Quỹ tín dụng nhân dân địa bàn Quảng Bình: Nguồn lực nhỏ cho hiệu quả lớn
Quỹ tín dụng nhân dân địa bàn Quảng Bình: Nguồn lực nhỏ cho hiệu quả lớn
Hệ thống QTDND phát triển cả về lượng và chất trong các mặt hoạt động, góp phần hỗ trợ cho các thành viên trên địa bàn phát triển sản xuất – kinh doanh, dịch vụ, nâng cao đời sống của người dân, đóng góp không nhỏ vào việc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế địa phương, đẩy lùi tín dụng đen.
Năm 2018, dưới sự chỉ đạo của NHNN Chi nhánh Quảng Bình, hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn đã triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 02/10/2018, Đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, Nghị quyết 42/2017/QH14; tiếp tục chuyển tiếp hoạt động theo quy định tại Thông tư 04/2015/TT-NHNN ngày 31/3/2015.
Đến nay, hệ thống QTDND phát triển cả về lượng và chất trong các mặt hoạt động, góp phần hỗ trợ cho các thành viên trên địa bàn phát triển sản xuất – kinh doanh, dịch vụ, nâng cao đời sống của người dân, đóng góp không nhỏ vào việc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế địa phương, đẩy lùi tín dụng đen.
Ổn định nội lực
“Nếu như lãi suất cho vay luôn là một trong những ưu tư của người dân khi lựa chọn QTDND so với ngân hàng thương mại, thì tại QTDND Vạn Trạch (Quảng Bình), lãi suất trở thành động lực thu hút người dân và thành viên vay vốn sản xuất kinh doanh, qua đó, nhiều hộ gia đình vươn lên giàu có, kinh tế địa phương ngày càng phát triển…”, tâm sự của ông Hoàng Thanh Trắc, Giám đốc QTDND Vạn Trạch 6 năm trước nghe thật lạ. Bởi lẽ thường quy mô món vay càng nhỏ, lãi suất càng cao. Song hai chữ “thành viên” trở thành máu thịt, tâm huyết trong phát triển quỹ chính là nguyên nhân để quỹ đặt lợi ích hỗ trợ từng thành viên, người dân ở vùng đất còn nhiều khó khăn Bố Trạch, Quảng Bình.
Một quỹ tín dụng đã hơn 60 năm hoạt động từ năm 1958 tồn tại và phát triển đã là một kỳ tích, song quan trọng hơn là sự hoạt động của quỹ đã hỗ trợ cho trên 70% số hộ dân trên 6 địa bàn phụ trách, trong đó có 2 xã miền núi với 4.672 thành viên tham gia, tăng 1.421 thành viên so với cuối năm 2014, tỷ lệ tăng là 143,7%. Nhiều địa bàn, ngoài nguồn vốn hỗ trợ người nghèo và đối tượng chính sách từ NHCSXH thì nguồn vốn của QTDND là cơ hội tiếp cận vốn duy nhất để phát triển sản xuất kinh doanh, hay khi món vay nhỏ, đột xuất, không cần tài sản thế chấp và chỉ mất đôi ba tiếng là có thể nhận vốn vay.
Những dòng vốn tín dụng đôi khi là cơ hội duy nhất như thế trên địa bàn Quảng Bình không chỉ có ở Vạn Trạch, mà được lan rộng với sự phát triển của hệ thống QTDND cùng sự hỗ trợ của NHNN Chi nhánh Quảng Bình. Toàn tỉnh hiện có 24 QTDND hoạt động trên địa bàn 60 xã/ phường/ thị trấn. Có 17/24 đơn vị được phép mở rộng địa bàn hoạt động. Trong năm 2018, NHNN Chi nhánh đã có văn bản chấp thuận thành lập 6 phòng giao dịch của 5 QTDND, trong đó có 2 phòng giao dịch khai trương hoạt động.
Tuy nhiên, sự mở rộng đó là có định hướng và quản chế nghiêm ngặt. Ví như thực hiện Thông tư số 04/2015/TT-NHNN ngày 31/3/2015, năm 2017 Chi nhánh NHNN đã ban hành quyết định thu hồi địa bàn không liền kề của 3 QTDND. Hiện 3 đơn vị đang hoàn thành quy định chuyển tiếp về địa bàn hoạt động theo quy định tại Thông tư 04. 24/24 QTDND đã hoàn thành chuyển tiếp về mức góp vốn tối đa của một thành viên theo quy định. Hay như về quản trị điều hành, thời gian qua, bộ máy quản trị, điều hành của các QTDND trong tỉnh cơ bản đã được kiện toàn, củng cố, đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định…
Từng QTDND cũng đã tranh thủ sự chỉ đạo hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể trong quá trình triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại đối với hoạt động của QTDND; chủ động trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phát triển hệ thống QTDND. Từ đó đã khẳng định được vai trò, uy tín của hệ thống QTDND đối với cấp uỷ, chính quyền địa phương, tạo dựng lòng tin của nhân dân đối với hoạt động của hệ thống QTDND.
Bài toán mở rộng sự hỗ trợ thành viên và nâng cao năng lực tài chính tại QTDND được Chi nhánh NHNN tỉnh chỉ đạo các QTDND thực hiện song hành. Đến 31/12/2018 tổng tài sản của toàn hệ thống các QTDND trên địa bàn đạt 3.495,6 tỷ đồng, tăng 20,2% so cuối năm trước. Vốn tự có toàn hệ thống đạt 174,8 tỷ đồng, chiếm 5% tổng nguồn vốn, tăng 22,8%. Vốn điều lệ đạt 103,8 tỷ đồng, tăng 20,6% so với cuối năm trước.
Các QTDND trên địa bàn đã tích cực xử lý nợ xấu. Riêng năm 2018 các QTDND đã trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) được 6.149 triệu đồng, số dư DPRR đến cuối năm còn 25.089 triệu đồng, xử lý được 1.835 triệu đồng nợ xấu, trong đó: thu từ khách hàng 898 triệu đồng. Còn tính từ thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực 15/8/2017 đến cuối tháng 12/2018, số nợ xấu đã xử lý là 2.942 triệu đồng, trong đó khách hàng trả nợ là 2.034 triệu đồng (chiếm 69,1%), sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro chiếm 29,1%, xử lý ngoại bảng chiếm 1,8%. Mở rộng đi đôi với kiểm soát, lại có thêm sự hỗ trợ giám sát từ NHNN Chi nhánh, hoạt động của hệ thống QTDND trên địa bàn ngày càng đóng góp sâu vào tiến trình phát triển kinh tế của tỉnh.
Để vươn xa hơn
Đến 31/12/2018, tổng nguồn vốn của hệ thống QTDND trên địa bàn đạt 3.495,6 tỷ đồng, tăng 20,2% so 31/12/2017. Trong đó huy động tiền gửi tăng trưởng ổn định đạt 3.035,3 tỷ đồng (chiếm 86,9% tổng nguồn vốn), tăng 18,3% so 31/12/2017. Trên một địa bàn kinh tế đang trong thời kỳ tích lũy, nguồn vốn huy động từ địa phương thấp hơn nhu cầu, Ngân hàng Hợp tác xã đã góp thêm một trợ lực lớn cho các địa bàn còn thiếu vốn. Đến 31/12/2018, nguồn vốn vay của các QTDND là 191,9 tỷ đồng (chiếm 5,9% tổng nguồn vốn), tăng 70,4% so cuối năm trước; chủ yếu là vay Ngân hàng Hợp tác xã: 190,9 tỷ đồng.
Đây là tiền đề để các QTDND phát huy vai trò hỗ trợ nguồn vốn cho các thành viên. Đến 31/12/2018, tổng dư nợ cho vay đạt 3.028 tỷ đồng (chiếm 86,6% tổng nguồn vốn), tăng 23,2% so 31/12/2017; bình quân 126,2 tỷ đồng/quỹ. Đơn vị có dư nợ cho vay cao nhất Nhân Trạch (364,9 tỷ đồng), Vạn Trạch (360,6 tỷ đồng); thấp nhất Phú Thủy (21,1 tỷ đồng), Hải Trạch (39,3 tỷ đồng). Chất lượng tín dụng của các QTDND tương đối tốt với tỷ lệ nợ xấu thấp. 16/24 đơn vị có tỷ lệ nợ xấu dưới 1%, 8/24 đơn vị không có nợ xấu. Đáng nói hơn là con số thành viên có cơ hội tiếp cận tín dụng lên đến 52.199 thành viên, tăng 3.329 thành viên (+6,8%) so với cuối năm trước. Bình quân đạt 2.174 thành viên/quỹ.
Cùng với các dịch vụ ngân hàng truyền thống, các dịch vụ ngân hàng hiện đại cũng được mở rộng trong hệ thống QTDND. Đến cuối năm 2018, có 8 QTDND được NHNN cấp Giấy phép chi trả ngoại tệ. Trong năm đã chi trả được 78,3 tỷ đồng (tương đương 3.368 ngàn USD), tăng 23,5% so năm trước. Đến cuối năm 2018, có 21 QTDND đã thực hiện thanh toán trong hệ thống nhằm phục vụ nhu cầu của thành viên, khách hàng, đồng thời từng bước đa dạng hóa dịch vụ của QTDND. Doanh số chuyển tiền trong năm đạt 679,6 tỷ đồng, tăng 42,8% so năm trước.
Tuy nhiên, kết quả của các cuộc thanh tra tại các QTDND cho thấy còn một số khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các quy định do chưa phù hợp với tình hình thực tế, như mức vốn góp xác lập tư cách thành viên, Tổng mức nhận tiền gửi từ thành viên so với tổng mức nhận tiền gửi, quy định về chuyển tiếp địa bàn hoạt động. Cùng với đó còn tồn tại sự yếu kém trong nội tại QTDND về điều hành, quản trị, nguồn nhân lực. Việc thực hiện khắc phục kiến nghị sau thanh tra ở một số quỹ còn chậm. Các kỹ năng mềm hầu như chưa được các QTDND quan tâm đầy đủ…
Chính vì vậy, Giám đốc NHNN Chi nhánh Quảng Bình Đinh Quang Hiếu, cho biết trong năm 2019, NHNN Chi nhánh tiếp tục tập trung rà soát, củng cố, chấn chỉnh toàn bộ hệ thống QTDND hiện nay nhằm đảm bảo ổn định, an toàn, lành mạnh và hiệu quả đi đôi với mở rộng vững chắc các QTDND mới ở khu vực nông thôn. Đồng thời thanh tra, giám sát toàn diện hoạt động của hệ thống QTDND trên địa bàn; đảm bảo quy mô hoạt động của hệ thống phù hợp với mô hình tổ chức tín dụng hợp tác; sát đúng với bản chất của mô hình kinh tế tập thể với mục tiêu tương trợ giữa các thành viên trên cơ sở liên kết trong cùng địa bàn xã, phường, thị trấn.
“Đó là cơ sở cho sự ổn định, lành mạnh và an toàn hoạt động của hệ thống QTDND”, ông Đinh Quang Hiếu nhấn mạnh. Chi nhánh NHNN tỉnh cũng đã định hướng một số chỉ tiêu cụ thể của hệ thống QTDND: Dư nợ tín dụng tăng tối đa 17%, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%/tổng dư nợ cho vay; vốn điều lệ tăng tối thiểu 20%, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8%, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn là 30%.
Đặc biệt, NHNN Chi nhánh tỉnh sẽ chỉ đạo và giám sát việc điều chỉnh hoạt động nhằm tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc của mô hình kinh tế hợp tác xã, bảo đảm QTDND hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động và nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương, xóa đói, giảm nghèo và đẩy lùi cho vay nặng lãi. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 209/QĐ-NHNN ngày 31/01/2019. Tiếp tục triển khai thực hiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 theo đúng lộ trình đã được phê duyệt, Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 2/10/2018 của NHNN Việt Nam.
(Trích Thời báo ngân hàng)