“Đua” lãi suất: Có tiếng chẳng có miếng

“Đua” lãi suất: Có tiếng chẳng có miếng

“Đua” lãi suất: Có tiếng chẳng có miếng

Đây có thể chỉ là “cuộc đua” ngắn hạn nhằm hút vốn để cơ cấu lại nguồn vốn với mục đích đón đầu một số quy định mới.

dua lai suatVài ngày gần đây, thị trường liên tục ghi nhận hướng lãi suất huy động dài hạn VND tăng lên trên biểu niêm yết tại các ngân hàng với các mức phổ biến và cạnh tranh từ 7,5%-7,7% thay cho mức 7,1% -7,4% trước đó.

Cụ thể, BIDV tăng lãi suất huy động tiền gửi các kỳ hạn từ 13 – 36 tháng, trong đó tiền gửi kỳ hạn 13 -18 tháng tăng thêm 0,4 điểm phần trăm lên 6,5%, lãi suất kỳ hạn 24-36 tháng tăng thêm 0,2 điểm phần trăm lên 6,5%/năm.

Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) vốn là một trong những ngân hàng “cố thủ” nhất về mức tăng lãi suất cũng đã nhập cuộc với mức tăng lãi suất dài hạn từ 7,1%/năm lên 7,3%.

Nhiều điều kiện “ngặt nghèo” cũng được các ngân hàng đặt ra trong “cuộc đua” lãi suất tiền gửi này.

Chẳng hạn, một số ngân hàng đang áp dụng lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài lên đến 8%/năm cho 36 tháng với số tiền gửi 10 tỷ trở lên và điều kiện đặt ra là phải tính lãi cuối kỳ, không được rút trước thời hạn dưới 90 ngày.

Tại website của Ngân hàng Đông Nam Á (SeaBank) đăng tải thông tin mức lãi suất lên tới 8% cho kỳ hạn gửi 13 tháng, nhưng đối tượng được hưởng là khách hàng thân quen nhiều năm và gửi số tiền vài trăm tỷ đồng trở lên…

Tại Sacombank, điều kiện đặt ra cho khách hàng gửi kỳ hạn 13 tháng được hưởng lãi 7,55%/năm là số tiền gửi phải từ 500 tỷ đồng trở lên…

Hay như ngân hàng Việt Á trả mức lãi suất “béo bở” là 8,38%/năm cho kỳ hạn 13 tháng với khoản tiền hàng trăm tỷ đồng…

Dù vậy, vẫn có một số ngân hàng điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất như: Maritime Bank từ ngày 1/3/2016 giảm lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn 1-2 tháng từ 4,9%/năm xuống còn 4,5%/năm, ngân hàng SCB cũng giảm nhẹ lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn…

Một số chuyên gia kinh tế nhận định, đây là đợt điều chỉnh lần thứ 3 kể từ cuối năm 2015. Lần điều chỉnh thứ 2 là trước Tết âm lịch vừa qua.

Đợt điều chỉnh lãi suất huy động lần thứ 3 này xem ra người gửi không được hưởng lợi do những điều kiện quá ngặt nghèo từ phía các ngân hàng. Vì thế, các chuyên gia nhận định, đây chỉ là đợt tăng lãi suất “danh nghĩa”…

Còn chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh chia sẻ, trào lưu tăng lãi suất của các ngân hàng có liên quan đến việc cân đối kỳ hạn tín dụng của Dự thảo sửa đổi Thông tư 36 về các chỉ số an toàn trong tín dụng.

Theo dự kiến, Thông tư này sẽ điều chỉnh giảm tỉ lệ vốn huy động ngắn hạn từ 60% – 40% để cho vay trung và dài hạn. Chính vì vậy mà các ngân hàng đang trong cuộc đua tăng lãi suất huy động dài hạn để gia tăng vốn.

“Ngoài ra, thêm lý do nữa là các ngân hàng đang tranh thủ tăng lãi suất huy động dài hạn để hút khách, đặc biệt là những khách hàng VIP nhằm kéo họ chuyển tiền từ các ngân hàng khác về ngân hàng của mình”, chuyên gia Vũ Đình Ánh cho hay.

Cùng quan điểm trên, chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng trao đổi, thông thường, các khoản cho vay trung và dài hạn thường được các ngân hàng áp dụng theo phương thức thả nổi lãi suất. Nghĩa là lãi suất được điều chỉnh theo từng thời kỳ, theo biến động của thị trường tài chính theo kỳ khoảng 3- 6 tháng hoặc một năm một lần.

Tuy nhiên, “cuộc đua” tăng lãi suất lần này ngoài nguyên nhân chính là nhằm củng cố nguồn vốn trung dài hạn theo bối cảnh sửa đổi Thông tư 36, các ngân hàng còn cần thu hút khách hàng mới về cho mình.

“Các ngân hàng thu hút được khách hàng gửi kỳ hạn 13 tháng là đã rất tốt rồi! Với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra cho năm nay là 18-20% thì ngân hàng càng phải huy động vốn tích cực. Tôi cho rằng, từ nay đến cuối năm, lãi suất huy động dài hạn sẽ còn tăng cao hơn nữa nếu Dự thảo sửa đổi Thông tư 36 được ban hành. Ngoài ra, nếu nền kinh tế tăng trưởng tốt thì hoạt động cho vay sẽ tốt hơn, vì vậy, các ngân hàng càng cần vốn và sẽ tiếp tục công cuộc thu hút khách hàng về với mình”.

(Theo tintuc.vfpress)

Share this post