Lãi suất sẽ ổn định
Hiện đang có những lo ngại áp lực lạm phát gia tăng trong ngắn hạn, từ đó ảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, lạm phát cả năm nay vẫn dưới mức mục tiêu đặt ra và mặt bằng lãi suất sẽ không có biến động lớn.
Áp lực gia tăng
Báo cáo Chiến lược đầu tư tháng 3 của Công ty chứng khoán Rồng Việt cho biết, không lo ngại về việc tăng giá trong nước. Bởi một mặt là nếu tính theo năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn giảm với mức giảm 0,1% trong hai tháng đầu năm, trong khi CPI lõi chỉ tăng nhẹ 0,6%, cho thấy hiện tại chưa có áp lực giá do cầu kéo. Mặt khác, để chặn kỳ vọng lạm phát và bù đắp ảnh hưởng của giá dầu thế giới tăng cao lên giá hàng hóa trong nước, quỹ bình ổn giá xăng dầu có thể được sử dụng trong các kỳ điều chỉnh giá xăng dầu tiếp theo. Do đó, “nếu lạm phát tăng trở lại trong những tháng tiếp theo thì chủ yếu là do các yếu tố như giá hàng hóa toàn cầu tăng hay hiệu ứng đến từ mức nền thấp của năm trước. Chúng tôi duy trì dự báo lạm phát năm 2021 ở mức 3,5%”, báo cáo này nhận định.
Cùng quan điểm này, trong báo cáo cập nhật triển vọng vĩ mô mới nhất với tiêu đề “Lạm phát sẽ đi về đâu?”, các chuyên gia Khối Nghiên cứu Kinh tế của HSBC dự báo, lạm phát sẽ quanh mức 3% trong năm 2021. Theo đó, mặc dù có một số rủi ro khiến áp lực giá tăng, nhưng giá lương thực thực phẩm giảm nhẹ và chi phí chăm sóc sức khỏe giảm sẽ giúp kiểm soát lạm phát. Ngoài ra, việc tiền đồng liên tục duy trì ổn định trong những năm gần đây sẽ giúp giảm bớt lo ngại về tác động của tỷ giá lên lạm phát.
Tuy nhiên khi bóc tách kỹ hơn thì vì nhiều lý do cộng hưởng, CPI tháng 2 vừa qua tăng tới 1,52% so với tháng 1 và là mức tăng cao nhất của CPI tháng 2 trong 8 năm gần đây. Theo một số dự báo, CPI tháng 3 này sẽ tiếp tục xu hướng tăng. TS. Cấn Văn Lực – Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, lạm phát tháng 3 có thể tăng lên tương đối mạnh. “Bởi ngoài việc giá xăng dầu tiếp tục điều chỉnh tăng trong kỳ điều chỉnh giá mới nhất thì với việc dịch đã được kiểm soát tốt sẽ khiến nhu cầu ở nhóm dịch vụ ăn uống, giải trí và đi lại sẽ tăng lên”, TS. Lực nhìn nhận. Bên cạnh đó, chuyên gia này cho rằng có nhiều yếu tố từ cả trong và ngoài nước cũng đang khiến áp lực lạm phát tăng. Bên ngoài, triển vọng phục hồi kinh tế mạnh hơn sẽ kéo theo nhu cầu với các dịch vụ, hàng hóa tăng (đẩy giá hàng hóa tăng) trong khi giá dầu tiếp tục xu hướng tăng và dự báo sẽ gần với mức của năm 2019. Trong khi đó, nhiều NHTW tiếp tục CSTT siêu nới lỏng, đưa ra thông điệp sẵn sàng chấp nhận lạm phát có thể tăng lên trong thời gian ngắn và tác động mang tính độ trễ của của các gói hỗ trợ kinh tế cũng là những yếu tố khiến áp lực lạm phát trên toàn cầu tăng, tác động gián tiếp đến Việt Nam. Tuy nhiên theo TS. Lực, xét chung cả năm nay, lạm phát dự báo chỉ trong mức 3,5-3,7%.
Sẽ không tác động lớn đến lãi suất
Trong bối cảnh áp lực lạm phát tăng lên, có một số quan ngại cho rằng việc giữ ổn định mặt bằng lãi suất năm nay sẽ khó khăn hơn, nhất là khi có một số ngân hàng tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn trong những ngày gần đây. Tuy nhiên theo TS. Cấn Văn Lực, việc lãi suất huy động tăng vừa qua chỉ mang tính cục bộ ở một số ngân hàng và việc tăng lãi suất này chủ yếu để tăng tính hấp dẫn đối với tiền gửi trong bối cảnh các kênh khác như chứng khoán, bất động sản cũng đang trở nên hấp dẫn hơn.
Hơn nữa, theo các chuyên gia, giữ mặt bằng lãi suất ổn định không có nghĩa là cố định. Điều này hàm ý rằng, lãi suất sẽ có tăng, có giảm và việc lãi suất biến động trong biên độ nhỏ (không đến mức hình thành mặt bằng lãi suất mới cao hơn) là điều hoàn toàn bình thường.
Trên thực tế trước đó nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất huy động dịp cận Tết Nguyên đán vừa qua – thời điểm đáng lẽ lãi suất thường tăng theo quy luật mùa vụ. Thậm chí ngay trong những ngày đầu tháng 3, bên cạnh một số ngân hàng tăng lãi suất thì cũng có khá nhiều ngân hàng giảm lãi suất với mức giảm khá mạnh. Nhìn chung hiện mặt bằng lãi suất, cả huy động và cho vay đều không có nhiều biến động và đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Theo các chuyên gia, về cơ bản việc hình thành mặt bằng lãi suất mới chỉ thực sự xuất hiện khi chịu các áp lực từ lạm phát tăng, cầu phục hồi mạnh, thanh khoản không còn dồi dào, lợi suất trái phiếu tăng vọt hay như các áp lực khác đến từ biến động tỷ giá, đặc biệt với các lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán… trong khi các yếu tố mang tính cộng hưởng và cùng lúc như vậy rất khó xảy ra.
Chuyên gia kinh tế Yun Liu của HSBC cho rằng, khi lạm phát bình quân chỉ quanh mức 3% sẽ tạo điều kiện cho NHNN duy trì chính sách tiền tệ như hiện tại trong suốt năm 2021. Mặt bằng lãi suất cho vay sẽ ổn định trong năm nay cũng là nhận định được TS. Cấn Văn Lực đưa ra. “Lãi suất cho vay sẽ rất khó tăng vì các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, NHNN đã rõ ràng, yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tiếp tục hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Hơn nữa, trong bối cảnh sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu thì không thể tăng lãi suất cho vay vì điều này vừa không đúng với chủ trương, vừa không đáp ứng mong mỏi của doanh nghiệp”, chuyên gia này nói.
Nhưng TS. Lực cũng khuyến nghị, thời gian tới cần phối hợp tốt hơn nữa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ. Đồng thời, tiếp tục điều hành lãi suất hợp lý, đẩy mạnh tiến độ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém để đảm bảo không phá vỡ mặt bằng lãi suất, cũng như sẵn sàng can thiệp kịp thời trên thị trường mở đảm bảo dung hòa cung – cầu tiền để giữ ổn định thanh khoản và giữ ổn định mặt bằng lãi suất.
Hồng Quân Thời báo ngân hàng