Người dân bớt gửi tiền vào ngân hàng
Lượng tiền người dân gửi vào ngân hàng vẫn tăng nhưng mức tăng thấp nhất 5 năm khi lãi suất huy động giảm và Covid-19 ảnh hưởng đến thu nhập.
Tiền gửi dân cư tại ngân hàng bao gồm tiền gửi không kỳ hạn và tiền gửi tiết kiệm đang tạm thời nhàn rỗi của các cá nhân, không kể doanh nghiệp. Mỗi năm, người dân thường gửi thêm từ 400.000 đến 500.000 tỷ vào hệ thống ngân hàng – tính trong 5 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, tính đến hết tháng 8, mức tăng của tiền gửi dân cư tại ngân hàng thấp kỷ lục trong 5 năm trở lại đây.
Cuối tháng 8, số tiền gửi của người dân vào các nhà băng chỉ tăng hơn 260.000 tỷ trong khi cùng kỳ các năm trước tăng từ 300.000 đến 400.000 tỷ. So với mức tăng của 8 tháng đầu năm trước, lượng tiền người dân gửi thêm vào hệ thống ngân hàng nay giảm gần 30%.
Mức tăng thấp của lượng tiền gửi dân cư vào ngân hàng có thể được lý giải do hai nguyên nhân chính là lãi suất tiết kiệm ngày một thấp và thu nhập của nhiều người bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Nửa đầu năm nay, gần 31 triệu người lao động bị mất việc và giảm thu nhập vì Covid-19, theo khảo sát của Tổng cục thống kê. Bên cạnh đó, lãi suất tiết kiệm ngày một thấp cũng khiến nhiều người tìm cách bỏ tiền vào các kênh đầu tư khác sinh lời tốt hơn.
Trong bối cảnh tăng trưởng cho vay thấp kỷ lục trong nhiều năm do ngân hàng rơi vào trạng thái “có tiền nhưng khó cho vay”, mặt bằng lãi suất huy động liên tục giảm. Tại các nhà băng có quy mô huy động tiền gửi lớn, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dưới 6 tháng giảm trên dưới 1%, lãi suất kỳ hạn một năm giảm 0,5-1% trong chưa đến nửa năm.
Vào cuối tháng 9, lượng tiền gửi có kỳ hạn tại một vài ngân hàng tăng thấp chỉ 2-3% so với đầu năm, trong khi mức tăng trong các năm trước luôn đạt mức hai chữ số. Như tại Techcombank, nhà băng mạnh tay giảm lãi suất và thành ngân hàng trả lãi thấp nhất thị trường, tiền gửi có kỳ hạn tại cuối tháng 9 chỉ tăng 2,6% so với hồi đầu năm. Tương tự, lượng tiền vàng, gửi có kỳ hạn tại BIDV cũng chỉ tăng 2,5% dù mức tăng cùng kỳ trên 12%.
Chuyên gia Nguyễn Đức Thành, Cố vấn trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định, trong nửa đầu năm, mọi người vẫn còn nghĩ gửi ngân hàng là an toàn vì các kênh đầu tư khác “mua gì cũng đi xuống” trong bối cảnh bất ổn.
Nhưng theo chuyên gia khi lãi suất ngày một thấp, nửa cuối năm là lúc có sự dịch chuyển dòng tiền khỏi ngân hàng và nhiều khả năng trú ẩn vào bất động sản.
Nhân viên tại một ngân hàng có vốn nhà nước nằm trong top 4 huy động trên thị trường từng cho biết, vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8 khi thị trường vàng biến động mạnh, một số khách đã tới ngân hàng làm thủ tục tất toán sổ tiết kiệm vài trăm triệu để chuyển sang mua vàng.
Tuy vàng chiếm tỷ trọng ít trong tài sản của đại số dân chúng, nhưng thị trường cũng ghi nhận sự dịch chuyển nhỏ sang kênh đầu tư này vào thời điểm giá biến động mạnh. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, doanh số mua vào trong tháng 7 đạt giá trị gần 6.900 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với tháng trước đó. Ở chiều ngược lại, người dân bán ra chỉ khoảng 3.900 tỷ đồng, tăng 10% so với tháng trước.
Bên cạnh đó, từ khi Covid-19 xuất hiện trong nước vào hồi tháng 3, kênh chứng khoán cũng ghi nhận làn sóng nhà đầu tư F0 – không am hiểu, không có kinh nghiệm, không người dẫn dắt – bước vào thị trường.
Trong 9 tháng đầu năm, các nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở mới hơn 252.000 tài khoản, tăng gần 35% với số tài khoản mở mới trong cả năm 2019.
Theo đánh giá của ông Thành, trong khi vàng và chứng khoán là kênh đầu tư rất rủi ro vì giá biến động mạnh, số đông người dân sẽ không bỏ nhiều tiền vào kênh này. Theo ông, bất động sản là lựa chọn mà nhiều người có nhiều tiền tính đến. Nguồn cung bất động sản ở đô thị lớn trong trung hạn không tăng nhiều nên đây là kênh có tiềm năng tăng giá mà người có tiền tỷ nhắm đến.
Tương tự với đánh giá của ông Thành, gần 10.000 bạn đọc tham gia khảo sát của VnExpress trả lời, bất động sản và gửi tiền ngân hàng là hai kênh bỏ tiền được lựa chọn nhiều nhất khi lãi suất ngân hàng ngày một giảm. 36% người trả lời chọn bỏ tiền vào bất động sản, 25% nói vẫn gửi ngân hàng, 16% chọn chứng khoán, còn lại là các kênh khác như vàng, trái phiếu, tiền ảo…
Tuy nhiên, lãnh đạo của một ngân hàng có vốn nhà nước cho biết, tiền gửi tiết kiệm chảy vào ngân hàng vẫn tăng hàng ngày. Theo lãnh đạo nhà băng này, kênh đầu tư chứng khoán tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm và kiến thức. Giá vàng có lúc biến động mạnh, nhưng giao dịch nhìn chung vẫn trầm lắng, lượng giao dịch ở mức thấp. Còn với kênh bất động sản, bà đánh giá Covid-19 khiến thu nhập người dân bất ổn và cũng không dám đưa tiền vào bất động sản.
Theo lãnh đạo ngân hàng này, những cá nhân và doanh nghiệp nắm lượng lớn mặt mặt trăm tỷ đồng – đa phần vẫn để trong ngân hàng. Trong khi các kênh đầu tư khác khó khăn, tiền vẫn sẽ chảy vào ngân hàng.
Nguồn: Quỳnh Trang – Vnexpress