Cô gái trẻ khởi nghiệp cùng Tài chính vi mô
Cô gái trẻ khởi nghiệp cùng Tài chính vi mô
Minh sinh ra trong một gia đình nghèo ở ngôi làng trên đồi của xã Công Liêm huyện Nông Cống. Vì hoàn cảnh quá khó khăn, cô đã thôi học từ năm lớp 7, vào Nam làm công nhân may để có thể tự nuôi sống bản thân. Sau 10 năm bươn chải, Minh lập gia đình với một người đồng nghiệp trong nhà máy. Cô yêu nghề may, nhưng cuộc sống của 2 vợ chồng trẻ với đồng lương ít ỏi giữa thành phố xa lạ quá bấp bênh, họ quyết định quay trở về sống cùng trong ngôi nhà của bố mẹ để bắt đầu lập nghiệp tại quê nhà.
Mọi thứ khi mới bắt đầu đều rất khó khăn, chồng Minh làm lao động tự do, ai cần việc gì thì gọi. Còn cô tìm đủ nghề kiếm sống, lúc thì bán bó rau con cá, có khi đi thu lượm phế liệu. Sau 2 năm làm việc cật lực mà vẫn chưa tìm được lối đi, giữa lúc những khó khăn nhọc nhằn của miếng cơm manh áo đời thường dường như đã nhấn chìm mọi mơ ước của cô gái trẻ thì nghề may một lần nữa tìm đến Minh. Một người bạn mở hiệu may mời cô đến làm thuê. Nhờ có năng khiếu và kinh nghiệm làm việc lâu năm lại thêm tính nhẫn nại, chịu thương chịu khó, Minh đã sớm được giữ vị trí trưởng nhóm may trong cửa hàng. Lúc này cô bắt đầu nhen nhóm ước mơ về một cửa hàng của riêng mình. Nhưng khó khăn trăm bề vẫn là thiếu vốn, dù chỉ là nguồn vốn thấp để trang bị máy may và nguyên liệu ban đầu cho một cửa hàng nho nhỏ. Cô đã nghĩ đến vay Ngân hàng, rồi mượn bạn bè, người thân nhưng lại tự ti với số phận nghèo hèn của mình nên không dám hỏi. Giữa lúc đang ngổn ngang trăm mối, Minh bất ngờ được gặp một cán bộ tín dụng từ Tổ chức tài chính vi mô Thanh Hóa trong buổi sinh hoạt phụ nữ tại thôn. Trong câu chuyện cởi mở, chân thành, chị đã chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm, tháo gỡ các vấn đề mà chị em đang vướng mắc trong việc chăm sóc gia đình cũng như cách thức tăng thu nhập cải thiện đời sống gia đình. Khi biết khó khăn của Minh, chị tư vấn, giới thiệu Minh đến với nguồn vốn của Tài chính vi mô Thanh Hóa, Chi nhánh Nông Cống. Sau chưa đầy 10 ngày kể từ lúc gặp chị, Minh đã nhận được những đồng vốn nhỏ, đầy ý ngĩa, chứa đựng cả niềm mơ ước của cô và gia đình. Minh thôi làm thuê, bắt đầu rủ thêm hai người chị em thân thiết cùng làm ở cửa hàng của mình.
Ban đầu, mong muốn của Minh chỉ là sử dụng cái nghề mà nhiều năm bươn chải đã có được để tự nuôi sống bản thân và gia đình. Dần dần nhờ chịu thương chịu khó, uy tín chất lượng của cửa hàng được nâng lên, cô bắt đầu nhận được những đơn hàng lớn hơn như may đồng phục học sinh cho các trường, may gia công số lượng lớn. Chồng Minh cũng về làm ngay tại cửa hàng, anh có kinh nghiệm cắt may công nghiệp bằng máy chuyên nghiệp nên hỗ trợ được rất nhiều. Những thành công ban đầu đã chắp cánh cho ước mơ và dự định mới của Minh, cô đã mạnh dạn đề xuất mức vay cao hơn và đã được cán bộ tín dụng chi nhánh tư vấn hỗ trợ tận tình. Với nguồn vốn vay cùng sự động viên của các chị em trong nhóm, Minh mạnh dạn mở rộng cơ sở lên 12 máy may gia công, thuê cố định 16 nhân công. Xưởng may hoạt động đều đặn suốt 4 mùa, cứ mùa này lại làm hàng cho mùa sắp tới, không lúc nào ngơi tay. Loại sản phẩm cũng ngày càng đa dạng, uy tín được khẳng định trên thị trường. Cuộc sống gia đình cô nhờ đó cũng dần được cải thiện, lại hỗ trợ việc làm, thu nhập ổn định cho các chị em nghèo trong thôn xã.
Đến nay, Minh đã vay vốn từ Tài chính vi mô Thanh Hóa lần thứ tư, cô khánh thành một xưởng may mới khang trang, lắp đặt máy móc chuyên nghiệp hơn với quy mô là 40 máy may, dự định thuê 45 nhân công thường xuyên. Nhìn nhà xưởng và dàn máy may mới Minh bồi hồi xúc động nhớ lại lời động viên chân thành của Cán bộ tín dụng tài chính vi mô: ‘Sự thành công đến từ cái nhỏ và thất bại thì lại từ cái lớn”. Với đồng vốn Tài chính vi mô, sau năm năm cô đã có được cơ ngơi bề thế và đang chuẩn bị đón nhận thêm một tin vui, thông qua Tổ chức tài chính vi mô Thanh Hóa Minh đã được trao tặng giải thưởng Doanh nhân vi mô tiêu biểu năm 2015 tại Lễ công nhận cá nhân và Tổ chức tài chính vi mô tiêu biểu diễn ra ngày 04 tháng 12 năm 2015 tại Hà Nội. Chương trình là một hoạt động thường niên được thực hiện bởi Ngân hàng nhà nước và Nhóm công tác tài chính vi mô nhằm vinh danh các khách hàng nghèo sử dụng nguồn vay Tài chính vi mô hiệu quả để mở mang sản xuất, sử dụng lao động là các hộ có hoàn cảnh khó khăn, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo trên quê hương đất nước.
Trong khuôn khổ chương trình vinh danh doanh nhân vi mô City hơn 7 năm qua, nhiều hộ là khách hang vay vốn từ Tài chính vi mô Thanh Hóa, đặc biệt là phụ nữ, hộ nghèo, hộ thu nhập thấp đã được vinh danh, tạo thành phong trào: Phụ nữ nghèo và Doanh nhân Citi trên toàn tỉnh. Phát biểu cảm xúc khi nhận giải thưởng Doanh nhân vi mô, Minh cho biết: “Tôi thực sự vô cùng vinh dự và xúc động khi được nhận giải thưởng này. Khi bắt đầu vay vốn thực sự vì lý do thiếu vốn đầu tư cho xưởng may gia công của gia đình, tôi không hề nghĩ rằng sẽ có ngày mình được nhận giải thưởng này, bởi vì từ trước đến nay xung quanh xã tôi chưa từng có ai giành giải thưởng nhờ vay vốn. Tôi không biết nói gì hơn lời cảm ơn Tổ chức Tài chính vi mô Thanh Hóa, cảm ơn Ban tổ chức đã cho tôi cơ hội và động lực để tiếp tục nỗ lực hơn trên con đường của mình”.
Tính đến cuối năm 2015, tài chính vi mô Thanh Hóa đã hỗ trợ 17.000 lượt hộ vay vốn mỗi năm với tổng dư nợ hơn 150 tỷ đồng. Bên cạnh hoạt động vay vốn, tổ chức còn thực hiện những buổi truyền thông về sức khỏe, vệ sinh môi trường, tư vấn tài chính – kinh doanh và thường xuyên đến thăm hỏi động viên các hộ nghèo, hộ neo đơn tiếp tục vượt lên khó khăn trong cuộc sống, thực hiện giá trị cốt lõi của Tổ chức: luôn luôn cân bằng giữa mục tiêu tài chính và mục tiêu xã hội.
( trích tochuctaichinhvimoThanhhoa)