Tín dụng chính sách ở thành phố Thái Bình nhiều chuyển biến tích cực
Tín dụng chính sách ở thành phố Thái Bình nhiều chuyển biến tích cực
Để tạo nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) thành phố Thái Bình đã tham mưu với HĐND, UBND Thành phố dành một phần ngân sách địa phương bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng CSXH. Chính vì thế, trong tổng nguồn vốn hoạt động đến ngày 30/9 của Ngân hàng CSXH trên địa bàn thành phố Thái Bình là 109,29 tỷ đồng thì nguồn vốn ủy thác đầu tư của địa phương chiếm 1,52% (trong đó UBND Thành phố quyết định chuyển 1 tỷ đồng và HĐND Thành phố quyết định bổ sung 500 triệu đồng), nguồn vốn trung ương chiếm 83% và nguồn vốn huy động cấp bù lãi suất chiếm 15,48%. Với kết quả đó, thành phố Thái Bình là địa phương có số dư tiền ủy thác đầu tư cao so với các huyện khác. Bên cạnh đó, Ban đại diện Hội đồng quản trị còn tham mưu cho UBND Thành phố bổ sung 3 thành viên vào Ban đại diện là Chủ tịch UBND xã Tân Bình, phường Tiền Phong và phường Trần Lãm, phân công nhiệm vụ cụ thể khi tham gia Ban đại diện, từ đó nâng cao được vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong thực hiện chính sách cho vay ưu đãi của Chính phủ. Đối với các đoàn thể, các tổ tiết kiệm và vay vốn, Ban đại diện tích cực chỉ đạo thực hiện tốt việc quản lý dư nợ cho vay, đôn đốc hộ vay trả nợ gốc và thực hiện thu lãi tiền vay theo đúng nội dung đã ghi trong hợp đồng ký với Ngân hàng CSXH, đồng thời tham gia đầy đủ các cuộc họp giao ban với Ngân hàng CSXH tại các phiên trực giao dịch cố định tại 19 xã, phường.
Đến ngày 30/9, Ngân hàng chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh đã giải ngân nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ cho 1.280 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn thành phố với tổng doanh số cho vay 18,568 tỷ đồng; tổng doanh số thu nợ đạt 25,567 tỷ đồng; tổng dư nợ đạt 108,377 tỷ đồng với 5.589 hộ đang vay vốn, đạt 95,9% kế hoạch năm, trong đó cho vay ngắn hạn chiếm 0,5% tổng dư nợ; tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,11% tổng dư nợ. Các chương trình có tỷ lệ dư nợ cao: cho vay hộ cận nghèo (tổng dư nợ 43,822 tỷ đồng với 1.850 hộ đang vay vốn), cho vay giải quyết việc làm (tổng dư nợ 11,102 tỷ đồng với 536 hộ đang vay vốn), cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (tổng dư nợ 19,703 tỷ đồng với 2.324 hộ đang vay vốn), cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn (tổng dư nợ 29,62 tỷ đồng với 1.558 hộ đang vay vốn). Nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ được người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn thành phố sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả, từ đó giúp họ từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống. Là thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Trung Nghĩa, xã Đông Hòa do Hội Nông dân xã quản lý, anh Nguyễn Xuân Kiều đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ để phát triển chăn nuôi. Qua Hội Nông dân xã, anh Kiều được vay 20 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm và 11 triệu đồng từ chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của Ngân hàng chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh. Đến nay, anh Kiều thường xuyên nuôi 400 con gà đẻ, thả các loại cá truyền thống với tổng diện tích 1.000m2, mỗi năm cho thu nhập trung bình 80 triệu đồng.
Để tạo chuyển biến tích cực hơn nữa trong thực hiện tín dụng chính sách, thời gian tới, thành phố Thái Bình tập trung tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40 nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương; chủ động cân đối từ ngân sách địa phương ủy thác cho Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ kịp thời đến đúng đối tượng được thụ hưởng.
( báo thaibinhonline)