Thanh toán không dùng tiền mặt thúc đẩy tài chính toàn diện
Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) là cụm từ được trở đi trở lại rất nhiều những năm gần đây, cũng là mục tiêu của các NHTM hướng tới khi triển khai các sản phẩm dịch vụ theo hướng số hoá.
Thanh toán số chuyển biến rõ rệt
Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015-2019 về tài khoản cá nhân và tổng số dư trong tài khoản đạt 10,26% và 25,41%, tài khoản cá nhân hiện nay có khoảng 89 triệu tài khoản, trong đó 61,2% người trưởng thành trên 15 tuổi có tài khoản và dự kiến đến cuối năm 2020 khoảng 70% người Việt trưởng thành có tài khoản ngân hàng.
Trong 5 năm qua, số lượng và giá trị giao dịch qua Internet tăng trung bình tương ứng 50,2%/năm và 46,8%/năm. Số lượng và giá trị thanh toán qua điện thoại di động tăng trung bình tương ứng 84,8% và 158,5%. Xét về hạ tầng kỹ thuật cho hoạt động thanh toán, đến nay thị trường có 19,5 nghìn máy ATM và 266,3 nghìn POS; 78 ngân hàng triển khai Internet Banking và 49 ngân hàng có ứng dụng Mobile Banking.
Việc triển khai giải pháp thanh toán qua mã QR cũng được đẩy mạnh, đến nay có khoảng 30 ngân hàng và 6 tổ chức trung gian thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán QR Code, toàn thị trường có hơn 80.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code. 37 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán gồm ví điện tử, dịch vụ cổng thanh toán điện tử, hỗ trợ thu hộ/chi hộ, dịch vụ chuyển tiền điện tử.
TTKDTM với dịch vụ công cũng ghi nhận một số dấu mốc quan trọng: Tháng 12/2019 cổng dịch vụ công quốc gia tích hợp chức năng thanh toán trực tuyến, đến nay đã có 50 ngân hàng hoàn thành kết nối thanh toán thuế điện tử với thuế, hải quan trên 63 tỉnh, thành phố với 95% số thu hải quan thực hiện qua ngân hàng và 99% DN đăng ký nộp thuế điện tử; 90% doanh thu tiền điện thực hiện qua ngân hàng.
Đây đều là những con số khá ấn tượng, cho thấy thói quen TTKDTM đã và đang dần có những chuyển biến tích cực trong đời sống của người dân. Có thể thấy, vấn đề về công nghệ, ngân hàng số, thanh toán số đều nằm trong tất cả nội dung chính của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Nghiên cứu thực tiễn chỉ ra rằng, để đạt được nền kinh tế không tiền mặt đòi hỏi phải tăng cường thúc đẩy tài chính toàn diện. Và để đạt được mức độ tài chính toàn diện cao thì đòi hỏi phải có những chính sách mạnh mẽ phát triển nền kinh tế không dùng tiền mặt hay TTKDTM. Như vậy, việc thúc đẩy nền kinh tế không dùng tiền mặt và tài chính toàn diện có mối quan hệ mật thiết với nhau.
TTKDTM là cụm từ được trở đi trở lại rất nhiều những năm gần đây, cũng là mục tiêu của các NHTM hướng tới khi triển khai các sản phẩm dịch vụ theo hướng số hoá. Đơn cử như Vietcombank có tới 92% giao dịch được xử lý qua hệ thống công nghệ, không qua quầy; và nhiều ngân hàng khác thì mức này cũng xấp xỉ 80%.
Hay tại OCB, đại diện nhà băng này cho hay tính riêng 8 tháng đầu năm 2020, số lượng đăng ký sử dụng ngân hàng số OCB OMNI đạt gần 1 triệu khách hàng và 8 tháng qua đã ghi nhận gần 11 triệu giao dịch online, gấp đôi cả về số lượng và giá trị so với cùng kỳ 2019. Riêng trong tháng 8/2020, ngân hàng này có tổng cộng 1,5 triệu giao dịch online, gấp 2,5 lần về số lượng và 1,5 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2019…
Thay đổi chính sách và mô hình
Tuy có tốc độ tăng trưởng cao thời gian qua nhưng thực tế cho thấy có 4 điểm còn tồn tại trong thách thức để phát triển TTKDTM: thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán của người dân còn phổ biến; khuôn khổ pháp lý; việc kết nối giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ với hệ thống thanh toán để triển khai các sản phẩm dịch vụ mới; và cơ sở hạ tầng phục vụ thanh toán phân bổ chưa đồng đều, chưa vươn được tới khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Chuyên gia cho rằng nếu không có trung gian thanh toán, thì các ngân hàng rất khó để mở các chi nhánh tới tất cả các vùng miền và cũng khó tiếp cận với các đối tượng khác. TS. Châu Đình Linh – Đại học Kinh tế TP.HCM khẳng định phát triển mạng lưới là vô cùng quan trọng, vì sẽ không thể làm được tài chính toàn diện nếu chi nhánh ngân hàng cách quá xa nơi cư trú của người dân tới hàng trăm km, thậm chí là đường gập ghềnh, khó đi.
Mục tiêu hướng tới của nhiều nhà băng hiện nay là ngân hàng không chi nhánh, giao dịch viên ngân hàng trở thành tư vấn viên và tại Việt Nam điều này cũng đã làm được ở một số ngân hàng. Hơn nữa, có một thực tế là hiện nay khách hàng có thể giao dịch trên thiết bị di động được nhiều hơn dịch vụ so với khi đến trực tiếp tại quầy và cũng nhanh chóng hơn. Ví dụ trường hợp tại một ngân hàng lớn, để cấp được một món tín dụng cho khách hàng cá nhân thì trải qua khoảng 5 ứng dụng và 8 bước phê duyệt, để giải ngân được có thể diễn ra hàng tuần. Còn với một NHTMCP tiên phong về ứng dụng số, quy trình này cho kết quả chỉ từ 20 phút đến 2 giờ có thể giải ngân một món vay dưới 5 tỷ đồng.
Theo ông Phạm Tiến Dũng – Vụ trưởng Vụ Thanh toán thuộc NHNN Việt Nam, một trong những giải pháp nêu trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia là tài khoản giao dịch theo cấp độ. Cấp độ cao nhất yêu cầu nhận biết khách hàng đầy đủ và được sử dụng mọi dịch vụ, cấp độ thấp hơn sẽ yêu cầu nhận biết khách hàng và thủ tục tài khoản đơn giản nhưng kèm điều kiện chặt hơn như loại hình, hạn mức giao dịch.
Ví dụ cụ thể hơn, nếu như chúng ta mở tài khoản tại quầy thì hạn mức giao dịch là không giới hạn, nhưng mở tài khoản xác thực bằng eKYC thì giới hạn sẽ là 200 triệu đồng/tháng; hay nếu chúng ta mở tài khoản qua video call với những quy định đặc tính kỹ thuật thì hạn mức là do ngân hàng xác định.
“Như vậy, một tài khoản thanh toán sẽ không còn như trước nữa, phân cấp rõ ràng về chuyện eKYC ra sao. Trong Thông tư sớm ban hành tới đây, NHNN cũng yêu cầu khi eKYC phải kiểm tra số điện thoại giao dịch bằng eKYC trùng với CMTND của người dùng, tránh trường hợp một người mở tài khoản nhưng lại đưa cho một người khác giao dịch”, ông Dũng chia sẻ.
Như vậy, việc nghiên cứu, ban hành quy định về tài khoản giao dịch theo các cấp độ với chính sách hợp lý sẽ tạo thuận lợi và khuyến khích người dân trong xã hội mở tài khoản để thực hiện giao dịch TTKDTM.
Nguồn: Khuê Nguyễn – Thời báo ngân hàng