Chạy đua lãi suất: Kẻ quyết liệt, người dửng dưng
Chạy đua lãi suất: Kẻ quyết liệt, người dửng dưng
Liên tục chạy đua lãi suất tiết kiệm trong thời gian gần đây, các ngân hàng đang “co kéo” khách hàng có nguồn tiền nhàn rỗi bằng những chiêu thức hấp dẫn ở tất cả các kỳ hạn.
Thời điểm gần đây, thị trường liên tục đón nhận những màn rượt đuổi của các ngân hàng khi họ đang cạnh tranh quyết liệt để thu hút lượng tiền nhàn rỗi trong dân cư. Bằng chứng là sau hiện tượng một số ngân hàng thương mại áp lãi suất các kỳ hạn dài vượt mức 8%/năm, hàng loạt nhà băng đã bắt đầu chuyển sang một chiến tuyến mới – đua lãi suất ở các kỳ hạn ngắn lên tới kịch trần.
Khảo sát của chúng tôi tại thị trường lãi suất của các ngân hàng hiện nay cho thấy, hầu hết các ngân hàng đều đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động để thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư.
Đáng chú ý, một số ngân hàng có quy mô nhỏ hoặc tầm trung đã niêm yết kịch trần lãi suất 5,5% tại các kỳ hạn dưới 6 tháng mà NHNN đã quy định.
Ngân hàng Phương Đông (OCB) là một ví dụ điển hình cho thấy diễn biến lãi suất huy động VND đã tăng lên khá nhanh trong thời gian qua. Theo bảng lãi suất cập nhật ngày 2/3, bên cạnh việc chạy đua lãi suất kỳ hạn dài từ 12-36 tháng lên tới 8%/năm, thì ngân hàng đã liên tục điều chỉnh bảng lãi suất huy động kỳ hạn ngắn. Mức lãi suất ở kỳ hạn 3-5 tháng đã kịch trần 5,5%. Đối với tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng với mức lãi suất lần lượt 5,3-5,4%, nếu gửi tiết kiệm trực tuyến (online) khách hàng còn được cộng thêm 0,1%/năm.
Các ngân hàng 0 đồng cũng có mức lãi suất tiệm cận trần huy động từ 5,3-5,45%. Với kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống, CBBank là ngân hàng top đầu về lãi suất huy động. Cụ thể, lãi suất huy động VND các kỳ hạn từ 1-5 tháng đã áp sát trần cho phép 5,5%/năm, với 5,4-5,45%/năm. Tại Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), lãi suất huy động đã kịch trần 5,5%/năm tại kỳ hạn 5 tháng; các kỳ hạn từ 1-4 tháng dao động từ 4,9-5,2%/năm.
Tại Ngân hàng Quốc dân (NCB), lãi suất tiền gửi tiết kiệm trực tuyến cũng đã kịch trần 5,5%/năm ở các kỳ hạn ngắn. Với 50 triệu đồng vừa gửi tại NCB, chị T. Nga (Hà Đông, Hà Nội) cho biết chị gửi với kỳ hạn 2 tháng trực tuyến cũng đã được hưởng lãi suất kịch trần 5,5%.
Tương tự Ngân hàng Nam Á (NamABank), lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 3-5 tháng niêm yết là 5,4%, còn lãi suất trực tuyến cũng đã đồng loạt kịch trần 5,5%/năm tất cả các kỳ hạn từ 1-5 tháng.
Không những vậy, các ngân hàng này còn đẩy mạnh khuyến mại quà tặng, cào thẻ để thu hút tiền gửi của khách hàng. Nếu tính cả chi phí khuyến mại, lãi suất thưởng cho khách hàng gửi tiền thì một vài ngân hàng trên đã vượt trần lãi suất huy động.
Mặc dù vậy vẫn có những cái tên nằm ngoài “cuộc chơi”. Thực tế, giữa các top ngân hàng quy mô lớn – nhỏ có sự bất cân xứng về tình hình huy động vốn. Trong khi các ngân hàng lớn không tăng lãi suất đầu vào thì một số ngân hàng nhỏ vẫn đang miệt mài tăng cường các chương trình hấp dẫn nhằm thu hút lượng tiền gửi của khách hàng, tăng nguồn tiền phục vụ nhu cầu tín dụng tiêu dùng và bất động sản.
Cụ thể, một số ngân hàng quốc doanh hầu như không có sự thay đổi trong thời gian gần đây. Lãi suất kỳ hạn từ 1-3 tháng tại BIDV dao động từ 4,8-5,2%, thấp hơn 0,3 -0,4% so với các ngân hàng nhỏ khác. Tại Vietcombank, khung lãi suất còn niêm yết ở mức thấp hơn, lãi suất 1 tháng chỉ ở mức 4,5%, 2 tháng là 4,6% và 3 tháng là 4,8%.
Một so sánh khác từ kết quả khảo sát cho thấy lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại cổ phần đang bỏ khá xa lãi suất của các ngân hàng có vốn nhà nước từ 1,5-1,8%/năm ở các kỳ hạn dài.
Chẳng hạn, với kỳ hạn 24 tháng, Vietcombank trả lãi 6,2%/năm trong khi nếu gửi tại OCB khách hàng được nhận lãi suất cao hơn 1,6% tức là ở mức 7,8%/năm.
(trích cafef.vn)