NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc: Hướng các Quỹ tín dụng nhân dân phát triển an toàn vì lợi ích thành viên
Chất lượng hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bản tỉnh Vĩnh Phúc đang ngày một cải thiện.
Trong năm 2020, mặc dù lãi suất huy động tiền gửi dân cư được điều chỉnh theo hướng giảm dần, song các QTDND trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vẫn tạo được nguồn vốn từ kênh huy động tại chỗ, đầu tư cho 10.893 thành viên vay vốn để phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ, phát triển làng nghề truyền thống… góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế địa phương; tạo công ăn việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống thành viên. Đặc biệt, với sự chỉ đạo sát sao của NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc, chất lượng hoạt động của các QTDND đang ngày một cải thiện.
Từ nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động
Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Tâm chia sẻ, ngay sau khi Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 03/01/2020 được ban hành, NHNN tỉnh đã triển khai tới hệ thống QTDND thông qua Hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 và tập huấn Thông tư số 21/2019/TT-NHNN đối với hệ thống QTDND trên địa bàn, nội dung triển khai là chỉ đạo các QTDND bám sát mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ của Ngành, đưa ra các giải pháp thực hiện nhiệm vụ kinh doanh năm 2020, trong đó đề cao chất lượng tín dụng cho vay thành viên an toàn, hiệu quả, tập trung xử lý nợ xấu, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng của các QTDND năm 2020 từ 10-20% so với 2019 căn cứ theo quy mô dư nợ của từng quỹ.
Cùng với đó, NHNN tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục chỉ đạo các QTDND trên địa bàn tiến hành Đại hội nhiệm kỳ và Đại hội thường niên năm 2020; thực hiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 đã được NHNN tỉnh phê duyệt, bám sát và thực hiện có hiệu quả những nội dung theo phương án đã xây dựng, định kỳ báo cáo tiến độ thực hiện về NHNN Chi nhánh tỉnh. NHNN tỉnh cũng chỉ đạo các QTDND xây dựng và thực hiện Phương án xử lý theo Thông tư 21/2019/TT-NHNN đã được NHNN Chi nhánh phê duyệt, định kỳ hàng quý báo cáo tiến độ về NHNN tỉnh.
Đặc biệt, trước những diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19, NHNN tỉnh đã chỉ đạo các QTDND trên địa bàn chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, rà soát và có biện pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đồng thời, để gia tăng năng lực và hiệu quả hoạt động, NHNN Chi nhánh tỉnh đã chấp thuận cho 25 QTDND trên địa bàn thực hiện tăng vốn điều lệ với tổng số tiền 21,5 tỷ đồng. NHNN tỉnh cũng đã chấp thuận cho 6 QTDND xây dựng mới trụ sở làm việc (QTDND Đình Chu, Xuân Hòa, Đồng Văn, An Tường, Văn Quán, Tam Hồng) và 01 QTDND được sửa chữa, nâng cấp trụ sở làm việc (QTDND Đại Đồng) đảm bảo phù hợp với quy mô hoạt động và quy định pháp luật. Sự hỗ trợ của NHNN tỉnh đối với hệ thống còn có thể thấy rõ qua việc có văn bản cảnh báo rủi ro trong hoạt động để QTDND phòng ngừa hạn chế rủi ro… Trong năm, NHNN Chi nhánh tỉnh đã thực hiện thanh tra trực tiếp 9 QTDND, kiểm quỹ đột xuất đối với 8 QTDND.
Kết quả của sự sát sao trong chỉ đạo điều hành của NHNN tỉnh, và sự nỗ lực cải cách của chính các QTDND đã đưa cơ cấu nguồn vốn có sự dịch chuyển hợp lý. Đến 31/10/2020, tổng nguồn vốn của 31 QTDND trên địa bàn tỉnh là 3.624 tỷ đồng, tăng 555 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 18,1% so với 31/12/2019. Tổng vốn điều lệ của 31 QTDND là 99 tỷ đồng, tăng 23 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 30,3% so với 31/12/2019 và chiếm 2,7% tổng nguồn vốn hoạt động.
Nguồn vốn huy động tiền gửi từ dân cư tăng nhanh và ổn định. Tính đến 31/10/2020 đạt 3.259 tỷ đồng (chiếm 89,9% tổng nguồn vốn), tăng 588 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 22% so với 31/12/2019; các quỹ đều có tỷ lệ vốn huy động/ tổng nguồn vốn tương đối cao từ 60-95%. Đây là một tỷ lệ tốt trong hoạt động kinh doanh tiền tệ đảm bảo tính chủ động trong kinh doanh và có lợi nhuận. Có 25 QTDND đã hoàn toàn chủ động được nguồn vốn không phải vay vốn của Ngân hàng Hợp tác xã.
Nguồn vốn dồi dào là cơ sở để các QTDND trên địa bàn chủ động đáp ứng kịp thời yêu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh của thành viên. Đến 31/10/2020, tổng dư nợ cho vay của 31 QTDND là 2.719 tỷ đồng, tăng 232 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 9,3% so với 31/12/2019. Tỷ lệ “Dư nợ cho vay/Vốn huy động” ở mức 83,4%, giảm so với mức 93,1% ở thời điểm 31/12/2019. Cơ cấu dư nợ chủ yếu là cho vay ngắn hạn (chiếm tỷ lệ 73,4% tổng dư nợ), dư nợ cho vay trung và dài hạn chiếm tỷ lệ thấp trong tổng dư nợ (26,6%). Số liệu báo cáo trên cân đối đến 31/10/2020, cho thấy tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ chiếm tỷ lệ thấp là 0,2%; trong đó có: 19/31 QTDND không có nợ xấu và 12 QTDND có nợ xấu dưới 1%.
Gắn quyền lợi với hiệu quả hoạt động
Thống kê cũng cho thấy, đến 31/10/2020, các QTDND trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 25.824 thành viên (bình quân 833 thành viên/quỹ), tăng 685 thành viên, tỷ lệ tăng 2,7% so với 31/12/2019. Số lượng thành viên QTDND đã có sự tăng trưởng trở lại sau khi các quỹ đã thực hiện xong việc rà soát, chấm dứt tư cách thành viên đối với thành viên không đủ tiêu chuẩn theo quy định của Thông tư 04, tuy nhiên việc thu hút thành viên mới gặp nhiều khó khăn do người dân chỉ có nhu cầu tham gia thành viên QTDND để vay vốn mà không có nhu cầu tham gia thành viên khi gửi tiền. Căn cứ báo cáo cân đối kế toán đến 31/10/2020 cho thấy 31/31 QTDND trên địa bàn tỉnh hoạt động kinh doanh có hiệu quả.
Tuy nhiên, hoạt động của hệ thống QTDND trên địa bàn vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục và cải thiện, như nhận thức của cán bộ QTDND một số nơi còn yếu, trình độ và kinh nghiệm hạn chế. Một số QTDND cán bộ có biểu hiện lách luật, không tuân thủ các quy định của cơ quan quản lý, xa rời tôn chỉ mục tiêu hoạt động của QTDND và lợi ích của thành viên. Cấp ủy và chính quyền địa phương ở một số nơi chưa hiểu đúng về hoạt động của hệ thống QTDND. Có địa phương coi QTDND như một tổ chức tài chính của xã, phường, vì vậy đã can thiệp quá sâu vào hoạt động nghiệp vụ của QTDND. Ngược lại, có nơi lại coi QTDND như một tổ chức tín dụng do NHNN cấp phép, chưa có sự quan tâm quản lý đúng mức đối với QTDND trên địa bàn.
Chính vì vậy, tại Hội nghị chuyên đề về QTDND trên địa bàn vừa qua, NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc đã cùng các QTDND đưa ra các giải pháp thực hiện phương châm hoạt động của hệ thống là “an toàn, hiệu quả vì lợi ích thành viên và tuân thủ các quy định của pháp luật”. Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Hoàng Duy Chinh cho biết: “Hội đồng quản trị các QTDND thực hiện tổ chức tổng kết hoạt động năm 2020, bám sát chỉ đạo của NHNN Chi nhánh tỉnh và Phương án cơ cấu lại QTDND để xây dựng phương hướng, nhiệm vụ năm 2021, tăng trưởng theo định hướng của NHNN tỉnh, an toàn, hiệu quả; chấp hành chính sách lãi suất, duy trì các tỷ lệ an toàn theo quy định”.
Các QTDND tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy chế nội bộ trình Đại hội thành viên; xây dựng kế hoạch tăng vốn điều lệ, thống nhất chỉ tăng vốn điều lệ 01 lần trong năm (trong 6 tháng đầu năm 2021). Đồng thời, cần tập trung tuyên truyền để tăng nguồn vốn huy động tại chỗ, đáp ứng nhu cầu vay của thành viên; tuyên truyền phát triển thành viên bền vững, tăng cường tính liên kết và tương trợ giữa các thành viên để thực hiện đúng mục tiêu, tôn chỉ trong hoạt động của QTDND.
NHNN tỉnh yêu cầu các QTDND thực hiện công tác quyết toán năm 2020 theo đúng hướng dẫn, trong đó tích cực thu hồi nợ gốc khi đến hạn, nợ lãi hàng tháng; tranh thủ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương thành lập Hội đồng xử lý nợ để đôn đốc và kiên quyết thu hồi các món nợ quá hạn, nợ xấu. Xác định đúng thực trạng nợ quá hạn, thực hiện chuyển nợ quá hạn và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định; đối với những QTDND có nợ quá hạn cao, kiên quyết cắt giảm các khoản chi phí (đặc biệt là chi lương vượt kế hoạch trong năm), đảm bảo trích lập dự phòng rủi ro theo đúng quy định, tăng cường gắn trách nhiệm cá nhân trong việc xử lý nợ xấu. Các quỹ tự chấm điểm xếp hạng theo quy định tại Thông tư 42/2016/TT-NHNN về xếp hạng QTDND. Trường hợp không đạt các chỉ tiêu lợi nhuận theo tiêu chí xếp hạng, đơn vị thực hiện cắt/giảm chi lương kinh doanh và thưởng vượt kế hoạch nhằm đảm bảo các yêu cầu về xếp hạng theo quy định của NHNN Việt Nam… góp phần đưa hoạt động của hệ thống QTDND trên địa bàn phát triển an toàn, lành mạnh và hiệu quả, vì lợi ích của thành viên.
Nguồn: Nhất Thanh – Thời báo ngân hàng