đổi số. Yếu tố thể chế là yếu tố quyết định đối với phát triển kinh tế số, chứ công nghệ không phải vấn đề quá ghê gớm, mà là môi trường văn hóa, xã hội, thể chế, chính sách”, TS. Thiên khuyến nghị và và nhắc lại câu nói của Phó chủ tịch WB là chúng ta không được phép lãng phí cuộc khủng hoảng này, vì chúng ta đã tốn kém hàng nghìn tỷ. Vì thế, bước nhảy này, cần được phân tích để tháo gỡ các trở ngại trong cuộc khủng hoảng, tạo đà cho kinh tế số.
Ở góc độ ngân hàng, ông Trần Công Quỳnh Lân kỳ vọng vào năm 2021, nhiều quy định mới như về online lending cũng sẽ sớm được ban hành tạo nền tảng cho phổ cập tài chính toàn diện. Đây là cơ hội bùng nổ phổ cập dịch vụ tài chính cho tất cả mọi người dân. Cùng với việc NHNN ban hành Thông tư 16 cho phép ngân hàng mở tài khoản qua eKYC giúp người dân mở tài khoản chưa bao giờ tiện lợi hơn thế. “Tôi thực sự rất mong chờ năm 2021 để thấy sự bùng nổ, sự cạnh tranh trong chuyển đổi số lĩnh vực ngân hàng”, ông Lân bày tỏ.
Nguồn: Nguyễn Vũ – Thời báo ngân hàng