Thị trường tài chính trong “cú sốc” đại dịch Covid-19
Để có thể vừa chủ động nắm bắt cơ hội, triển vọng phát triển, phòng ngừa rủi ro, hướng tới phát triển bền vững, Việt Nam cần hoàn thiện và thực thi có hiệu quả các chiến lược và thể chế pháp luật trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, tái cơ cấu lại các TCTD và thị trường chứng khoán, bảo hiểm… để hướng tới phát triển một thị trường tài chính bền vững và hội nhập quốc tế
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho biết tại Hội thảo “Định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược của Việt Nam” do báo Sài Gòn giải phóng Đầu tư Tài chính và trường đại học Kinh tế TP.HCM tổ chức ngày 27/4/2021, kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu đã trải qua “cú sốc” bất lợi nhất trong vòng một thế kỷ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song cũng đang chuyển mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên số. Theo đó, hệ thống tài chính toàn cầu giai đoạn 2021 – 2025 đang chứng kiến nhiều xu hướng chủ đạo, đặt ra nhiều cơ hội, đan xen không ít nguy cơ, thách thức do những biến động phức tạp và khó lường của dịch bệnh, sự vận động không ngừng của thị trường và sự xuất hiện của những yếu tố mới.
Hiện nay, hệ thống tài chính Việt Nam đã phát triển vượt bậc về cả chất và lượng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế. Quy mô thị trường tài chính Việt Nam bao gồm cả 3 khu vực ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm tương đương 324% GDP năm 2020. Cùng với đó, hệ thống các định chế tài chính, hàng hóa, lượng doanh nghiệp niêm yết… của Việt Nam phát triển khá nhanh. Tuy nhiên, hệ thống tổ chức tín dụng vẫn chi phối chiếm khoảng 62,6% tổng tài sản hệ thống tài chính, tiếp đến là vốn hóa thị trường cổ phiếu, trái phiếu và thị trường bảo hiểm.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch, hệ thống tài chính Việt Nam, về cơ bản, cũng đang bắt nhịp theo những xu hướng chủ đạo trên thế giới như xu hướng chuyển đổi số, thay đổi chính sách tiền tệ – tài khóa trong và sau dịch Covid-19, tái cấu trúc, phát triển tài chính xanh và hội nhập tài chính ngân hàng. Song là nền kinh tế có độ mở lớn, hệ thống tài chính Việt Nam đã, đang và sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi sự phục hồi chưa thực sự bền vững của nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu cũng như những khó khăn nội tại của nền kinh tế.
Bàn về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, dưới góc độ tài chính, đại dịch Covid-19 bùng nổ đóng vai trò như “cú sốc” cấu trúc, có tính dai dẳng và bất định đối với nền kinh tế toàn cầu. Nhiều xu hướng, quan hệ kinh tế trước đây đã bị phá bỏ và một trật tự mới có thể được hình thành, bao gồm sự đứt gãy, tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, sự bi quan của các nhà đầu tư đã khiến dòng vốn FDI quay đầu, đồng thời thế giới chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ ở các nước.
Tuy nhiên với Việt Nam, ở khía cạnh tích cực, Covid-19 sẽ thúc đẩy quá trình cải cách kinh tế Việt Nam diễn ra nhanh hơn, bao gồm sự thay đổi những động lực tăng trưởng trước đây. Điển hình như động lực về thương mại của Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như sự thoái trào của toàn cầu hóa. Bên cạnh đó là sự cải cách trong cách vận hành nền kinh tế, cũng như phát huy tối đa tiềm lực trong nước, thay vì phải phụ thuộc vào thương mại.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 lại bùng phát trên thế giới và còn đang diễn biến phức tạp, kéo dài, hệ thống tài chính quốc tế và trong nước đang chứng kiến một cuộc “cách mạng kỹ thuật số” diễn ra mạnh mẽ.
Có thể nói, sự phát triển của CMCN 4.0 cùng với xu hướng chuyển đổi số đã và đang thay đổi mọi mặt hoạt động của lĩnh vực dịch vụ tài chính. Các nền tảng công nghệ hiện đại, đột phá như điện toán đám mây, dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), internet vạn vật (IoT), tự động hóa quy trình bằng robot (RPA)… ngày càng được ứng dụng rộng rãi, góp phần đa dạng hóa các hoạt động và kênh phân phối, hiện đại hóa sản phẩm, dịch vụ tài chính, gia tăng am hiểu nhu cầu, hành vi khách hàng, tăng năng suất, chất lượng hoạt động của hệ thống tài chính.
Cùng với đó, các ứng dụng sinh trắc học, công nghệ thực tế ảo góp phần nâng cao hiệu quả xác thực, tương tác khách hàng. Các mô hình và phương thức kinh doanh mới như ví điện tử, cho vay ngang hàng, huy động vốn cộng đồng, tiền kỹ thuật số… đang phát triển nhanh, tạo nên sự cạnh tranh và thách thức với mô hình, hệ thống tài chính truyền thống. Sự phát triển của công nghệ cũng là nền tảng tạo nên sự phát triển mạnh của các trung tâm công nghệ tài chính (fintech centers) trên toàn cầu, trong đó có các trung tâm tài chính hàng đầu khu vực châu Á như Singapore, Hongkong, Dubai… đang rất chú trọng phát triển thị trường này, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp, chưa có hồi kết. Và ngay tại Việt Nam, một vấn đề đặt ra vô cùng cấp thiết về việc hình thành trung tâm tài chính tại một trung tâm, đầu tàu kinh tế của cả nước là TP.HCM đang rất được quan tâm, để tạo động lực phát triển cho nền kinh tế, tài chính của đất nước.
“Hệ thống tài chính Việt Nam đã và đang có những bước phát triển mạnh mẽ và sức chịu đựng ngày càng được tăng cường trong bối cảnh nhiều biến động, song triển vọng phát triển phụ thuộc khá lớn vào sự phục hồi của nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu, sự ổn định, bền vững của niềm tin nhà đầu tư. Vì vậy, để có thể vừa chủ động nắm bắt cơ hội, triển vọng phát triển, phòng ngừa rủi ro, hướng tới phát triển bền vững, Việt Nam cần hoàn thiện và thực thi có hiệu quả các chiến lược và thể chế pháp luật trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, tái cơ cấu lại các TCTD và thị trường chứng khoán, bảo hiểm… để hướng tới phát triển một thị trường tài chính bền vững và hội nhập quốc tế”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Nguồn: Tuyết Thanh – Thời báo ngân hàng