Rủi ro trong thanh toán: Khách lo một, ngân hàng lo mười

Rủi ro trong thanh toán: Khách lo một, ngân hàng lo mười

Công tác an ninh, an toàn, bảo mật trong giao dịch thanh toán luôn được các đơn vị coi trọng và là ưu tiên hàng đầu; quyền lợi hợp pháp của khách hàng luôn được quan tâm và bảo vệ.

Nằm trong chuỗi sự kiện nhân Ngày không tiền mặt (16/6) đích thân Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã đến siêu thị Co.op Mart Cống Quỳnh và chợ An Đông TP.Hồ Chí Minh để dán nhãn “Thanh toán không tiền mặt” nhằm quảng bá cho các dịch vụ thanh toán tiện ích mà hệ thống ngân hàng cùng các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán đang triển khai rầm rộ những năm gần đây.

“Phải làm sao mọi người tiêu dùng trải nghiệm phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) dù chỉ một lần để họ thấy được sự tiện ích, an toàn của hình thức thanh toán văn minh…”, đó là tâm sự của lãnh đạo một NHTM với phóng viên. Hiện thực hóa mục tiêu này có dễ không?

Về chủ trương, chính sách: Chính phủ đã có chủ trương phát triển TTKDTM từ lâu. Theo định hướng này, ngành Ngân hàng và các bộ, ngành liên quan đã sớm xây dựng và ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật vừa để quản lý, vừa khuyến khích phát triển các phương thức TTKDTM. Cơ quan quản lý không chỉ theo sát xu thế vận hành, phát triển của nền kinh tế trong và ngoài nước mà còn có định hướng dài hơi. Đơn cử, theo Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030: Đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 10%; đến cuối năm 2025, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 8%… Với bản thân các TCTD và trung gian thanh toán: Phát triển các dịch vụ ngân hàng số nói chung và TTKDTM nói riêng là nhu cầu, là cuộc đua cam go trong việc phát triển sản phẩm, dịch vụ nhằm thu hút khách hàng, mở rộng thị phần.

Về điều kiện thực tế, những yếu tố khách quan khác cũng có nhiều yếu tố thuận lợi cho TTKDTM phát triển trong thời gian tới, như: trên 70% người Việt Nam dùng điện thoại thông minh; 69,3% dân số Việt Nam có độ tuổi từ 15 đến 64 tuổi có thể dễ dàng tiếp nhận và sử dụng các dịch vụ TTKDTM. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp như hiện nay chắc chắn nhu cầu sử dụng các phương thức TTKDTM sẽ gia tăng. Số liệu thống kê của NHNN cho thấy, so với cùng kỳ năm 2019, trong 4 tháng đầu năm 2020, tổng giá trị giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 18,30%; giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tăng 73,36% về số lượng và tăng 129,47% về giá trị; thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị; qua kênh Internet tăng 3,2% về số lượng và 45,7% giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 198,8% về số lượng và 21,9% về giá trị… Những con số này khiến các bên cung ứng dịch vụ có thể kỳ vọng tương lai phát triển vượt bậc hơn của TTKDTM. Song, chúng ta vẫn cần thẳng thắn nhìn nhận thực tế: người tiêu dùng vẫn lo ngại về rủi ro trong TTKDTM.

Lãnh đạo vụ chức năng NHNN cho biết, để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin (ATTT) trong ngành Ngân hàng, thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, hành lang pháp lý về ATTT mạng; xây dựng khung đánh giá rủi ro ATTT theo thông lệ quốc tế để chuẩn hóa hạ tầng ATTT ngành Ngân hàng; phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra, đánh giá an toàn bảo mật các hệ thống thông tin của các đơn vị trong Ngành… NHNN cũng yêu cầu TCTD quan tâm đầu tư, triển khai các giải pháp an ninh, bảo mật tương ứng với mức độ quan trọng và rủi ro của hệ thống thông tin; đảm bảo tỷ lệ kinh phí chi cho các sản phẩm, dịch vụ ATTT mạng đạt tối thiểu 10% trong tổng kinh phí triển khai kế hoạch ứng dụng CNTT hàng năm. TCTD phải triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ, phòng, chống lộ lọt dữ liệu trên toàn bộ hệ thống thông tin; tăng cường kiểm tra, giám sát toàn bộ quy trình, các khâu có tiềm ẩn phát sinh rủi ro về ATTT.

Các TCTD giám sát, phân tích hành vi, thói quen của khách hàng không chỉ để nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mới mà còn nhằm phát hiện kịp thời giao dịch gian lận, bất thường; phát hiện, ngăn chặn kịp thời các giao dịch bất hợp pháp. NHTM và các đơn vị cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cũng phải xây dựng các quy trình, kịch bản và tổ chức diễn tập định kỳ ứng phó với các sự cố, rủi ro mất ATTT để nâng cao năng lực ngăn chặn, giải thiểu các tác động tiêu cực, hậu quả của các cuộc tấn công mạng…

Công tác an ninh, an toàn, bảo mật trong giao dịch thanh toán luôn được các đơn vị coi trọng và là ưu tiên hàng đầu; quyền lợi hợp pháp của khách hàng luôn được quan tâm và bảo vệ. Song, lãnh đạo NHTM cũng thừa nhận: “Thời đại công nghệ số chúng ta phải chấp nhận sống cùng rủi ro ATTT, nhưng khách hàng lo một thì chúng tôi lo mười”.

Nguồn: Hà An – Thời báo ngân hàng

Share this post