Tiền đồng mất giá: Có thực sự đáng lo?
Tiền đồng mất giá: Có thực sự đáng lo?
Nhiều doanh nghiệp (DN) cảm thấy hoang mang khi có quá nhiều đánh giá về việc tiền đồng có thể tiếp tục giảm giá thêm 4 – 5% so với USD.
Việt Nam ghi nhận mức thâm hụt thương mại xấp xỉ 6 tỷ USD. Một giám đốc công ty xuất nhập khẩu chia sẻ, năm nay, tình hình cũng không khá hơn khi áp lực từ phía bên ngoài tiếp tục là yếu tố lớn nhất tạo nên rủi ro tỷ giá, đặc biệt là đồng USD mạnh lên cùng lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và khả năng đồng Nhân dân tệ (NDT) tiếp tục lao dốc…
Trước áp lực hiện tại, giới chuyên gia thừa nhận tiền đồng mất giá là có nhưng không gây sốc nhiều cho DN. Trong năm 2016, xét riêng các yếu tố trong nước, hiện không thấy yếu tố rõ ràng nào có thể gây áp lực lớn cho tỷ giá. Trong đó, tâm lý đầu cơ ngoại tệ thông qua nhiều biện pháp và can thiệp hợp lý của ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bị hạn chế đáng kể. Chưa kể, bước sang năm 2016, ngân hàng nhà nước đã chính thức áp dụng cơ chế điều hành mới với tỷ giá trung tâm hằng ngày.
Như vậy, thay vì đưa ra cam kết rõ ràng về việc giữ ổn định tỷ giá như các năm trước, cơ chế điều hành tỷ giá mới theo hướng linh hoạt đã được áp dụng. Mới đây, chuyên gia tài chính Lê Xuân Nghĩa khẳng định năm 2016 và những năm tiếp theo, tổng ngoại tệ vào Việt Nam vẫn lớn hơn tổng ngoại tệ ra khỏi Việt Nam. Nói cách khác cung cầu ngoại tệ về cơ bản là dư thừa nếu Việt Nam khắc phục được tình trạng găm giữ ngoại tệ.
Về lý thuyết, yếu tố tỷ giá vốn được nhiều quốc gia sử dụng để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu, và năm 2015, ngân hàng nhà nước Việt Nam cũng đã vận dụng hình thức này. Đơn cử, sau hai lần phá giá mang tính chủ động đầu năm và giữa năm 2015, ngân hàng nhà nước thực sự phải đối mặt với thách thức điều hành khi Trung Quốc thay đổi chính sách tỷ giá. Điều này cũng dễ hiểu bởi Trung Quốc là đối tác có tỷ trọng thương mại chiếm trên 20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Như vậy, tính chung cả năm 2015, tiền đồng mất giá khoảng 5,1%, nhưng tương đương mức giảm giá của đồng NDT. Thiết nghĩ, yếu tố bất ngờ từ Trung Quốc khiến nhiều DN phải nhìn nhận thêm về chính sách điều hành tỷ giá của Việt Nam dưới tác động của quốc tế. Ngoài ra, dù chính sách điều chỉnh tỷ giá khiến VND mất giá so với USD, nhưng đối với hoạt động thương mại, kết quả điều hành tỷ giá trong năm qua giúp hạn chế nguy cơ phình ra của thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Trong năm qua, sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam có thể đã giảm so với một số nước trong khu vực như Malaysia và Thái Lan, nơi đồng tiền của các nước này mất giá mạnh trong năm 2015. Thế nhưng, DN cũng phải nhìn thấy rằng, cam kết không phá giá thêm nữa tiền đồng từ sau đợt điều chỉnh vào tháng 8/2015 khiến ngân hàng nhà nước phải chịu tổn thất đối với tài khoản dự trữ ngoại hối.
Theo ước tính của một số chuyên gia kinh tế, ngân hàng nhà nước ít nhất đã dùng hơn 10 tỷ USD để ổn định tỷ giá trong nửa sau năm 2015, đưa cân đối vĩ mô là dự trữ ngoại hối về lại tình trạng không còn dồi dào.
Tuy nhiên, bước sang năm 2016, áp lực FED tăng lãi suất và tỷ giá NDT liên tục giảm, kéo theo làn sóng giảm giá mạnh các đồng tiền của đối tác thương mại chính của Việt Nam. Nhiều dự báo đưa ra tiền đồng mất giá thêm 4-5% so với USD, khiến DN cảm thấy hoang mang, nảy sinh ý định giữ tiền, chờ đợi thị trường chuyển biến.
Tình hình càng trở nên khó khăn hơn khi tất cả những quan sát trên cho thấy cả năm nay, hoạt động xuất khẩu nội địa bị ảnh hưởng tiêu cực bởi xu hướng giá hàng hóa. Qua bức tranh thương mại, tính gia công của DN hiển hiện, năng lực chế biến sâu và việc nâng cao chất lượng để cải thiện giá trị xuất khẩu chưa thực sự rõ nét. Còn xét về độ mở rộng của hoạt động thương mại, Việt Nam khai phá khá tốt các thị trường mới ở khu vực Mỹ La tinh và châu Âu.
Trong khi đó, xuất khẩu sang khu vực thường xuyên trao đổi hàng hóa với Việt Nam là các nước châu Á – Thái Bình Dương không khả quan trong cả năm 2015. Thống kê hoạt động xuất khẩu giữa Việt Nam và các đối tác đã, đang và sắp ký kết các hiệp định thương mại chưa cho thấy tín hiệu tích cực.
Cụ thể, năm 2015, tăng trưởng xuất khẩu sang khối TPP ước đạt hơn 7%, khối EU đạt khoảng 11%, Cộng đồng AEC đạt khoảng 4%, đều giảm so với tốc độ tăng của năm trước. Xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng cao (hơn 25%) song thâm hụt thương mại của Việt Nam với nước này tăng mạnh từ 13 tỷ USD lên gần 18 tỷ USD trong năm 2015.
Cũng có những nhận định trái chiều về tỷ giá, báo cáo của Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết, trong ngắn hạn, áp lực tăng tỷ giá không quá cao do đồng USD đang trong xu hướng giảm giá trước động thái trì hoãn tăng lãi suất của FED và nhu cầu đầu năm giảm. Các chuyên gia của MBS cho rằng, ngân hàng nhà nước đang hướng tới mục tiêu điều hành tỷ giá theo cơ chế thả nổi có kiểm soát.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia: “Áp lực lên tỷ giá trong năm 2016 là khá lớn do khả năng tăng giá của đồng USD khi nền kinh tế Mỹ khởi sắc, trong khi đồng NDT nhiều khả năng tiếp tục phá giá để duy trì xuất khẩu và việc làm của nền kinh tế Trung Quốc”.
Cùng nhận định trên, các chuyên gia cho rằng, thị trường tài chính và ngoại hối thế giới sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp. Ngoài ra, cầu nội địa Việt Nam đang phục hồi và nhiều khả năng sẽ đẩy nhập siêu tăng lên trong năm 2016, luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có khả năng giảm nếu quá trình cổ phần hóa chậm lại hoặc không thực chất…
(trích antt.vn)