Vì sao Bộ Tài chính “đòi tiền” hai ngân hàng?
Vì sao Bộ Tài chính “đòi tiền” hai ngân hàng?
Chuyện được chú ý đầu tuần này là việc Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã gửi công văn đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng yêu cầu người đại diện phần vốn nhà nước tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) biểu quyết chia cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt và nộp toàn bộ số cổ tức được chia vào ngân sách nhà nước.
Xung quanh việc này có nhiều ý kiến bình luận cho rằng giữa hai cơ quan Bộ Tài chính và NHNN có sự vênh nhau trong điều hành. Song từ sự chia sẻ của người trong cuộc thì câu chuyện không hẳn là như vậy, và họ đã lường trước việc này.
Bộ Tài chính và NHNN có “đồng sàng dị mộng”?
Trong vai trò quản lý kinh tế, Bộ Tài chính là đơn vị quản lý, giữ gìn (hay bảo toàn) và lo việc thu chi tài sản của Nhà nước, bao gồm ngân sách nhà nước, tài sản công, và các nguồn vốn của Nhà nước được nằm rải rác trong nền kinh tế, trong đó có vốn của Nhà nước nằm tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) gồm cả bốn ngân hàng gốc quốc doanh: Agribank, BIDV, VCB, VietinBank. Bộ Tài chính có quyền sở hữu và định đoạt các tài sản, nguồn vốn này dưới sự ủy quyền của Chính phủ.
Vốn của Nhà nước đang nằm tại các ngân hàng, hơn 95% vốn điều lệ của BIDV và hơn 64% của VietinBank là một nguồn vốn đầu tư của Chính phủ, sau khi hai ngân hàng đã cổ phần hóa Chính phủ trở thành cổ đông chi phối lớn nhất. Và Bộ Tài chính có quyền quyết định như thế nào với số lợi tức mà vốn của họ đang giữ quyền sở hữu đã được đầu tư vào đó. Tức là cổ tức mà BIDV và VietinBank được chia theo tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng thuộc quyền quyết định và sử dụng của Bộ Tài chính.
Đó là lý do các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hay doanh nghiệp do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đại diện phần vốn nhà nước từ trước tới nay mặc nhiên phải nộp lại cổ tức hay lợi nhuận nếu có cho Bộ Tài chính và số tiền này được đưa vào ngân sách để Bộ Tài chính phân bổ.
Nhưng riêng với các ngân hàng gốc quốc doanh có sự khác biệt so với các DNNN khác. Sau khi VCB, VietinBank và BIDV cổ phần hóa các năm trước đã nảy ra tranh luận giữa Bộ Tài chính và NHNN. Với lý lẽ cho rằng NHNN cần là cơ quan chủ quản và đại diện phần vốn nhà nước tại VCB, VietinBank và BIDV sẽ tốt hơn việc chuyển phần vốn đó cho SCIC quản lý. Lĩnh vực ngân hàng có độ nhạy cảm cao và dễ tác động đến thị trường tiền tệ cũng như an ninh tài chính tiền tệ, nên nếu giao Bộ Tài chính hay SCIC quản lý các cơ quan này không có nhiều kinh nghiệm điều hành ngân hàng, dễ gây khó khăn cho nền kinh tế. NHNN sẽ cử người đại diện phần vốn của Nhà nước tại các ngân hàng này, mỗi ngân hàng có ba người đại diện phần vốn nhà nước. Họ có nghĩa vụ thực hiện quyền cổ đông của Chính phủ dưới sự thừa lệnh và ủy quyền của cơ quan chủ quản ngành là NHNN nhưng đồng thời phải xin ý kiến của Bộ Tài chính trong một số trường hợp. Đây là lý do tại BIDV, VietinBank, VCB luôn có ít nhất một đại diện của NHNN trong HĐQT và có thêm người đại diện phần vốn nhà nước là chính lãnh đạo của ngân hàng được NHNN đề cử. Theo Luật Tổ chức tín dụng, các lãnh đạo ngân hàng này cũng đều được NHNN cân nhắc và phê chuẩn trước khi được bổ nhiệm.
Về cổ tức của Nhà nước tại các ngân hàng trên, theo các quy định và quy trình được thực hiện những năm qua: trước đại hội đồng cổ đông, người đại diện phần vốn nhà nước tại ngân hàng đề xuất phương án chia cổ tức lên NHNN. NHNN đưa ra ý kiến của mình, đồng tình hay không. Rồi NHNN gửi ý kiến của ngân hàng thương mại đó cùng với ý kiến của NHNN sang hỏi ý kiến Bộ Tài chính. Và ngân hàng thương mại sau đó sẽ thực hiện theo ý kiến được Bộ Tài chính và NHNN đã thống nhất. Một vị lãnh đạo ngân hàng gốc quốc doanh cho biết, lưu ý rằng tuy không trả lời ngân hàng cùng một thời điểm nhưng không có nghĩa ý kiến hai cơ quan trên đưa ra là luôn ngược chiều với nhau.
Không họp lại đại hội đồng cổ đông
Năm nay, VietinBank và BIDV cũng đã làm như vậy trước đại hội đồng cổ đông, song vì công văn họ gửi lên NHNN và Bộ Tài chính không nhận được hồi âm sớm để kịp họp đại hội đồng cổ đông vào tháng 4 nên trong chương trình đại hội, phương án trả cổ tức để ngỏ. Nghị quyết đại hội đồng cổ đông của BIDV viết rằng: “Chia cổ tức bằng cổ phần 2.905,9 tỉ đồng, tỷ lệ chi trả cổ tức 8,5%; hình thức: phát hành cổ phần để trả cổ tức”. Nhưng ngay bên dưới có “thòng” thêm rằng “ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT quyết định thời điểm chốt danh sách cổ đông, thời điểm chi trả cổ tức và điều chỉnh phương án chi trả theo phê duyệt cuối cùng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Nghị quyết đại hội đồng cổ đông của VietinBank cũng có thêm câu tương tự như BIDV. Vì thế, BIDV và VietinBank không phải tổ chức họp lại đại hội đồng cổ đông để xin ý kiến khi thay đổi phương án chi trả cổ tức của năm 2015.
“Vì năm ngoái câu chuyện tương tự đã xảy ra. Sau khi nhận được công văn của Bộ Tài chính yêu cầu chia cổ tức tiền mặt (sau họp đại hội đồng cổ đông), chúng tôi đã chia và nộp cổ tức vào ngân sách. Nên năm nay việc này không có gì bất ngờ”, một đại diện ngân hàng nói với TBKTSG.
Nếu ngân hàng đã biết rằng ngân sách đang cần cổ tức bằng tiền mặt sao lại đề xuất phương án chia cổ tức bằng cổ phần và không chia cổ tức? Trả lời câu hỏi này, đại diện các ngân hàng cho biết vì nhu cầu tăng vốn tự có là cấp bách với các ngân hàng. Điều này ai cũng biết, các ngân hàng Việt Nam cần tăng vốn điều lệ, vốn tự có để đáp ứng các chỉ tiêu an toàn tài chính theo chuẩn mực cao hơn mà hiện các chỉ số an toàn tài chính của ngân hàng Việt Nam thuộc hàng thấp nhất thế giới. CAR nhóm các ngân hàng quốc doanh chỉ xoay quanh 9% và đang bị đe dọa tụt thấp hơn.
“Việc chia cổ tức bằng cổ phần hay không chia cổ tức là việc đầu tư lâu dài cho doanh nghiệp của các cổ đông và nó được đánh giá cao trong quản trị doanh nghiệp ở mọi nơi. Bộ Tài chính là một cổ đông lớn, nên sẽ có lợi nhất từ việc đầu tư lâu dài này”, một đại diện của BIDV nói, “Tuy nhiên, khi Bộ Tài chính không đồng ý chúng tôi cũng sẽ cố gắng xoay xở theo cách khác, như nội dung đã thông qua ở kỳ họp đại hội đồng cổ đông là sẽ thực hiện các kịch bản: tìm và bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài, phát hành trái phiếu chuyển đổi, phát hành cổ phần trong nước bổ sung (gồm phát hành cho cổ đông hiện hữu và phát hành ra công chúng)”.
Ông cho biết thêm: “BIDV cũng đã nhận được công văn trả lời của Bộ Tài chính gửi NHNN đồng thời gửi BIDV và ngân hàng đang chuẩn bị phát hành cổ phần trong nước như một lựa chọn thứ hai để tìm thêm nguồn tiền mới cho ngân hàng. Công văn của Bộ Tài chính sẽ khiến các ngân hàng vất vả hơn song đó cũng là ý kiến dễ hiểu và lường trước trong bối cảnh ngân sách cần nguồn thu. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác”.
Nhìn về dài hạn, một số ý kiến từ phía các ngân hàng cho rằng đây là sự việc cho thấy càng nên sớm tách bạch chức năng cơ quan chủ quản, bộ chủ quản với thực trạng vừa đá bóng vừa thổi còi với các DNNN trong đó có các ngân hàng. Rời khỏi vòng tay mẹ các doanh nghiệp mới có thể lớn khôn lên. Qua ví dụ này có thể thấy BIDV, VietinBank nói riêng và các DNNN nói chung cần một cơ chế quản lý mới, với khoảng trời riêng rộng hơn và thuận theo các nguyên lý của thị trường hơn.
Chính phủ không phải không nhìn thấy điều này. Đề án thành lập Ủy ban Quản lý DNNN như đầu mối duy nhất của tất cả DNNN (có người gọi là siêu ủy ban) đang được một số cơ quan xây dựng là một động thái theo hướng đó mặc dù còn quá sớm để khẳng định rằng thay đổi có đến ngay như nhiều người mong muốn hay không.
(trích thesaigontimes)