Tổ chức tín dụng – Không còn tồn tại 2 số liệu nợ xấu
Không còn tồn tại 2 số liệu nợ xấu
Theo NHNN, từ tháng 3/2015, số liệu theo báo cáo của Tổ chức tín dụng và số liệu theo kết quả giám sát của NHNN đã không còn cách biệt, nợ xấu của các TCTD đã được minh bạch hơn.
Theo NHNN, sau gần 4 năm triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD trong điều kiện nhiều yếu tố không thuận lợi (kinh tế vĩ mô kém ổn định, tăng trưởng kinh tế chậm, thị trường bất động sản trầm lắng, chậm phục hồi…), tuy nhiên với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành ngân hàng và hệ thống chính trị, về cơ bản mục tiêu Đề án 254 đã đạt được.
Sự an toàn, ổn định của hệ thống các Tổ chức tín dụng đã được duy trì và cải thiện, cơ bản đã và đang thực hiện các bước cơ cấu toàn diện, các NHTM yếu kém đã được, giảm dần, kiểm soát tình hình hoạt động theo hướng cải thiện hơn. Kết quả cơ cấu lại các TCTD đạt được rõ nét đã ổn định tâm lý người gửi tiền, nhà đầu tư; nhân dân tin tưởng vào chủ trương, chính sách, biện pháp cơ cấu lại các Tổ chức tín dụng của Nhà nước.
Các giải pháp xử lý nợ xấu đã phát huy tác dụng (đặc biệt là thông qua VAMC) góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ. Đến 30/11/2015, khoảng 99,6% nợ xấu của các Tổ chức tín dụng ước tính tại thời điểm cuối tháng 9/2012 đã được xử lý và chất lượng tín dụng được cải thiện. Đến 30/11/2015, nợ xấu toàn hệ thống đã được đưa về mức 2,72%, hoàn thành mục tiêu đề ra 3%.
NHNN cũng khẳng định, với việc áp dụng đầy đủ chuẩn mực mới về phân loại nợ, từ quý I/2015 không còn tồn tại 2 số liệu nợ xấu (số liệu theo báo cáo của TCTD và số liệu theo kết quả giám sát của NHNN) và nợ xấu của các TCTD đã được minh bạch hơn. Cùng với việc tích cực triển khai các giải pháp cơ cấu lại các Tổ chức tín dụng, kết quả xử lý nợ xấu đạt được đã góp phần quan trọng cải thiện thanh khoản, giảm mặt bằng lãi suất, mở rộng khả năng tăng trưởng tín dụng nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trả lời về việc NHNN sẽ giám sát cho vay như thế nào để tránh nợ xấu phát sinh trogn thời gian tới, Phó Thống đốc NHNN, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết xử lý nợ xấu được xem là vấn đề trọng tâm trong giai đoạn 2011-2015 và đã thành công khi giảm mạnh tỷ lệ này từ mức trên 17% tại thời điểm cuối tháng 9/2012 đến cuối tháng 11/2015 còn 2,72% thông qua chỉ đạo bằng nhiều biện pháp như trích lập dự phòng, bán đấu giá tài sản, qua VAMC,…Đồng thời yêu cầu các Tổ chức tín dụng triển khai chặt chẽ rủi ro tín dụng nhằm hạn chế nợ xấu phát sinh.
Bên cạnh đó, thực hiện Thông tư 02 từ tháng 6/2015, nợ xấu được phân loại theo quy định chặt chẽ hơn. Ngoài ra, NHNN cũng yêu cầu nợ xấu các Tổ chức tín dụng cần tham khảo từ số liệu của CIC.
( trích cafef)