Thông tin minh bạch là cốt lõi của thành công
Theo báo cáo Doing Business 2016 do NH Thế giới (WB) vừa công bố, mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện 3 bậc so với năm 2015, lên vị trí 90. Đóng góp vào 1/5 cải cách, chỉ số tiếp cận tín dụng Việt Nam tăng 8 bậc và ở vị trí khá cao, thứ 28.
Trong đó, thông tin tín dụng được ghi nhận có nhiều cải thiện đáng kể: người vay được đảm bảo quyền kiểm tra thông tin về tín dụng; mở rộng diện thu thập thông tin về người vay, qua đó tăng cường hệ thống thông tin tín dụng… Ông Đỗ Hoàng Phong, Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) trả lời phỏng vấn PV Thời báo Ngân hàng xung quanh vấn đề này.
Thông tin tín dụng đã có sự đóng góp vào việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam trong mấy năm gần đây? Theo ông, sự đánh giá như vậy của các tổ chức quốc tế như WB có đúng với những nỗ lực mà cơ quan thông tin tín dụng, ở đây là CIC đã làm được?
Có thể khẳng định ngay rằng, thông tin tín dụng đã đóng góp tích cực vào sự cải thiện của môi trường kinh doanh Việt Nam trong những năm vừa qua. Theo báo cáo công bố ngày 28/10/2015 của NH Thế giới (WB), Việt Nam được đánh giá tăng 3 bậc so với năm 2015, đứng thứ 90 trên tổng số 189 nền kinh tế trên thế giới về mức độ thuận lợi trong môi trường kinh doanh; khoảng cách giữa mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh tại Việt Nam so với nền kinh tế đứng đầu trong danh sách là 37,9% điểm, tăng 1,75% điểm so với năm 2015.
Đặc biệt, chỉ số tiếp cận tín dụng đã góp phần tích cực vào việc cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam, tăng 8 bậc so với năm 2015. Đây là một kết quả thể hiện sự đóng góp của thông tin tín dụng trong việc nâng thứ hạng của Việt Nam trong báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2016.
Theo báo cáo này, chỉ số quyền lợi pháp lý chưa có cải cách tích cực nào tính đến thời điểm đánh giá, đạt 7/12 điểm. Như vậy, việc tăng bậc xếp hạng của chỉ số tiếp cận tín dụng trong báo cáo môi trường kinh doanh năm 2016 của Việt Nam bắt nguồn từ sự thay đổi tích cực của chỉ số chiều sâu thông tin tín dụng.
Mặc dù báo cáo còn thiếu sót trong việc tính điểm tiêu chí về quyền tiếp cận thông tin của khách hàng vay tại CIC nhưng chỉ số của Việt Nam lại được ghi nhận ở Công ty Thông tin tín dụng tư nhân (PCB).
Hiện chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam được xếp hạng cao, khi khoảng cách thăng hạng không còn nhiều, trong khi đòi hỏi hơn nữa những cải cách. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Hiện nay, trong cách đánh giá về chỉ số tiếp cận tín dụng của WB, Việt Nam chỉ thiếu một chỉ tiêu đánh giá vẫn chưa được ghi nhận về việc thu thập thông tin từ các nguồn thông tin ngoài ngành như các công ty cung cấp dịch vụ tiện ích điện, nước, viễn thông …Về vấn đề này, ngay từ năm 2014, CIC đã đưa nội dung này vào Đề án phát triển CIC đến 2015 và hướng tới 2020.
Riêng trong năm 2015, CIC đã trình Thống đốc gửi công văn tới các bộ, ngành liên quan để phối hợp chỉ đạo các DN tham gia vào hệ thống CIC; đồng thời chủ động liên hệ, làm việc để thống nhất trao đổi thông tin giữa CIC và các đơn vị ngoài ngành.
Tuy nhiên, cơ chế trao đổi thông tin vẫn còn những vướng mắc về khuôn khổ pháp luật, các điều khoản bảo mật thông tin của khách hàng… và các lợi ích trong việc trao đổi thông tin vẫn chưa được thống nhất.
Bên cạnh đó, trong những năm tiếp theo, WB sẽ có cách đánh giá mới, bổ sung, nâng cấp các tiêu chí đánh giá hiện tại. Cụ thể, Tại Hội thảo “Thực hiện Nghị quyết số 19: Cải thiện Chỉ số Môi trường kinh doanh Việt Nam” diễn ra vào tháng 6/2015, chuyên gia NH Thế giới có đề cập tới các tiêu chí bổ sung để có cách đánh giá mới đối với hệ số chiều sâu thông tin tín dụng trong các năm tới như “có trao đổi thông tin quốc gia hay không?”; “có đưa mẫu báo cáo thông tin tín dụng lên website để khách hàng vay có thể dễ dàng truy cập hay không?”; “có ưu tiên đặc biệt với đối tượng vay là DN nhỏ và vừa hay không?”.
Nắm bắt được những thay đổi này, CIC đã chủ động trong việc hoàn thiện các tiêu chí mà WB đưa ra trong phạm vi và khả năng của CIC. Những vấn đề nằm ngoài phạm vi và khả năng của CIC, CIC sẽ tích cực đề xuất các giải pháp với Ban Lãnh đạo NHNN để tìm ra hướng giải quyết, đảm bảo mang lại lợi ích tốt nhất cho khách hàng vay, hỗ trợ tối đa các TCTD trong việc quản trị rủi ro và giảm thiểu rủi ro cho toàn bộ hệ thống NH.
Theo ông, sự nhận thức, hợp tác của các tổ chức có lưu giữ thông tin về cá nhân, DN có phải là một khó khăn trong việc cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng trong thời gian tới?
Đúng, sự nhận thức và hợp tác của các tổ chức ngoài ngành hiện đang lưu giữ thông tin liên quan đến tổ chức, cá nhân đang là khó khăn trong việc cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng Việt Nam. Mặc dù các tổ chức này cũng khẳng định tầm quan trọng của việc tham gia vào hệ thống thông tin tín dụng, góp phần nâng cao sự minh mạch hoá trong tiếp cận tín dụng và các dịch vụ tiện ích.
Tuy nhiên, sự hợp tác, chia sẻ vì mục tiêu chung lại chưa được các tổ chức này quan tâm đúng mực. Lợi ích của việc tham gia hệ thống không thể cân, đong, đo, đếm ngay được mà phải được đánh giá trên phương diện lợi ích chung và lâu dài của toàn bộ nền kinh tế.
Nếu không có sự tham gia của các tổ chức ngoài ngành, một bộ phận lớn người dân và DN không có thông tin được lưu trữ tại kho dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia, từ đó gây tốn kém chi phí trong việc điều tra, thu thập thông tin phục vụ đánh giá cấp tín dụng và các dịch vụ tiện ích khác.
Theo ước tính của CIC, hiện nay thông tin được lưu trữ ngoài ngành là rất lớn, trên 10 triệu người và DN. Nếu tích hợp được nguồn dữ liệu này sẽ góp phần đáng kể vào việc giảm chi phí đánh giá, thẩm định khách hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của NH, DN tiện ích và xa hơn là nâng cao được lợi ích của toàn xã hội.
Được biết CIC đang triển khai thí điểm hoạt động đăng ký tín dụng thể nhân, đồng thời cung cấp các thông tin tín dụng, điểm số tín dụng cho người vay. Theo ông, nỗ lực này có thể tiếp tục cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng đến đâu?
Từ ngày 15/9/2015, CIC triển khai thí điểm hoạt động đăng ký tín dụng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Mục đích của hoạt động này là để minh bạch hoá hoạt động thông tin tín dụng, kết nối khách hàng vay với NH, thúc đẩy hoạt động cấp tín dụng cho các khách hàng vay cá nhân.
Đối tượng đăng ký là các khách hàng vay tại khu vực Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Khách hàng vay sẽ thực hiện đăng ký các thông tin định danh, thông tin về nhu cầu vay vốn.
Khách hàng sau khi thực hiện đăng ký tín dụng có thể khai thác báo cáo chấm điểm tín dụng để biết được điểm số tín dụng và hạng rủi ro của mình, từ đó có hướng để nâng cao điểm tín dụng, tạo cơ hội tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn tín dụng của các TCTD.
Điểm tín dụng thể hiện mức độ tín nhiệm của khách hàng vay trong quá trình quan hệ tín dụng với các TCTD và là nguồn tham khảo để các TCTD xem xét cấp tín dụng, mở thẻ tín dụng. CIC cũng đưa ra các tiêu chí, định hướng cho khách hàng để có thể nâng cao được điểm số tín dụng của mình, tạo thuận lợi cho tiếp cận tín dụng tại các TCTD.
Vấn đề về công nghệ hiện nay có phải là rào cản đối với việc triển khai cổng thông tin với khách hàng vay và mục tiêu phổ biến thông tin tín dụng tới người dân, từ đó ảnh hưởng tới chỉ số tiếp cận tín dụng của khách hàng vay không?
Hiện nay, dự án về hệ thống thông tin quản lý và hiện đại hóa NH (FSMIMS) của NHNN – cấu phần CIC đã đi vào giai đoạn cuối, sẽ vận hành chính thức trong tháng 12/2015. Theo đó, các quy trình nghiệp vụ được cải tiến theo hướng hiện đại, áp dụng công nghệ để nâng cao tính tự động, đảm bảo an ninh, bảo mật và thuận tiện cho các khâu nghiệp vụ từ thu thập thông tin đầu vào đến xử lý, lưu giữ, tạo lập sản phẩm.
Hệ thống công nghệ mới của CIC hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu của nhiều người sử dụng đồng thời. Khách hàng vay có thể dễ dàng truy cập 7/7 ngày và 24 giờ/7 ngày thông qua cổng thông tin điện tử của CIC.
Bên cạnh đó, thông qua cổng thông tin này, khách hàng vay có thể khiếu nại, yêu cầu chỉnh sửa thông tin có sai sót về bản thân, đảm bảo quyền lợi của mình trong tiếp cận tín dụng. Cổng thông tin điện tử này là cầu nối hữu hiệu giữa khách hàng vay và TCTD, qua đó tạo thuận lợi và thúc đẩy tiếp cận tín dụng của khách hàng vay.
Theo ông, cơ sở pháp lý hiện nay còn có hạn chế gì và cần thay đổi như thế nào để hoạt động thông tin tín dụng tiếp tục phát triển, đem lại lợi ích cho xã hội, người dân và DN?
Hiện nay, Việt Nam chưa có luật riêng về chia sẻ thông tin hoặc thông tin tín dụng, tuy nhiên NHNN cũng đã chủ động xây dựng các văn bản quy phạm dưới luật khác như Nghị định 10/2010/NĐ-CP về hoạt động thông tin tín dụng tư nhân, Thông tư 03/2013/TT-NHNN về hoạt động thông tin tín dụng của NHNN… trong đó cũng quy định rõ về trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ của các đơn vị, cá nhân trong hệ thống thông tin tín dụng.
Các văn bản pháp lý này đã đáp ứng được hoạt động thông tin tín dụng của NHNN trong thời gian vừa qua, nhưng phạm vi tác động vẫn còn hẹp, chủ yếu trong hệ thống NH.
Để hoạt động trao đổi thông tin với các đơn vị ngoài ngành được hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, cần sớm xây dựng và ban hành một văn bản quy phạm pháp luật đủ mạnh (Nghị định hoặc luật về chia sẻ thông tin) để quy định rõ và ràng buộc trách nhiệm chia sẻ thông tin của các đơn vị ngoài ngành NH với NHNN.
Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của Việt Nam, việc hợp tác, trao đổi thông tin xuyên biên giới cần được quan tâm và khởi động sớm. Chính phủ và NHNN cần có sự hỗ trợ về mặt khuôn khổ pháp lý thông qua các biên bản ký kết, hiệp định, hiệp ước được ký kết giữa Chính phủ, NHNN và các quốc gia có nhu cầu trao đổi thông tin.
Việc chia sẻ thông tin sẽ giúp các tổ chức, cá nhân Việt Nam có cơ hội tiếp cận nguồn vốn nước ngoài, mở rộng hoạt động kinh doanh và đầu tư tại các thị trường nước ngoài, đồng thời, Việt Nam cũng có thể nhận được nguồn vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp thông qua các kênh đầu tư, hợp tác kinh doanh khi các đối tác nước ngoài có nguồn thông tin tin cậy tìm hiểu về các DN và cá nhân Việt Nam.
(http://thoibaonganhang.vn)