Sơn La: Tín dụng ngân hàng góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh

Sơn La: Tín dụng ngân hàng góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh

Tín dụng ngân hàng ưu tiên tập trung vốn cho vay các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kinh tế tập thể, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội của một tỉnh miền núi.

Chiều ngày 17/6, đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã chủ trì buổi làm việc với các ngân hàng về hoạt động tín dụng trên địa bàn tỉnh. Dự buổi làm việc có các đồng chí: Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố; giám đốc các ngân hàng và quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã đánh giá cao kết quả hoạt động của ngành Ngân hàng trong việc tuân thủ, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thực hiện có hiệu quả chính sách tiền tệ, bảo đảm hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả; thực hiện tốt công tác huy động vốn, tăng trưởng tín dụng phấn đấu đạt được mục tiêu chung của ngành Ngân hàng; ưu tiên tập trung vốn cho vay các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kinh tế tập thể, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, kết quả cụ thể:

Trong thời gian qua, hệ thống Ngân hàng Sơn La đã thực hiện tốt công tác huy động vốn, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn năm sau cao hơn năm trước. Đến hết ngày 31/12/2020, tổng nguồn vốn huy động đạt 22.603 tỷ đồng, so với năm 2010 tăng 18.571 tỷ đồng, tăng 461% (bình quân dư nợ tăng 1.857 tỷ đồng/năm). Như vậy trong 10 năm, huy động vốn của các TCTD trên địa bàn tăng gấp 5,61 lần. Riêng 5 tháng đầu năm 2021, tổng nguồn vốn huy động tại địa phương đạt hơn 24.000 tỷ đồng, tăng 1.400 tỷ đồng so với ngày 31/12/2020; tổng dư nợ cho vay đạt 41.664 tỷ đồng, tăng 229 tỷ đồng so với ngày 31/12/2020.

Tính đến hết ngày 31/12/2020, dư nợ cho vay đạt 41.435 tỷ đồng, so với năm 2010 tăng 32.972 tỷ đồng, tăng 390%. Trong 10 năm, dư nợ cho vay của ngành Ngân hàng trên địa bàn tăng 4,9 lần, bình quân dư nợ tăng thêm hàng năm 3.297 tỷ đồng; dư nợ cho vay năm 2020 tính trên GRDP của tỉnh đạt tỷ lệ 78,6% (tính cả dư nợ của Ngân hàng Phát triển). Trong 5 tháng đầu năm 2021, tổng dư nợ cho vay đạt 41.664 tỷ đồng, tăng 229 tỷ đồng so với ngày 31/12/2020. Chất lượng tín dụng đảm bảo, tỷ lệ nợ xấu thấp hơn mức quy định của NHNN Việt Nam.

Bên cạnh đó, hệ thống Ngân hàng trên địa bàn đã thực hiện tốt các chương trình, chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam và của cấp ủy, chính quyền địa phương như: Cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn; Cho vay kinh tế tập thể Hợp tác xã, các thành viên hợp tác xã. Cho vay thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Cho vay hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình để hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân; Cho vay đối với các đối tượng chính sách… đều tăng cao hơn nhiều so với năm 2010.

Giữ vững ổn định thị trường tiền tệ, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, tích cực hỗ trợ khách hàng ứng phó với thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Chỉ đạo, giao nhiệm vụ đối với ngành Ngân hàng tỉnh trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Hữu Đông – Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu NHNN Chi nhánh tỉnh Sơn La tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối trên địa bàn theo chỉ đạo của Trung ương, NHNN Việt Nam và của tỉnh; tham mưu, đề xuất với Thống đốc NHNN và tỉnh kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hoạt động tín dụng; tăng cường chỉ đạo các TCTD xây dựng và triển khai thực hiện hoạt động kinh doanh đảm bảo an toàn, hiệu quả, bền vững, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát nợ và nợ xấu phát sinh.

Tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là dịch COVID-19. Các TCTD tiếp tục thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội; chấn chỉnh những tồn tại trong hoạt động, xây dựng kế hoạch phát triển của đơn vị trong thời gian tới đảm bảo phát triển an toàn, bền vững, hiệu quả và thực hiện đúng quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ nhằm ngăn chặn các đơn vị, cá nhân có hành vi thực hiện hoặc tiếp tay, thông đồng với các đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng đen; đẩy mạnh công tác huy động vốn, phát triển, đa dạng các sản phẩm tín dụng ngân hàng phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng chính đáng của người dân và doanh nghiệp với lãi suất hợp lý./.

Nguồn: Dương Nhung – Thời báo ngân hàng

Share this post